Võ Nguyên Giáp, “Cụ thể hóa Nghị quyết 21”




Ngay hôm sau, ngày 9-1-1975, Thường trực Quân uỷ Trung ương họp để quán triệt và triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị. Cùng tham dự có các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn và Hoàng Minh Thảo. Vấn đề trọng tâm là bàn về chiến dịch Tây Nguyên (…)

Tôi đề ra hai tình huống:

- Nếu Buôn Ma Thuột sơ hở thì đánh ngay.

- Nếu địch tăng cường lực lượng và đề phòng thì tổ chức đánh quân tiếp viện trước, cả hai phía Buôn Ma Thuột và Pleiku, sau đó tiến công vào Buôn Ma Thuột.

(…) Tây Nguyên là một chiến trường rừng núi hiểm trở. Lúc này ở đây địch có một sư đoàn chủ lực, bảy liên đoàn quân biệt động và bốn thiết đoàn xe tăng và xe thiết giáp (…) Địch tập trung lực lượng giữ Pleiku, Kon Tum, còn Đắc Lắc, Buôn Ma Thuột (…) sơ hở. Lực lượng ở đây không mạnh (…) càng sâu vào phía trong lực lượng địch càng mỏng. Khó khăn chính (cho ta) là thiếu đường cơ động. Phải (…) mở đường (…) Phải nghi binh tốt, hướng sự chú ý của địch vào bắc Tây Nguyên và Trị - Thiên (…)

Nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch Tây Nguyên được xác định rõ:

- Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch (…) làm tụt nhanh quân số của địch. Mở rộng hành lang chiến lược từ đường 14 qua Gia Nghĩa xuống đường 20 nối với miền đông Nam bộ và từ Tây Nguyên xuống ba tỉnh Khu 5.

- Giải phóng nhân dân (…) ở nam Pleiku và Cheo Reo, xung quanh Buôn Ma Thuột, đánh bại kế hoạch “bình định”, nống lấn và giải toả của địch, giữ vững, phát huy quyền làm chủ chiến trường, thực hiện chia cắt chiến lược. Tích cực phối hợp với mặt trận chống bình định ở đồng bằng. Diệt từ ba đến bốn tiểu khu, chi khu quân sự, từ một đến hai tỉnh lỵ.

- Đánh phá giao thông và hậu cứ (…) Khi có thời cơ, thực hiện chia cắt hẳn các đường 14, 19, 21, trọng điểm là đường 19. Phát triển đấu tranh chính trị trong các thị xã. Ra sức xây dựng cơ sở tự vệ mật và các tổ chức biệt động, diệt ác ôn đầu sỏ, tạo thế làm chủ ở cơ sở.

- Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng vùng giải phóng, xây dựng các đường chiến lược, chiến dịch, hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.

Quyết tâm chiến lược của Đảng đã được cụ thể hoá. Các cơ quan Tổng hành dinh theo chức trách của mình, hướng mọi nỗ lực vào chiến trường chính Tây Nguyên (…) khẩn trương chuẩn bị ngày đêm. Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) được thành lập trên cơ sở Bộ chỉ huy tiền phương B2 và các lực lượng Miền, Quân khu 8 và lực lượng của Bộ mới tăng cường (…)

Các đoàn công binh, thanh niên xung phong ra sức mở đường. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp (…) của các anh Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ, Đồng Sĩ Nguyên, mạng đường chiến lược Đông và Tây Trường Sơn được xây dựng và củng cố (…) nối liền đến Lộc Ninh, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu được hoàn chỉnh, qua Tây Nguyên, Khu 5 vào tới miền đông Nam Bộ, sẵn sàng phục vụ đánh lớn. Anh Lê Ngọc Hiền đi ngay vào Tây Nguyên, chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Bộ lệnh cho anh Vũ Lăng, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đến ngay Buôn Ma Thuột trực tiếp nghiên cứu chiến trường. Ngày 24-1-1975, các anh Phạm Hùng, Trần Văn Trà và đoàn cán bộ B2 cũng cấp tốc lên đường trở về mặt trận đang nóng bỏng.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1235-1238)