Trong một tháng, giết được 7, 8 tên địch, có trận giết được 4. Mất một ngón tay cái.

Trong một tháng, bao nhiêu điều “làm sao mà quên được”.

Một tháng của một đời người.

“Có những đêm trăng, đứng gác, pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó, lòng con như thắt lại, con nhớ nhà vô cùng!”. Xa mới nhớ. Xa thế này, nhớ mới đến “vô cùng”.
(Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (8)




5-3-1968

Bị thương lần đầu tại Cam Lộ, Quảng Trị, lúc 16 giờ (…) cụt mất một ngón tay cái (…)

22-4-1968

Ba mẹ và các em yêu quý! (…)

Con như một đứa bé mới lớn, tập làm quen mọi việc: cầm bát cơm ăn cũng đánh đổ, giặt quần áo cũng phải nhờ người khác, thậm chí đi ngoài cũng phải nhờ người khác cài cúc quần hộ… Vết thương mới lên da non, còn đau (…)

Máy bay địch vừa làm xoạch một loạt bom “tọa độ” gần đây (…) Nó bay rất cao, không nghe thấy tiếng động cơ, chỉ bất thình lình nghe tiếng bom rơi vút xuống và nổ liên tục (…) Đơn vị con, mới đây, một đồng chí đã mất một chân vì lối đánh bom này. Hai người khác cáng đồng chí đó đến bệnh viện, dọc đường lại gặp bom, mảnh văng đến cướp mất một miếng thịt ở cổ họng đồng chí đi phía trước. Thật may là nó không cắt sâu vào cuống họng! Hậu cứ, nơi nghỉ ngơi an toàn của chúng con là như vậy đấy! (…)

Chúng con sắp vào trận nữa rồi (…) Bộ đội lau súng đạn, lách ca lách cách với những “khóa nòng”, “thoi”, “ốp che tay” v.v. Đêm qua hành quân, tránh pháo câu đến không biết bao nhiêu lần, ngã sấp ngã ngửa, cát dính vào súng nhiều quá!

Ba mẹ ạ! Con còn nhớ (…) cách đây gần ba tháng (…) sau một đêm hành quân vượt sông (…) (con) lo lắng nhìn khẩu súng đầy cát và nước (…) Trong trận đánh đầu tiên của đời lính, con đã dùng khẩu súng trường máu me còn dính bê bết ở quai và báng súng của một đồng chí đã hy sinh ngày hôm trước (…)

Ba mẹ ạ! Thú thật, ngày đầu ấy con đã hoảng sợ một cách ghê gớm khi thấy đồng chí Du nằm chết, đầu vỡ toang. Mới hôm nào, khi hành quân qua Hà Tĩnh, trên đò sông La, anh ấy nói: “Tao chấm cho đất Hà Tĩnh của mày được mười điểm!”. Thế mà bây giờ anh ấy đã chết rồi đấy! Đồng chí Thám cũng vậy, 8 giờ sáng anh ấy chết nhưng hai giờ trước đó, con còn gọi anh ấy bò sang hầm cùng hút chung điếu thuốc lá! (…)

Có những đêm trăng, đứng gác, pháo sáng địch lơ lửng xa xa, sóng biển vỗ ầm ầm, con chim biển lạc lõng kêu trong một bụi dương nào đó, lòng con như thắt lại, con nhớ nhà vô cùng! (…)

Vào đây, con người ta chóng già trước tuổi lắm (…) Từ lời trao đổi cho đến từng cử chỉ, đều nhất thiết phải có ý tứ. Đã là chiến sĩ quân giải phóng thì phải quán triệt cho được cái câu này: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe, “ẻ” không bãi!” (…) Quan trọng vô cùng. Sống hay chết là ở đó (…)

1-5-1968

Ba mẹ và các em của con!

Hôm nay, con lại viết những lời tâm sự này để báo cho ba mẹ biết một tin vui và hợp với lời dặn của ba trước ngày con lên đường: Con đã được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp III (do thành tích) trong trận đánh ngày 5 tháng 3 ở xóm Đại Độ. Trận này, con tiêu diệt được 4 thằng. Nếu tính tổng số từ đầu, con phải được 7, 8 thằng rồi (…)

Làm sao mà quên được những đêm đầu tiên vượt sông Bến Hải – âm thầm, lặng lẽ. Người ta nói: “Đây là Cửa Tùng” khi chúng con bước chân lên đò. Cửa Tùng đâu? Đêm tối mờ mịt, sóng biển tràn vào vỗ ầm ầm (…) Ngoài cửa sông, chốc chốc lại lóe sáng, tàu biển của địch “đóng đinh” ở đấy, bắn vào bờ bắc, bờ nam, bến đò chúng con đang qua… Nhớ ngày xưa, ba đã từng vào đây, đã vẽ ký họa (…) Khi lội xuống nước, lên đò, con cứ ngoái lại đằng sau, nhìn mãi nhìn đốm lân tinh lóe sáng dưới chân.

Làm sao mà quên được buổi đầu ngỡ ngàng nhìn dãy phi lao im lìm trong bóng tối. Nó bí mật, lặng lẽ quá. Cứ tưởng chỉ chớp mắt thôi, một tràng đạn trong đó bắn ra, nhằm đúng đội hình đang hối hả, bước gấp của chúng con. Anh em lính cũ kể lại, họ vẫn thường bị địch phục kích như vậy. Chúng con yên tâm phần nào khi nghe nói là đã có một tiểu đội đi trinh sát phía trước rồi.

Làm sao mà quên được nỗi hoảng sợ của con khi lần đầu thấy đạn pháo xoèn xoẹt bay tới, nổ trước mặt, mảnh bay véo qua tai. Thật là ghê gớm, cái loại pháo “chơm”: nó chụp xuống đất như người ta nơm cá (…) (Có lần) con bị mảnh pháo xơi gọn mất một miếng vành mũ (…)

Làm sao mà quên được cái ngày nổ súng đầu tiên ấy (…) Con quan sát, nhô cả người lên thành công sự, nên bị lộ. Bên kia, một thằng xạ thủ súng máy đã ngắm vào con và nổ một loạt. May làm sao, đạn chỉ cắm phầm phập vào ụ đất trước mặt, cát tung lên từng cụm một. Con thụp đầu xuống một lúc mà vẫn chưa hoàn hồn (…) Tội nghiệp, nghĩ lại mà buồn cười, anh Đoàn cùng hầm với con lên cơn sốt rét vào giữa lúc đang đánh. Tay cầm khẩu B-40, nằm rên hừ hừ, lắp bắp nói với con: “Lân ơi! Khi khi nào ào… xe tăng tăng… ên lên… thì bảo tao nghe!”.

Làm sao mà quên được nổi sự sửng sốt, bàng hoàng của con khi thấy người ta cáng sáu đồng chí đã hy sinh (…) Các đồng chí Du, Thơ, Thám, Xuân, Cử, Hải (…) Du chết rồi nhưng không được yên, bị nó gài cho một quả lựu đạn dưới đầu, đến tối anh em ra lấy xác, lựu đạn nổ (…) Đồng chí Thắm trúng đạn, ngoắc ngoải, bị địch lấy lưỡi lê đâm cho nát cổ.

Làm sao mà quên được những chiếc máy bay trinh sát L-19 bay lượn suốt ngày tìm kiếm mục tiêu, những chiếc trực thăng vũ trang “U-ti-ti” hình thù như con nòng nọc, nhả đại liên, rốc-két cũng suốt ngày. Đồng chí Quang cùng hai dân quân đi cảnh giới, đứng ngoài công sự, bị trực thăng bắn chết cả ba người cùng một lúc.

Làm sao mà quên được cái cảm giác khi lần đầu tiên chính tay con cầm súng ngắm vào ngực một thằng lính hải thuyền có bộ mặt đỏ như gấc, mặc áo cộc tay, đeo ba-lô to sù, đứng nấp sau một cây dương. Nó ló ra, con bóp cò, nó xịu người, nằm chềnh ềnh ngay đó.

Làm sao mà quên được cái ngày chính con đi lấy xác đồng đội. Đồng chí đó bị một quả pháo rót trúng ngay hầm, bị vùi lấp hết, chỉ còn hở hai cái chân. Máu của người chết dính vào quần áo con, một mùi tanh không bao giờ quên được. Chiều hôm ấy, nghĩ đến lúc đào tử sĩ, con không nuốt nổi cơm, người run như sốt rét.

Làm sao mà quên được mảnh đất con đã sống, những tên xóm, xã thân thiết lạ lùng, vì ở đó rất có thể chỉ một lúc bất ngờ nào thôi, con sẽ phải yên nghỉ vĩnh viễn: Đông Hà, Cửa Việt, Lâm Xuân Đông, Lâm Xuân Tây, Nhĩ Hạ, đồi 31, xóm Hợp, Đại Độ, Vinh Quang Thượng, Vinh Quang Hạ…