Đây chuyện “hát trong rừng” do chính một “em” kể lại: “Ngày ấy tôi được điều động về đoàn văn công Tiếng Hát Át Tiếng Bom (…) Chúng tôi luyện tập mọi nơi mọi lúc, hành quân cũng vừa hò vừa hát (…) Dù hành quân vất vả nhưng nhiều ngày đoàn biểu diễn đến hai, ba lần (…) Mỗi khi chuẩn bị biểu diễn, son phấn không đủ, chúng tôi lấy nhọ nồi kẻ lông mày, dùng giấy đỏ tô má hồng (…) Có lúc đang biểu diễn bị địch đánh phá, cành cây gãy đổ khiến diễn viên bị thương, đàn bị vỡ”.(1) Rút cuộc, nghĩa lý của văn công là gì nhỉ? Thấy đại khái, đời sống ở chiến trường là “khô” lắm. Đã thiếu rau tươi cho cơ thể, lại thiếu cái gì đó tươi cho tinh thần. Các “em” đến, tưới tươi vào lòng các “anh”. Một chút thôi, mà mát lâu phết! (Thu Tứ) (1) Lời Nguyễn Thị Bích Liên, in treo trên tường trong triển lãm “Phụ nữ ở Trường Sơn” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội tháng 7/2019.



Phạm Tiến Duật, “Nghe em hát trong rừng”




Nghe em hát mà anh buồn cười
Nhịp với phách xem chừng sai cả
Mồ hôi em ướt đầm trên má
Anh với mọi người nhìn nhau khen hay

Khu rừng già âm ỉ tàu bay
Các chiến sĩ nhìn em đăm đắm
Mũ sắt lấm, áo ngoài cũng lấm
Mỗi khi cười bóng dáng cứ lung linh

Có lẽ vì khuôn mặt em xinh
Nên tiếng hát nhoè đi không nhớ nữa
Rồi trí nhớ lại bén bùng như lửa
Ẩn náu rất nhiều giọng hát ở xa xăm

Giữa một vùng đất bụi khô rang
Em bỗng đến như dòng sông đầy nước
Trong nhà hầm hun đầy khói thuốc
Câu hát chành như võng đưa

Các chiến sĩ nghe em hát say sưa
Ngày mai ngày kia sẽ chuyện trò vô khối
Giữa những câu chuyện không đầu không cuối
Bao nhiêu người lại nhắc đến em

Câu hát bay vòng qua đêm
Mai chiến sĩ lại ra cao điểm
Cuộc chiến đấu đang còn tiếp diễn
Em còn đi, rừng mở những gian hầm

Tiếng hát bay vòng tháng năm
Ở đâu mà không cần tiếng hát
Nhưng giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc
Là những tâm hồn có nhạc ở bên trong

Câu hát màu chi mà khuôn mặt màu hồng
Tiếng hát xa rồi, không nhớ nữa
Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa
Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa.