Võ Nguyên Giáp, “Cài thế, nghi binh thành công”




Theo dõi hành trình của Đoàn A.75, Bộ Tổng tư lệnh biết toàn đoàn hành quân bí mật, an toàn, đón giao thừa ở Ia Đrăng, đến Tây Nguyên vào đầu năm mới âm lịch (…)

Lúc này, có một tình hình không thuận khiến cho kế hoạch đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột ngay từ đầu chiến dịch không thực hiện được. Đó là việc bố trí lực lượng ta ở chiến trường Tây Nguyên có khác với dự kiến (…) Sư đoàn 10 và nhiều đơn vị khác đã được các đồng chí chỉ huy tại chỗ bố trí từ Đức Lập đến Đắc Soong trên đường 14 theo ý đồ trước đây là đánh mở thông hành lang vận chuyển chiến lược vào Nam bộ. Anh Dũng điện ra cho biết nếu điều chỉnh lại đội hình thì sẽ rất phức tạp, vừa mất thời gian, vừa dễ lộ bí mật. Vì vậy, các anh trong đó quyết định cứ đánh Đức Lập (…) Đánh xong Đức Lập rồi, sẽ lập tức điều Sư đoàn 10 và một số đơn vị về tham gia đánh Buôn Ma Thuột (…)

Chấp hành ý của Bộ, Quân khu 5 cử Phó Tư lệnh Võ Thứ vào Bình Định điều Sư đoàn 3 lên cắt đứt đường 19. Các đồng chí ở địa phương chưa thật thông, đề nghị chỉ đưa một trung đoàn đi làm nhiệm vụ ấy. Nghe vậy, anh Chu Huy Mân lập tức chống gậy vào can thiệp. Có lệnh của Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu, địa phương mới đồng ý điều Sư đoàn 3 và cả trung đoàn pháo của Quân khu lên cắt đường 19, thực hiện nhiệm vụ chia cắt chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng trong diễn biến chiến sự sau này.

Các bước thực hiện chiến dịch Tây Nguyên phát triển thuận lợi (…)

Ngày 25-2-1975, ta tăng cường hoạt động nghi binh. Sư đoàn 968 diệt hai cứ điểm địch trên đường 19 phía tây Pleiku và bắn vào sân bay Cù Hanh.

Ngày 4-3, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và trung đoàn 95A tiêu diệt một loạt vị trí, cắt đường 19 ở An Khê. Địch cho biệt động ra dò tìm và bắn pháo vào chỗ nghi có quân ta.

Đêm 5-3, Trung đoàn 25 cắt đường 21 ở phía đông Chư Cúc, diệt một đoàn xe 80 chiếc.

Tây Nguyên bước đầu bị cô lập với đồng bằng (…)

Ngày 7-3, quân ta diệt cứ điểm Chu Xê (bắc Buôn Hồ) trên đường 14.

Ngày 8-3, trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) đánh chiếm chi khu quân sự Thuần Mẫn.

Ngày 9-3, Sư đoàn 10 nổ súng đánh chiếm quận lỵ Đức Lập. Trên hướng bắc, ta tiêu diệt quận lỵ Thanh An, áp sát, uy hiếp thị xã Pleiku.

Thế chiến lược bao vây, chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột đã được cài xong.

*

Chiến trường Tây Nguyên chuyển mình, sôi động. Trận tiến công Đức Lập và tuyến phòng thủ liên hoàn gồm năm cứ điểm trên đường 14 phía tây nam Buôn Ma Thuột của Sư đoàn 10 và trung đoàn 40 pháo binh đẩy địch ở đây vào tình thế nguy ngập. Các căn cứ Núi Lửa, căn cứ 23 của địch lần lượt bị tiêu diệt. Địch dồn lực lượng vào quận lỵ ngoan cố chống cự. Sư đoàn 10 phải dừng lại củng cố lực lượng rồi tiếp tục tiến công, đến hôm sau mới dứt điểm.

Trước tình hình nguy khốn, Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng II chiến thuật bay đến Buôn Ma Thuột họp với sư phó Sư đoàn 23 ngụy và tỉnh trưởng Đắc Lắc. Phú nhận định: Đức Lập không còn khả năng cứu vãn, không cần tăng viện nữa. Trước mắt, trung đoàn 53 cố gắng giữ cho được ngã ba Đắc Sắc. Nếu ngày hôm sau tình hình khá hơn, sẽ phản kích lấy lại Đức Lập. Trường hợp không trụ nổi thì được phép tự di tản về hậu cứ. “Cộng sản” đánh Quảng Đức, uy hiếp Buôn Ma Thuột chỉ để nghi binh tạo điều kiện cho vài ngày tới sẽ tập trung lực lượng đánh vào Kon Tum – Pleiku, còn đánh Đức Lập là để thông đường vào Nam bộ. Do vậy, việc chính hiện nay là tăng cường mọi khả năng đối phó với địch ở trọng điểm là Kon Tum và Pleiku (…) Phú cả quyết: Nhất định Pleiku là hướng chủ yếu, vì Sư đoàn 320 của “Việt cộng” vẫn ở đó, còn Sư đoàn 10 “Việt cộng” vẫn ở Đắc Tô - Tân Cảnh. Ở Buôn Ma Thuột sẽ chỉ có hoạt động phối hợp bằng đặc công, pháo kích (…)

Hoạt động của quân ta trên các hướng nhịp nhàng ăn khớp. Kế hoạch nghi binh chiến lược thực hiện rất thành công. Trong cuộc đấu trí đầu tiên, bộ tham mưu địch đã phạm sai lầm. Buôn Ma Thuột sơ hở lại càng thêm sơ hở.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1245-1248)