“Tây Nguyên: Phương án tác chiến của ta”




Tối 30 Tết, chúng tôi nghỉ lại ở Sở chỉ huy Sư đoàn Công binh 470 đóng tại I-a Đrăng (…) Vào tới Tây Nguyên, chúng tôi lập Sở chỉ huy ở phía tây Buôn Ma Thuột, gần Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Mặt trận (…)

Thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh (…) tôi tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên gồm các đồng chí: Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh (…)

Hệ thống đường sá phục vụ việc cơ động trong chiến dịch đã làm xong, bộ đội được tiếp tế vật chất tương đối tốt, sở chỉ huy các cấp đã lập xong và ổn định. So sánh với địch trên toàn địa bàn chiến dịch thì lực lượng ta không hơn địch nhiều, nhưng do ta tập trung phần lớn sức mạnh vào khu vực chủ yếu, nên ở khu vực này ta có ưu thế so với địch (…)

Tuy nhiên, bộ đội ta có một số nhược điểm như trình độ tác chiến tập trung chưa đều, còn ít kinh nghiệm đánh thành phố và tác chiến hợp đồng binh chủng quy mô lớn cũng còn mới đối với một vài đơn vị (…)

Cách đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên là:

- Sử dụng lực lượng tương đối lớn, cỡ trung đoàn và sư đoàn để cắt các đường giao thông số 19, số 14, số 21, tạo ra thế chia cắt địch, về chiến lược tách rời Tây Nguyên khỏi đồng bằng ven biển và về chiến dịch cô lập Buôn Ma Thuột với Pleiku và Pleiku với Kon Tum. Đồng thời tích cực hoạt động nghi binh giam chân địch, thu hút sự chú ý và lực lượng của chúng về phía bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho ta có thể giữ bí mật ở phía nam cho đến khi nổ súng đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.

- Về việc đánh chiếm Buôn Ma Thuột: tổ chức một lực lượng đột kích binh chủng hợp thành tương đối mạnh cỡ trung đoàn, không để sẵn ở vị trí xuất phát tiến công mà từ xa vận động đến, bỏ qua các cứ điểm địch bảo vệ vòng ngoài, bất ngờ thọc sâu vào bên trong thị xã, phối hợp với các đơn vị đặc công và bộ binh đã bí mật bố trí sẵn từ trước, nhanh chóng tiêu diệt ngay các mục tiêu chỉ huy đầu não và vị trí xung yếu, đánh chiếm vững chắc các bàn đạp bên trong xong, mới từ trong thị xã đánh ra ngoài tiêu diệt những cứ điểm cô lập đã mất chỉ huy, đang hoảng hốt. Đồng thời, tổ chức một lực lượng dự bị binh chủng hợp thành rất mạnh sẵn sàng đánh bại các cuộc phản kích của địch hòng chiếm lại thị xã (…)

Tối ngày 25-2-1975, trong một cánh rừng của Đắk Lắk, giữa tiếng đại bác địch bắn cầm canh, chúng tôi và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên họp thông qua phương án đánh chiếm Buôn Ma Thuột (…)

“(…) Cách đánh này có hai vấn đề khó: một là tổ chức chiến đấu hợp đồng (…) thống nhất thời gian (trong khi phải) vượt sông, vượt qua các chốt phòng ngự của địch từ xa đến sát thị xã. Hai là phải giữ được bí mật, làm cho địch bị bất ngờ khi ta nổ súng. Giải quyết được tốt hai vấn đề này thì địch sẽ bị đánh ngã rất nhanh, không phải từ 7 đến 10 ngày như các đồng chí dự kiến lúc đầu (…) Hôm nay, họp tương đối đông đủ, có đại diện các sư đoàn, các binh chủng, các cơ quan, tôi xin thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phê chuẩn (…) phương án tác chiến của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (…)”


(Trích chương 4 và chương 5, hồi ký
Đại thắng Mùa Xuân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Nhan đề phần trích tạm đặt.)