Đây chắc là một nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác. Lâu rồi, cô đã từ giã một làng quê nào đó để lên đường, tới một chỗ giữa núi rừng xa xôi, cầm súng sẵn sàng bắn vào những kẻ thù đang rình rập. Bình thường ra, thân gái thế này thì dễ nản và dễ sốt ruột lắm. Nhưng những năm tháng ấy có bình thường chút nào đâu và cái dân tộc này có “bình thường” đâu. Điều xảy ra hiếm thấy trên đất nước khác thì ở ta thường thấy đến nỗi thành quen. (Thu Tứ)



Phạm Tiến Duật, “Cô bộ đội đã đi rồi”




Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau

Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt
Bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua

Đã sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói
Cả một thời thanh xuân sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa

Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắc tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn

Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ

Trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa, biết ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe

(…)

Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay

Rồi ngày mai xa vắng nơi này
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
nhân dân đoàn tụ muôn đời! (1)

Cô bộ đội ấy đã đi rồi.





















_________
(1) Trong thơ tôi rất ít có khẩu hiệu. Chỉ duy bài thơ này (rút từ trường ca
Những vùng rừng không dân) là có một dòng khẩu hiệu được in nghiêng. Ấy là vì nhìn lính như nhìn dân mà xúc động khôn nguôi.