Không khỏi nhớ Nhà hát Thành phố ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi lần đi ngang qua, ngắm cái tượng nữ thần nghệ thuật Tây trên cao chót vót, cảm thấy buồn vô cùng. Đứng trên đất của nước Việt Nam độc lập, mà cái kiến trúc kia lại giống y như mới được bứng bên Pháp đem về! Chuyện đã xảy ra là thực dân Pháp xây xong kiến trúc ấy năm 1900, đến năm 1943 thì bỏ tượng v.v. đi để hiện đại hóa phong cách, nhưng năm 1998 chính quyền ta lại quyết định cho phục chế, phục hồi tất cả những điêu khắc nguyên thủy. Nghe nhạc cổ điển Tây, học chơi nhạc cổ điển Tây, không sao cả, nhưng đi thờ truyền thống nhạc Tây thì chắc chắn là bất ổn. Dĩ nhiên ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có Nhà hát là hình ảnh Sài Gòn thời Pháp thuộc. Người Việt Nam đánh đuổi giặc chi để bây giờ trân trọng dấu vết nó thế này! Nên nhớ dân tộc ta có một nền văn hóa tinh thần riêng không thua kém bất cứ ai. Ta hãy lo thờ ông bà mình mà không quỳ lạy trước linh vị của văn hóa khác. (Lúc nào đó sau năm 2014, Nhà hát TPHCM đã có thay đổi.) (Thu Tứ)



Trần Văn Khê, “Không quỳ lạy khách!”




Tôi (...) không (...) chống lại sự hòa nhập của những tinh hoa văn hóa khác. Tôi chỉ kêu gọi phải thận trọng giữ đúng vị trí một bên là chủ, một bên là khách. Chúng ta hiếu khách, mở cửa đón mọi người vào nhà ở chơi vài bữa rồi về, chớ không phải giữ khách ở lại năm này tháng nọ rồi để người ta lấn chiếm lần lần cả bàn thờ ông bà. Ði đâu tôi cũng nói chuyện đó và quan điểm của tôi được nhiều người đồng tình (q. 3, tr. 339)

Người Việt Nam làm chủ đất nước (...) văn hóa Việt Nam (...) có địa vị văn hóa chủ (...) văn hóa nước ngoài là văn hóa khách. Chúng ta hiếu khách mời khách đến nhà, nhưng phải lưu ý không đưa vào ở trong từ đường hoặc dẹp bàn thờ ông bà để khách ngồi chễm chệ cho thanh niên quỳ lạy. Khách đến chơi rồi ra về chớ không thể ở luôn trong nhà chúng ta. (q. 4, tr. 383)


(
Hồi ký Trần Văn Khê, nxb. Trẻ, 2001 (5 quyển). Nhan đề phần trích tạm đặt.)