“Tình đồng bào trong kháng chiến”




Đất nước một thời nhìn đâu cũng thấy tình. Tình nói đây không phải loại riêng tư như tình cha con, tình mẹ con, tình vợ chồng, tình anh em v.v. Mà là tình giữa đồng chí với đồng chí, giữa chiến sĩ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ với dân, giữa dân với dân…

Giữa dân với dân thì đó là tình đồng bào. “… Người trong một nước phải thương nhau cùng”, lúc nào cũng thế mà, làm sao phải đi phân biệt “một thời”?

Quả vậy, nó lúc nào cũng có đó. Nhưng mà muốn thấy nó cho thỏa mắt, có phải đợi “thời” đấy. Ít ra thì cũng phải là bão lụt, người người màn trời chiếu đất, hoặc hạn hán, mất mùa, đói kém… Còn nhiều thì “Trời đất nổi (hẳn một) cơn gió bụi” dài, chẳng hạn, ba mươi năm, khiến không biết bao nhiêu người gặp đủ thứ cảnh ngộ đáng thương. Chỉ những khi ấy, ta mới được dễ dàng trông thấy cái chuyện “Lá lành đùm lá rách”.

*

Thực ra, “lá” không cần phải đợi tả tơi mới… Chỉ cần tạm bỏ cái cành mình đang cắm, đến cắm nhờ vào một cành khác, ngay chỗ có lá khác đang cắm, là được “đùm”.

Dĩ nhiên ta đang nói đến chuyện tản cư thời đánh Pháp và sơ tán thời đánh Mỹ. Chứ đất nước vô sự mà đùng đùng kéo cả nhà mình vào trong nhà người ta ở thì… chết, sẽ được thấy ngay lập tức tất cả những cái gì là ngược lại với tình. Nhưng khi thực là hữu sự thì, thôi hãy nghe luôn bà Vũ Thị Tuệ (vợ nhà văn Nguyễn Tuân) kể về kinh nghiệm tản cư của gia đình mình hồi đầu thời đánh Pháp: “Chúng tôi (...) về đến Thanh Hóa (...) lúc đó cứ nghĩ rằng tản cư ra vùng tự do cũng xem như là đi kháng chiến và nhà nào đón người tản cư về ở cùng, cũng lấy làm vinh hạnh như là mình đã tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu nước (...) Chúng tôi được nhà chủ cho ở chỗ tốt nhất trong nhà (…) Chúng tôi (…) về (…) đúng dịp giáp Tết. Chủ nhà không cho chúng tôi bày ra nấu nướng gì hết. Họ làm cỗ, nấu bánh chưng và mời cả nhà tôi ăn uống suốt mấy ngày Tết. Ðến giao thừa gia đình còn sắp một mâm cỗ, bày bàn thờ riêng để chúng tôi thắp hương cúng mẹ tôi, vì mẹ tôi mới mất (...) Phải nói là cái hồi kháng chiến ấy, người ta sống với nhau thật tình nghĩa đôn hậu”.(1)

Nhà thơ Quang Dũng viết khá nhiều văn xuôi. Trong một truyện ngắn, ông kể chuyện một gia đình người Hà Nội về quê sơ tán trong thời đánh Mỹ. “Người sơ tán với nhà chủ (…) cùng chạy chung hầm những đêm chớp bom lóe rực sân; cùng giúp nhau dập cái bếp lửa nấu ăn sớm khi bất chợt có kẻng báo động lúc gà gáy; cùng chia sẻ với nhau những bữa ăn đạm bạc gian khổ của thời chiến (…) hai gia đình từ mấy tháng nay, thực sự đã chỉ như là một”. Cái sự “là một” hoàn toàn bất ngờ này, “ông Chanh” (chủ nhà) ngẫm nghĩ rồi cắt nghĩa nôm na mà rất chính xác: “Cũng bởi cái thằng giặc (…) chẳng họ hàng cũng như có họ có hàng với nhau, cũng chung một mái nhà đùm bọc lẫn nhau…”.(2) Cái thằng, rõ chỉ được cái… được việc!

Giặc ngoại xâm hung ác đẩy dân lại gần sát dân, tình đồng bào gặp dịp thích hợp trở nên thật đậm đà. Sơ tán là một quãng thời gian không thể quên được đối với vô số người. Trường hợp những người viết văn làm thơ, có người lâu về sau mới hồi tưởng mà sáng tác về nó, có người sáng tác ngay vào lúc sắp sửa từ biệt quê, khi cảm xúc còn nóng hổi. Đêm ngày 22-4-1973, Vũ Quần Phương “nằm lắng tiếng còi xe / Tiếng còi dẫn đi xa, tiếng còi về Hà Nội”, nghe trong lòng mình bao nhiêu “xúc động dào lên không thể nào nén nổi”, bèn cho hóa luôn thành thơ: “(…) / Ðêm cuối, nhà dân sao khó ngủ / Trăm nỗi nhớ đầy lên vô hạn vô hồi / Nhớ cái giếng sau nhà kéo nước chai tay / Lối ngõ nhỏ sớm mai, tiếng bà con ra ruộng / Nhớ mùa đông trên cánh đồng rạ trống / Nhớ mùa hè thóc chật các sân kho / Gió chuyển mùa gió thổi dưới bờ tre / Tiếng kẽo kẹt nhiều đêm thao thức lạ / Cây ớt cây chanh cái rơm cái rạ / Ðêm nằm, năm ở dễ quên sao? / (…) / Ðồng đất nào chẳng quê hương làng xóm / Ði đến đâu cũng như trở về nhà / (…) / Ðêm đã khuya, tiếng xay lúa ngõ ngoài / Tiếng nhẫn nại bao đời thương cảm quá / Bát cơm xới trên tay giữa ngày mùa vất vả / Tiếng bom rền trống thúc dọc đê sông / Bao nhiêu cuộc tiễn đưa, bao bà mẹ chờ mong / Bao nỗi nhớ nén vào im lặng / Cắn răng lại để làm nên chiến thắng / Giặc tan rồi bỗng nghe mặn trên môi / Bia nghĩa trang thấp thoáng cỏ ven đồi / (…)”. Binh lửa đưa một người tỉnh về quê, nơi chôn nhau cắt rốn của truyền thống Việt Nam. Về đến, người ấy thấy “như trở về nhà”. Ở “nhà”, người ấy thấm thía cuộc sống lao động vất vả và chứng kiến cảnh bao nhiêu người mẹ tiễn con đi rồi “cắn răng” nén nhớ… Quê đang khó khăn vô cùng từ vật chất đến tinh thần, nhưng quê vẫn rộng rãi, san sẻ cho người về với quê “nhiều thương mến lắm”… “Đêm cuối”, bao nhiêu hình tiếng đặc thù cùng “trăm nỗi nhớ đầy lên” trong óc trong lòng một người sắp sửa “từ biệt vùng quê sơ tán”. Người ấy làm một bài thơ để nhắc con mình: “Trang sách mở ngày mai khi học về đất nước / Năm tháng này cha muốn nhắc con nghe”.(3) Thơ này nên để nghe chung!

Chế Lan Viên có lẽ là thi sĩ sáng tác về sơ tán nhiều nhất. Ông có đôi bài kể lại một sự săn sóc đặc biệt: “Nhớ làm sao tình dân / Nhớ làm sao Miền Bắc / Đống lửa sồi khói um / Của những ngày đánh giặc! / Chính những ngày sơ tán / Đột ngột gió đông về / Buồng ở không liếp chắn / Phải lấy báo ra che / Các cháu con chủ nhà / Chiếu chăn chưa đủ ấm / Phải năm xã mất mùa / Chiều qua ăn cháo tấm / Áo trẻ mỏng mòng mong / Vẫn đi tìm nhặt củi / “Chú cứ tha hồ sưởi / Củi ở đây như rừng” / Củi ẩm, khói mù mịt / Con trẻ dậy thổi hoài: / “Để cháu nhen lại bếp / Mai chú còn viết bài” / Tôi đã viết những gì? / Mười năm, không nhớ nữa / Chỉ nhớ mùa đông đó / Nước mắt khói cay xè” (“Củi sồi”), “Hồn thơ con chính mẹ đem cho / Mẹ dân dã câu Kiều chẳng biết / Khi rón rén đến gần trang viết / Mẹ thêm dầu sợ bấc đèn lu” (“Mẹ dân dã”). “Cháu” chắc chẳng bao giờ đọc bài “chú” viết. “Mẹ” thì nhất định là không rồi. Tuy không biết cụ thể “chú” viết những gì, nhưng hiển nhiên cả “cháu” lẫn “mẹ” đều tin rằng quý lắm. Được dân tin như vậy, thảo nào “chú” đã viết ơi là viết!

*

Trong cuộc kháng chiến ba mươi năm có lúc tạm im tiếng súng. Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và con em Miền Nam bắt đầu tập kết ra Bắc. Khác với đồng bào tản cư thời đánh Pháp hay sơ tán sau này, những người tập kết không ở chung nhà với đồng bào ngoài Bắc, mà được bố trí chỗ ở riêng. Ngụ cư chứ không phải “nhập cư”, nhưng vào lúc bình thường, vẫn không phải là chuyện đơn giản. May Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tận những năm xưa đã ý thức sâu sắc nhu cầu đoàn kết dân tộc và vào dịp này đã trực tiếp ra lời căn dặn những người có trách nhiệm tiếp đón đồng bào Miền Nam: “Các chú cần nói cho đồng bào Miền Bắc hiểu đây là anh em ruột thịt của mình, bây giờ phải xa nhà, xa quê, cần hết lòng cưu mang giúp đỡ, từ ăn ở đến học tập…”. Dặn xong rồi ít lâu sau Hồ Chủ tịch còn một số lần đến thăm các nơi người tập kết ở, nhờ đó “Công việc (…) được Đảng và Chính phủ ta chăm lo rất chu đáo”.(4)

Sự chu đáo bắt đầu ngay từ lúc “thuyền cập bến”. Sáu mươi năm sau ngày là một thiếu nhi từ Tiền Giang “đổ bộ” lên bến Sầm Sơn, Nguyễn Tấn Phát còn nhớ rõ mồn một buổi sơ ngộ đầy ấn tượng: “Trên bờ, gần nơi thuyền cập bến đã có rất nhiều thiếu nhi mặc áo trắng quần xanh, vai quàng khăn đỏ, cùng hàng ngàn người dân (…) Thiếu nhi khua trống ếch nhịp nhàng. Người lớn tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng hô vang lời chào đón, giương cao tấm băng-rôn có câu khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng cán bộ, chiến sĩ, con em đồng bào Miền Nam tập kết ra Bắc”. Trời se lạnh. Chúng tôi lại mệt và đói lả. Nhưng tiếng trống ếch, tiếng hô khẩu hiệu (…) đã tạo cho chúng tôi có khí thế hùng dũng bước đi. Rồi chúng tôi được đưa thẳng vào lán trại, nằm nghỉ một chút trên những tấm đệm kết bằng rơm rạ ngoài đồng. Có mấy người phụ nữ đầu chít khăn mỏ quạ gánh mấy thùng cháo bốc hơi nghi ngút. Mỗi người chúng tôi được mời một chén cháo cùng một cục đường thẻ màu vàng sậm hình trái bàng. Đang đói và lạnh, húp chén cháo đậu xanh nấu nhừ nóng hổi, cắn miếng đường thẻ, tôi thấy lòng ấm lại như có ngọn lửa tỏa nhiệt khắp người”.(5) “Ngọn lửa” tình đồng bào làm ấm lòng một cậu bé vừa tới một nơi rất xa và khác hẳn quê mình, lại không một người thân bên cạnh, cái “nhiệt” nó tỏa tới tận bây giờ vẫn còn cảm thấy được!

Những người được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ “nói cho” đã bền bỉ làm tốt công việc của mình, khiến đồng bào tập kết lúc nào cũng cảm thấy được “hết lòng cưu mang giúp đỡ”. Nguyễn Chí Hiếu, năm 1955 mới là một thiếu niên, cũng hơn sáu thập kỷ sau có lần bày tỏ lòng trân trọng những năm tháng đầu đời: “Mỗi lần nhìn những tấm ảnh này tôi lại nhớ bao miền quê tôi đã sống qua trên đất Bắc... Ngày ấy nghèo lắm, khổ lắm. Ngày ấy vật chất thiếu thốn trăm bề. Nhưng ngày ấy bà con Miền Bắc luôn dành cho những đứa con Miền Nam chúng tôi sự đùm bọc yêu thương... Tôi mơ được trở lại những miền quê tôi đã sống qua trên đất Bắc, để ngắm lại cảnh cũ, để được gặp lại người xưa... Tôi mơ...”.(6) Không phải cứ hễ “cũ, xưa” là được “mơ” đâu. Ký ức nó phải đẹp đẽ khác thường thì người ta mới… Câu chuyện đồng bào đùm bọc đồng bào trong những năm tháng “nghèo lắm, khổ lắm” chắc chắn đã có kích thước ngoại khổ, cũng như không biết bao nhiêu câu chuyện khác trong cái thời “không thể nào quên” ấy của lịch sử dân tộc.

Tất nhiên đa số đồng bào Miền Nam tập kết là người lớn. Họ và những thiếu niên thiếu nhi chẳng bao lâu cũng trở thành người lớn đã được đối xử như thế nào trong công tác và trong đời sống? Mai Quốc Liên tổng kết kinh nghiệm của “chúng tôi” suốt từ tuổi thơ đến khi đứng trong hàng ngũ chiến sĩ, cán bộ, chuyên gia đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến và xây dựng đất nước: “Cuộc tập kết ra Bắc 1954-1955 (…) chúng tôi đã lớn lên (trong) tình mến thương (…) Người Miền Bắc (…) không kỳ thị, không ganh ghét (…) không một chút tỵ hiềm (…) Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi v.v. lại còn dành ưu ái cho anh chị em Miền Nam xa quê, xa nhà”.(7) A, cái óc địa phương đáng ghét (mà ở mọi địa phương đều tự nhiên có), nó đã bị “Đảng và Chính phủ ta” bài trừ thật hiệu quả, y như bài trừ bao nhiêu tiêu cực khác. Về chuyện “dành ưu ái cho”, chợt nhớ một ví dụ nho nhỏ. Có người kể năm xưa nào, ngày mồng một Tết, nhà văn Nguyễn Tuân đã đến thăm họa sĩ Nguyễn Sáng vì “Tết nhất mà nó có một mình, buồn chết được!”.(8)

*

Đất nước thống nhất, ai xa nhà xa quê thì trở về nhà trở về quê. Tức cũng là rời cái nơi đã ở trong lúc xa quê. Bao nhiêu năm bên nhau tình tình nghĩa nghĩa, biệt ly này làm sao khỏi sinh thơ!

Đây mấy vần của một người ngoài ấy khi sắp chia tay với bạn là đồng bào ngụ cư: “(…) sáng mai anh chị sẽ ra bến tàu (…) về Rạch Giá / tôi bần thần hết một đêm nay / (…) / cái khoảng trống xóm giềng ngày mai ngơ ngác / hai mươi năm chăm chút đã vun đầy / hai mươi năm cuộc sống tự giao hòa như ruột thịt / lẽ nào rạng sáng sẽ chia tay / (…) / tôi bần thần mà đâu dám níu tay / (…) / tôi vẫn mong con gà trống vườn tôi chậm vài tiếng gáy / tôi vẫn mong sao vịt Thần Nông đừng vội chúi đầu / tôi vẫn mong đừng bao giờ dứt tiếng ngáy / hai mươi năm rồi / vách liếp bên này bên ấy cứ chia nhau / (…)” (Phạm Ngọc Cảnh, “Tiễn bạn”, Hà Nội 1976).

Và đây mấy vần của một người từng ngụ cư về nơi mình đã ngụ: “A / Nhớ cành đào nhớ lắm / Xa Bắc đã lâu ngày / Huống nữa mình sáu chục / Cành mai ấy sao khuây. / B / Yêu cành mai yêu lắm / Đứt ruột nhớ hoa đào / Huống nữa mình sáu chục / Xa Bắc đã từ lâu” (Chế Lan Viên, “Đào và mai”, TPHCM 1980). Chắc bởi nhà thơ “nhớ lắm” mà thấy lâu, chứ thực ra “xa” chỉ mới có năm năm thôi…

*

Về tình đồng bào trong kháng chiến, như vừa trình bày thực ra chỉ là một nửa của nó thôi. Con người ta một khi đã có tình với nhau, hễ “nhau” bị khổ thì vừa thương “nhau” vừa thù kẻ làm “nhau” khổ. Thương khiến “đùm”, còn thù khiến đánh! Dân tộc Việt Nam đánh giặc thế nào, cả thế giới đều đã biết. Ta đùm bọc nhau ra sao, chắc người ngoài ít ai muốn biết, nhưng tưởng ta cũng nên ghi lại rõ ràng cho con cháu ta biết.



Thu Tứ
Tháng 7-2019


















__________
(1) Trong
Nguyễn Tuân – Người đi tìm cái đẹp (nhiều tác giả), nxb. Văn Học, 1997.
(2) Truyện ngắn “Mùa gặt đến”.
(3) Bài thơ “Từ biệt vùng quê sơ tán”.
(4) Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.
(5) Nguyễn Tấn Phát,
Ngôi sao hộ mệnh, nxb. Giáo Dục Việt Nam, 2015.
(6) Nguyễn Chí Hiếu, trang
facebook.com ngày 11-11-2017.
(7) Mai Quốc Liên,
Thời sự và suy ngẫm, nxb. Văn Học, 2011.
(8) Vũ Thư Hiên kể trong
Nguyễn Tuân – Người đi tìm cái đẹp.