Cái mùi của tình yêu giữa Loan và Dũng cho đến hôm ấy vẫn còn thơm nhẹ như mùi hoa khế.

Hoa khế đầy cành mà chỉ thơm thoảng, mùi hoa mãn khai mà như mùi... nụ.

Còn tình yêu kia thì đang nụ thực, đang chờ ngày nở.

Hương của tình chưa nở là thứ hương bền, mơ hồ nhưng sẽ bay mãi trong lòng...
(Thu Tứ)



Nhất Linh, “Vin cành khế”




- Trời muốn trở rét...

Nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy. Sự rung động êm ái và hiu hắt buồn trước cơn gió lạnh đầu tiên khiến vẻ mặt Trúc trở nên dịu dàng và thoáng trong một giây chàng sống lại hết cả những ngày mới trở rét trong đời.

Ở ngoài, như ý mong ước của Trúc, trời bỗng nắng to; bóng mái nhà sẫm lại thành một mảng đen trên nền sân trắng hẳn lên và ánh nắng làm lấp lánh sáng những mảnh sứ, mảnh chai nhỏ trong các luống đất mới xới.

Tuy đã cuối tháng chín nhưng đối với Trúc cứ lúc nào trời đổi gió heo may mới thực là lúc bắt đầu mùa thu.

Trúc đặt chén nước, châm một điếu thuốc lá hút rồi bước vội ra sân.

Thấy Loan ở trong nhà đi ra, Trúc nói:

- Trời đẹp quá cô Loan nhỉ!

Loan đặt rổ bát lên phơi trên nắp chum rồi quay lại vừa vẩy mạnh hai bàn tay cho ráo nước vừa xuýt xoa nói:

- Sáng ngày sang đây, em sợ trời nóng chỉ mặc cái áo trắng phong phanh. Nguy hiểm quá.

Cụ chánh Mạc ngừng tay giã cối trầu, nhìn ra nói:

- Cô đứng vào trong này không lạnh. Khổ quá em Hà đi vắng để cô phải rửa bát, đun nước. Học trò không quen tay.

Loan mỉm cười vui vẻ và nói cao giọng cho cụ chánh nghe rõ:

- Ðứng ngoài này nắng ấm hơn. Cháu không rửa thì bác lại phải rửa. Ðằng nào cũng thế.

Từ sáng, Loan làm những việc lặt vặt ấy giúp cụ chánh một cách vui vẻ. Nàng tự nhiên thấy sung sướng vẩn vơ. Ðời lúc đó đối với nàng đẹp quá, nên chưa chi nàng đã thấy cái lo sợ ngày chóng hết. Sáng ngày đi với Quỳnh sang bên Ý Dương thăm cụ chánh Mạc và Cận, nàng không ngờ đâu một lúc sau Dũng cũng đến chơi đi với mấy người bạn nữa. Ở nhà được gặp Dũng luôn, nhưng nàng vui, vì cuộc gặp gỡ này đối với nàng hình như có ngầm một ý nghĩa. Loan ngẫm nghĩ:

- Sáng ngày hình như Dũng có biết mình sang đây chơi.

Cụ chánh nhìn Loan rút khăn lau các chén uống nước, dáng dấp nhanh nhẹn, vui vẻ. Cụ nói:

- Trông cô Loan, tôi lại nhớ đến cái Phương.

Phương là con cụ chánh và là bạn của Loan, mới chết được hơn ba tháng. Cụ chánh chỉ có mỗi một người con trai là Cận và hai con gái, Phương và Hà. Nhờ có Phương buôn bán giỏi nên nhà cũng đủ tiêu dùng và Cận có thể học thêm được. Từ ngày Phương bị bắt vì tình nghi là có dự vào mấy cuộc phiến động thì Cận phải về làng dạy học tư để lấy tiền nuôi mẹ và nuôi em. Phương được tha, về nhà ít lâu, nàng mắc bệnh lao rồi chết. Loan còn trẻ nên chỉ biết thương một người bạn gái mà Loan coi như một người chị, nàng không biết được rõ hơn về cái chết của Phương.

Câu nói của cụ chánh gợi trong óc Loan những ý nghĩ buồn nên nàng muốn xua đuổi ngay. Nàng quay mặt về phía Trúc nói đùa, vì nàng biết tính Trúc hay nói pha trò nhất trong bọn:

- Không rửa bát, đun nước, đợi các ông tướng kia thì còn lâu đời lắm. Các ngài chỉ ăn là giỏi.

Trúc đáp:

- Cái đó thì hẳn... Vả lại, đối với tôi, đàn bà không rửa bát thì cũng không biết làm gì khác.

Loan mỉm cười:

- Ðấy, anh Trúc lại sắp giở cái chứng khinh phụ nữ của anh ra đấy. Ðàn bà chúng tôi cũng có người hơn đàn ông... những người đàn ông như anh Trúc.

- Cô Loan sao mà chua ngoa thế...

Lúc đó, Loan đứng dựa vào gốc cau, ngừng tay lau chén, tinh nghịch nhìn Trúc. Nội các bạn Loan thân nhất với Trúc vì lẽ nàng thấy Dũng và Trúc yêu nhau như anh em ruột. Mà cũng vì lý lẽ ấy nên Loan đối với Trúc rất tự nhiên.

Bỗng Trúc yên lặng nhìn Loan: chàng thấy Loan đẹp nên đăm đăm mãi. Rồi giật mình và lo sợ vẩn vơ, Trúc như mình nói với mình, lẩm bẩm:

- Ðàn bà là xoàng, người nào cũng xoàng.

Chàng quay vào phía Dũng hỏi to:

- Có phải không anh Dũng?
Dũng đương mải nói chuyện với Xuân và Thái ở trong nhà, nghe Trúc hỏi, giật mình không hiểu chuyện gì, nhưng cứ đáp liều:

- Chính thế.

Loan nói to:

- Các ngài bàn bạc cái gì đấy. Chắc hết việc cơm lại đến việc nước hẳn.

Cụ chánh Mạc ngửng đầu lên nhìn ngơ ngác. Từ ngày Phương bị bắt, hễ thấy các bạn Cận ở tỉnh về chơi với Cận là cụ sinh ra lo sợ. Cụ đã già lại có mỗi một người con trai nên cụ không muốn con cụ có nhiều bạn. Nhất là hôm nay lại có Thái, một người mà cụ chánh chưa thấy đến chơi nhà lần nào. Song Thái cùng đến với Dũng nên cụ cũng hơi yên tâm; đối với cụ, Dũng là con một ông tuần nên bạn của Dũng cụ có thể tin được.

Dũng đã thoáng thấy vẻ nghi ngại trên nét mặt của cụ chánh, nên vội đùa với Loan:

- Có mỗi việc quay cái máy hát cho anh em nghe mà các anh ấy bàn mãi chưa biết cử ai.

Loan vui mừng:

- Phải đấy. Cử tôi cho.

Cận nói:

- Nhưng chỉ có một cái đĩa.

Loan nói:
- Chắc lại vẫn cái đĩa Nam Bằng ngày xửa ngày xưa chứ gì?

Nàng vừa quay máy vừa hát khe khẽ:

- Nước non ngàn dặm ra đi...

Một lúc tiếng hát nổi lên; trừ Dũng ra, còn người nào cũng chú ý lắng tai nghe. Dũng đã được nghe nhiều đĩa hay nên rất khó chịu về tiếng hát rè rè ở cái đĩa đã mòn, vì dùng không biết đến bao nhiêu lần. Nhưng vì mọi người ra ý thích, nên Dũng không dám tỏ vẻ khó chịu. Chàng cảm động thấy những bạn nghèo của chàng đương bàn về một việc rất quan trọng mà bỗng chốc đã quên hết, đắm đuối ngồi nghe một cái đĩa hát chỉ đáng vứt đi. Nhà chàng giàu nên chàng vẫn hết sức giữ gìn đối với anh em bạn, vì chàng nơm nớp sợ sự giàu sang là cái hàng rào ngăn không cho các bạn dễ dàng yêu mình. Chàng ngẫm nghĩ:

- Sự giàu sang đối với mình bấy lâu sao lại như một sự nhục...

Chàng không tìm được câu trả lời. Chàng chỉ biết rằng sự giàu cần cho chàng và cho các bạn. Nhờ có cái máy chụp ảnh đắt tiền của chàng, nên Tạo đã có cách sinh nhai trong khi đi đây đó. Chàng đã bao nhiêu lần giúp tiền nữa. Nhưng Dũng vẫn không khỏi tự bảo:

- Như thế vẫn chưa là đủ được.

Loan nói:

- Em thích cái đĩa hát này lạ.

Có lẽ vì nghe hát, nàng nhớ lại mấy năm trước khi sang chơi cụ chánh được Phương vặn cho nghe luôn.

Xuân vì muốn nói lại câu chuyện bỏ dở lúc nãy mà tránh được sự nghi ngờ của cụ chánh và Loan, nên bàn:

- Hay là ta ra ao câu cá, nhân tiện xem ngoài vườn có quả gì ăn tráng miệng.

Ra ngoài Xuân bảo Thái:

- Thôi đừng làm anh Cận đau khổ vô ích. Năm ngoái thì anh ấy đi được, nhưng bây giờ...

Xuân không nói hết câu. Nhưng Thái đã hiểu; chàng nghĩ ngay đến tình cảnh nghèo của Cận và bà mẹ già đầu tóc bạc phơ. Thái nghĩ đến mẹ chàng đã hai năm nay chưa gặp, giờ này có lẽ đương mong ngóng đợi con về. Chàng nói:

- Tôi cũng vẫn biết thế... Nhưng tôi đã hẹn rủ anh ấy đi thì tôi phải cho anh ấy biết. Vả lại không còn dịp nào tốt hơn, chắc chắn hơn, không nói để lỡ, sợ anh ấy trách. Ngày mai đã đi rồi.

- Cái đó tùy anh. Nhưng đã đủ tiền chưa?

- Cũng không cần bao nhiêu vì có người về đưa đi.

Thái và Xuân ra bờ ao ngồi câu. Thấy Cận đương đứng nói chuyện với Loan và Dũng, Thái gọi Cận lại để ngỏ cho biết:

- Anh Cận lại đây. Chỗ này xem chừng nhiều cá, phao nhấp nháy luôn.

Chỉ còn Dũng và Loan đứng lại dưới gốc khế. Hai người thấy ngượng. Những câu chuyện thông thường nói trước mặt mọi người một cách rất dễ dàng, tự nhiên, thì lúc này hình như bạo dạn quá, không ai dám nói. Có tiếng máy hát trong nhà, Dũng được dịp làm tan sự yên lặng khó chịu, vội bảo Loan:

- Chắc là anh Trúc vặn... Cái đĩa hát này nghe xa mới hay.

Chàng muốn nói như Loan lúc nãy:

- Tôi thích đĩa hát này lạ.

Nhưng chàng sợ Loan nhận thấy vẻ mặt khó chịu của chàng khi mới nghe đĩa hát và biết là chàng đã nói một câu không thực. Dũng ngâm theo đĩa hát:

- Thấy chim hồng nhạn... bay đi.

Loan không nói gì, vin một cành khế đầy hoa hồng và lấm tấm những quả khế xanh non, ngước mắt nhìn ra vẻ tìm xem đã có quả nào to ăn được chưa. Mùi hoa khế đưa thoảng qua, thơm nhẹ quá nên Dũng tưởng như không phải là hương thơm của một thứ hoa nữa. Ðó là một thứ hương lạ để đánh dấu một quãng thời khắc qua trong đời: Dũng thấy trước rằng độ mười năm sau, thứ hương đó sẽ gợi chàng nhớ đến bây giờ, nhớ đến phút chàng đương đứng với Loan ở đây. Cái phút không có gì lạ ấy, chàng thấy nó sẽ ghi mãi ở trong lòng chàng cũng như hương thơm hoa khế hết mùa này sang mùa khác thơm mãi trong vườn cũ.

Những lúc tình cờ Dũng được đứng một mình gần Loan, chàng lấy làm quý hóa, nhưng không hiểu sao sao chính chàng lại muốn tìm cách để những lúc đó khỏi kéo dài ra.

Thấy Thái giựt được cá, Dũng vội bỏ chạy lại. Con cá săn sắt nhỏ quá khiến Thái cau mày tiếc cái mồi tép. Xuân ngắm nghía con cá hồi lâu rồi lắc đầu nói:

- Cơ sự nhường này thì phải đem cá cố câu lấy lại cái mồi tép.

Trúc ở trong nhà thấy câu được cá, sung sướng kêu ầm lên:

- Trời rét thế này mà ăn cháo cá ám thì phải biết là ngon.

Cụ chánh thấy bọn trẻ cười nói vui vẻ bàn tán mãi về một con cá nên cũng vui lây và bớt lo sợ. Cụ nói to, nhưng nói để mình mình nghe như thói thường các cụ già tai nghễnh ngãng:

- Cái ao ấy thế mà nhiều khi cũng câu được cá to.

Trong lúc đó, Cận đứng dựa má vào cành cây vối, đăm đăm nhìn gió thổi cong những sợi dây ở mấy chiếc cần câu. Cả đời chàng xoay về ngả nào chỉ là ở mấy phút ngắm những dây cần câu đó.

Chàng không trả lời Thái, lúc tiễn anh em ra về, khi bắt tay Thái, chàng nắm mạnh lấy bàn tay bạn, nói:

- Thôi, anh đi một mình.

Thái nhìn thẳng vào mặt Cận, yên lặng ngẫm nghĩ. Chàng đã yên trí sẽ đi với Cận nên nghĩ đến cuộc đi xa không có bạn chàng thấy buồn chán lạ thường. Thái toan nói với Cận điều gì lại thôi, chàng kéo tay ra mỉm cười rồi giơ tay lên cao chào Cận theo lối chào riêng của mấy người với nhau:

- Anh ở lại.

Hai người bạn cùng phảng phất có cái ý tưởng rằng không còn gặp mặt nhau nữa.

Cận quay trở lại đi vội vào trong lũy tre làng cho khuất gió. Lẫn với tiếng lá tre rào rào, thỉnh thoảng lạc vào tai chàng còn từng mẩu tiếng nói và tiếng cười của các bạn mà chàng còn thấy bóng đen trắng thấp thoáng sau lũy tre.

Phía xa, con đê cạnh làng in thành một vệt thẳng trên nền trời, như bức tường.


(Ðây là nửa đầu của chương 1 trong truyện dài
Ðôi bạn. Nhan đề tạm đặt.)