Nó nhiều ta ít, nó mạnh ta yếu. Đồng đội nối nhau hy sinh. Căng thẳng làm sao hơn? Không đâu. Mọi người vẫn vừa làm nhiệm vụ vừa cười đùa, kể cả phụ nữ: “Có những o trẻ tuổi vai đeo K52 cùng kính ngắm, lẫn lộn với bộ đội, lách mình trong chiến hào bắn tỉa từng tên giặc, mặt tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra cả”! Nhà văn à? “Thực” đang tự “cấu” phi thường ngay trước mắt anh kia, chỉ việc ghi thôi, mau lên cho kịp! (Thu Tứ)



Nhật ký Hoàng Thượng Lân (6)




5-2-1968

Viết bên chiến hào, một buổi sáng căng thẳng chờ địch đến.

Hôm nọ vượt sông Bến Hải đúng vào một đêm mưa phùn gió lạnh. Pháo địch từ ngoài biển câu vào, réo trên đầu, nổ dữ dội.

Đứng nơi đây, trông rõ đảo Cồn Cỏ anh hùng, xanh mờ phía xa xa. Ba chiếc tàu chiến đậu ngoài khơi, chốc chốc lại lóe sáng, nổ uỳnh uỳnh.

Sống bên những người lính Vĩnh Linh gan dạ, ra vào mặt trận như cơm bữa, bình thản trước cái chết, pháo địch nổ ầm ầm bên chiến hào vẫn cười đùa, mình thèm muốn có ngay một bản lĩnh thép như họ.

Cái chết đến với mình đã gần quá rồi. Mình không run sợ nữa khi phải tự tay cáng xác bạn mình đưa về phía sau hỏa tuyến. Pháo địch từ biển, từ Đông Hà, Cửa Việt bao vây lấy bọn mình. Bắn suốt đêm suốt ngày, cứ xoèn xoẹt trên đầu, nổ điếc tai, choáng óc (…)

Đồng bào Vĩnh Linh đây sống vô cùng dũng cảm. Mình ngạc nhiên và kính phục. Họ ở lại bờ nam để làm công việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, đón nhận tử sĩ, thương binh, nấu ăn cho chiến sĩ qua lại…

Có những o trẻ tuổi vai đeo K52 cùng kính ngắm, lẫn lộn với bộ đội, lách mình trong chiến hào bắn tỉa từng tên giặc, mặt tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra cả (…)

Sự thật ở đây (…) Giả dụ là một nhà văn có nhiều khả năng hư cấu thì đến đây, anh ta cũng khó lòng mà hư cấu hơn được. Bởi vì thực tế đã thần kỳ, đã vĩ đại quá rồi! (…) (In đỏ đậm do người trích)

Chúng ta chiến đấu kiên cường quá! (…)

Rồi! Ngay bây giờ, pháo bờ bắc của chúng ta đang ầm ầm, bắn dữ dội sang bờ nam, nơi nhức nhối những Đông Hà, Cửa Việt, cao điểm 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên…

Chuẩn bị cho chiến đấu. Mình dừng lại đây. Sống còn sao chưa biết, nếu “nhỡ” xảy ra, có ai lục túi tôi, thấy tập giấy này xin (…) tìm cách gửi ra cho gia đình tôi ngoài Hà Nội: (…)

8-2-1968

Vẫn ở đây (…) Hai trận chiến đấu rồi. Kể cũng hơi hoảng một chút. Bọn địch cách mình có 50m, trông rõ chúng đeo ba-lô bò lổm ngổm (…) Phải bám thắt lưng chúng mà đánh (…) nếu không pháo địch sẽ câu tới một cách dữ dội. Đã có 3, 4 đồng chí bị thương vì pháo rồi. Tội nghiệp cho các đồng chí Du, Thám, Xuân, Hải đã hy sinh ngay trong trận đầu tiên (…)

Trong khi chờ nổ súng, rút bút ghi thêm vài dòng nữa. Ba mẹ và các em (…) yêu quý, thương mến ơi – lúc này đây, đang làm gì? (…) Hãy tự hào về con, ba mẹ nhé (…) Con biết con có thể sẽ chết, sẽ không bao giờ trở về với gia đình nữa, bởi bom đạn ở đây khốc liệt quá! Lực lượng đôi bên chênh lệch nhau quá. Bên ta chỉ hơn nó về mặt dũng cảm, mưu trí và tháo vát. Còn nó, nó vãi đạn như mưa, bắn không biết bao nhiêu mà kể nữa (…) Tất cả những gì đã phải mất máu xương mới giành giật được, sau này ba mẹ nhớ nói với các em phải biết quý trọng, nâng niu (…) Một phần máu xương trong đó (có thể) là của con nữa. (In đỏ đậm do người trích)

Đừng buồn, đừng khóc con. Hãy dũng cảm như chính con đã dũng cảm. Con hy sinh là một tổn thất cho gia đình, nhưng không phải chỉ có mỗi một gia đình ta chịu tổn thất. Đã có biết bao nhiêu đồng chí khác ngã xuống trước con! (…)

Thôi nhé, con xin vĩnh biệt ba mẹ và các em yêu quý. Giờ phút quyết liệt sắp đến rồi. Con xin hứa là sẽ dũng cảm đến phút cuối cùng.

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

9-2-1968

Hôm nay trời trở mưa, gió rét thấu từ ngoài biển vào, sóng đánh ầm ầm, xô từng đợt một.

Bọn địch chưa thấy vào, ngày hôm nay chờ đợi mãi mà không thấy chúng (…)

Khi chiến tranh kết thúc, nếu mình còn sống trở về (…) Có lẽ lúc đó mình sẽ khóc (…) Còn lúc này, mình không khóc. Bạn mình chết nằm đó, xác biến dạng vì bom đạn địch, mình chỉ nhìn, nghiến răng căm thù (…)

Ba mẹ và các em ơi, thôi nhé. Con phải ngủ đây, ngủ để có sức mà chiến đấu (…)