“Cái năm đẻ ra ngày...”




Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Thế mà chúng tôi đọc lại, đọc thêm chỗ nọ chỗ kia, thấy vẫn muốn viết về cái năm lịch sử ấy.

Viết muộn có cái hay là có nhiều tư liệu để tham khảo hơn. Đặc biệt, sau đây chúng tôi sẽ dẫn một trao đổi nội bộ mà cố Tổng thống Mỹ Nixon viết đầu năm 1972 nhưng chỉ mới được phổ biến năm 2015 và một số lời mà Cố vấn An ninh Quốc gia của Nixon lúc đó là Kissinger đã nói với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tháng 6-1972 nhưng đến năm 2006 mới được công bố. Hai tư liệu này cho thấy rõ ràng là vào đầu năm 1972 lãnh đạo Mỹ đã trở nên hết sức hoang mang về diễn biến của cuộc chiến tranh và đến giữa năm 1972 thì coi như chỉ còn mơ ước “Việt Nam Cộng hòa” sẽ tồn tại đủ lâu sau khi quân Mỹ rút để nước Mỹ đỡ mất mặt.

Chúng tôi cũng sẽ dẫn một bài viết về chiến dịch Xuân Hè 1972 mới đăng năm 2017 trong đó tác giả người Mỹ kể không lực Mỹ đã cứu VNCH như thế nào.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ dẫn trang điện tử bách khoa tiếng Anh en.wikipedia.org. Tuy khi nhắc đến những cuộc mâu thuẫn, xung đột giữa Tây phương với bất cứ nơi nào khác trên thế giới, người Tây phương điển hình thiên vị phía mình, nhưng có những sự kiện dù không thích họ cũng không thể không chép hay chép khác. Trong Chiến tranh Việt Nam, phía Mỹ một số lần đã hành động tệ hại đến nỗi đông đảo nhân dân Mỹ phải lên án, đồng minh Mỹ đang tham chiến phải công khai chỉ trích, những sự kiện ấy đâu có thể xóa đi hay sửa lại được!

Sau đây là phác họa một đoạn sử Việt Nam vô cùng ác liệt và vinh quang, căn cứ chủ yếu vào lời của phía bên kia.

“Có cái gì đó hỏng…”

Ngày 3-1-1972, Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger gửi Tổng thống Nixon một bản báo cáo vắn tắt cập nhật tình hình chiến sự. Nixon đọc rồi viết mấy câu này ngay trên lề bản báo cáo ấy: “K. Chúng ta đã có mười năm làm chủ hoàn toàn không phận Lào và Việt Nam. Kết quả là con số không. Có cái gì đó hỏng với chiến lược (…)”.(NX) Mới ngày hôm trước, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Dan Rather của đài CBS, Nixon còn khẳng định giá trị của việc đánh bom: “Rất, rất hiệu quả”! Miệng và lòng khác nhau thế đấy! May cái tâm tư đích thực của tổng thống Mỹ đã được chính ông ta thủ bút cho hậu thế xem xét.

“Làm chủ hoàn toàn”: Cái giá phải trả cho việc ngày đêm lồng lộn trên bầu trời Việt Nam rất đắt. Đã có vô số máy bay Mỹ bị bắn rơi.

“Con số không”: Bom Mỹ đã giết được rất nhiều người Việt Nam và phá được không hề ít tài sản của đất nước Việt Nam đấy chứ. Nhưng dường như đối với Nixon điều ấy không có ý nghĩa gì cả. Ông ta chỉ chú ý đến việc Miền Bắc vẫn không chịu đổ sụp, thậm chí vẫn tiếp tục chi viện hiệu quả cho Miền Nam trên những con đường đã bị “giết” đi “giết” lại không biết bao nhiêu lần.

“Chiến lược”: đây tức là chiến lược đánh bom.

Trong óc người Tổng thống Mỹ này đang dấy lên một ý nghĩ cực kỳ tàn bạo!

Chiến dịch Xuân Hè 1972

Không tới ba tháng sau. Chiến dịch Xuân Hè 72 nổ ra như sét. Lực lượng vũ trang của đối phương từ phía bắc đánh xuống, từ phía tây đánh qua vô cùng dữ dội như để xác nhận “con số không” của Nixon!

Nhưng đây cũng chính là dịp để Nixon cho thử nghiệm chiến lược đánh bom mới của mình.

“Nếu không quân và hải quân Mỹ không can thiệp, Chiến tranh Việt Nam có lẽ đã chấm dứt trong mùa xuân năm 1972 (…) Bốn mươi lăm năm trước, vào ngày 30-3-1972, mười bốn sư đoàn quân Miền Bắc với hơn 300 xe tăng vượt vùng phi quân sự tiến vào Miền Nam (…) Những lực lượng khác từ căn cứ ở Campuchia đánh vào vùng tây nam, gần Sài Gòn một cách nguy hiểm (…) Không như Tết Mậu Thân, lần này quân đội Nam Việt Nam không có bộ binh Mỹ chiến đấu bên cạnh hay chiến đấu thay cho (…) Họ phải tự chiến đấu. Bất hạnh thay, họ không xứng tầm với công việc (…) Tuy như để tương phản với hình ảnh hèn nhát điển hình, cũng có một số đơn vị đã tỏ ra can đảm và giỏi (nêu An Lộc), nhưng nhìn chung QĐNVN đơn giản bị lút đầu (…) Nam Việt Nam lâm nguy. Đúng lúc đó, cứu rỗi đến từ trên cao (…) Lực lượng trên không của Mỹ gồm cả hơn 200 chiếc B-52 (…) Không lực đã được tận dụng để yểm trợ quân phòng thủ An Lộc (…) B-52 liên tục đánh phá những địa điểm tập kết và những điểm ở phía sau khác của địch. A-6, A-7, F-4 của Mỹ, A-37 và A-1 của không quân Nam Việt Nam đánh lực lượng địch tập trung ở ngoại ô thị xã, trong khi các “tàu súng” (AC-130) và trực thăng Cobra tấn công những mục tiêu thật gần (…) Cuối tháng Năm (…) quân Miền Bắc bỏ cuộc (ở An Lộc) (…) Cùng lúc, Miền Bắc bị đánh phá dữ dội qua chiến dịch Linebacker I (…) Đặc biệt quan trọng là việc thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng khiến quân viện từ Liên Xô bị giảm hẳn. Chiến dịch này cũng hé cho thấy hình thức chiến tranh công nghệ cao của tương lai. Bom thông minh điều khiển bằng tia la-de được dùng để phá hủy những chiếc cầu được phòng thủ rất mạnh mà trước đây đánh bằng bom thường đã không có kết quả (…) QĐNVN (…) đã chỉ tiếp tục tồn tại nhờ sự yểm trợ của không lực Mỹ (…)”.(MP)

Bàn về chiến sự năm 1972, sao lại quên Quảng Trị?! Tại thị xã Quảng Trị, trong 81 ngày đêm máy bay và tàu chiến Mỹ đã trút xuống hơn 120 nghìn tấn chất nổ, khoảng bảy lần bình quân hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Quảng Đảo và Trường Kỳ bên Nhật hồi Thế chiến thứ Hai!

Tuy một số đơn vị của quân đội VNCH đã chiến đấu không giống điển hình, nhưng chắc chắn nếu thiếu sự yểm trợ với cường độ vượt xa mọi kỷ lục trong lịch sử chiến tranh của không lực Mỹ, thì họ đã không giữ được An Lộc và chiếm lại được cổ thành Quảng Trị.

Âm mưu và phản bội

Chính ngay giữa lúc đang ra sức giáng bom pháo và gieo mìn xuống Việt Nam, Nixon đã phái Kissinger sang Trung Quốc bí mật trao một tâm sự hoàn toàn trái ngược với những lời lẽ tự tin công khai:

“Cuộc gặp gỡ với Chu Ân Lai xảy ra ở Bắc Kinh ngày 22-6-1972 (…) Kissinger bảo Chu rằng Mỹ tôn trọng kẻ thù Hà Nội của mình như một “yếu tố thường trực” (…) Và nhấn mạnh: “Chúng tôi không có ý định tiêu diệt hay ngay cả đánh bại thực thể này” (và) phàn nàn rằng trong đàm phán Hà Nội đã đưa ra một đòi hỏi không thể chấp nhận được là Mỹ xóa bỏ chính quyền Sài Gòn: “Điều này bất khả thi không phải vì chúng tôi đặc biệt ưa thích một kẻ nào trong chính quyền ấy. Mà bởi vì nguyên tắc trong đối ngoại khiến một quốc gia không thể trắng trợn phản bội” (ông ta quên Mỹ đang chuẩn bị trắng trợn phản bội Đài Loan!). Khi Chu ép nói rõ hơn, Kissinger thừa nhận thêm rằng Mỹ có thể không làm gì cả khi Hà Nội thống nhất đất nước bằng vũ lực nếu việc ấy xảy ra đủ lâu sau khi quân Mỹ rút (…) Kissinger tiên đoán có khả năng Mỹ sẽ thiết lập quan hệ thân hữu với cựu thù (…) “Họ đã làm gì chúng tôi mà sau chẳng hạn mười năm, đôi bên không thể có một quan hệ mới?””.(CW)

Tại sao Mỹ lại đi nói với Trung Quốc như thế? Là ý muốn yêu cầu Trung Quốc ngưng hay giảm viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đó. Trong khi Mỹ dốc túi cho Việt Nam Cộng hòa. Đằng giảm viện đằng tăng viện sẽ giúp kéo dài mạng sống của cái “nước” do Mỹ dựng lên, để khi nó mất sau khi quân Mỹ rút thì Mỹ có thể nói nó thua chứ không phải Mỹ thua.

Hẳn Trung Quốc đã bùi tai. Giúp Việt Nam đánh Mỹ là do không đội trời chung với Mỹ, bây giờ Mỹ đã hóa bạn thì tiếp tục giúp Việt Nam là vừa tốn kém vô ích vừa mất lòng bạn mới quý hóa. Hơn nữa, trong tình hình quan hệ lớn đã thay đổi căn bản và nghĩ đến tham vọng của mình ở Đông Nam Á, việc cái “thực thể mạnh nhất” ấy thống nhất được đất nước đâu phải là điều hay.

Tuy nhiên, sách lược Nixon rồi hỏng cả hai đầu! Về tăng viện cho VNCH, thì khủng hoảng nội bộ Mỹ sẽ khiến viện không tăng mà giảm. Về giảm viện cho VNDCCH, Trung Quốc cân nhắc, thấy cần “nắm vấn đề Việt Nam để tạo lợi thế trong quan hệ với Mỹ và tránh để Liên Xô nhảy vào lấp chỗ trống, tạo nên uy hiếp mới sau khi Mỹ rút quân”, nên không giảm bao nhiêu.(LVQ)

“Điện Biên Phủ trên không”

Tháng 10 năm 1972. Sự kiện lực lượng vũ trang đã giải phóng và giữ được một nửa các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và các khu vực ven phía tây của Vùng II và Vùng III Chiến thuật của VNCH tạo cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một cái thế to nơi bàn đàm phán ở Paris.

Ngày 18 tháng 10, VNDCCH và Mỹ đạt thỏa thuận về một số điều khoản rất bất lợi cho sự tồn tại của VNCH. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, sau khi bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, Nixon trở mặt, đòi thay đổi bản dự thảo hiệp định, sửa lại những điều khoản ấy. VNDCCH không chấp nhận.

Tại sao Nixon làm thế? Như nói trên, Mỹ muốn VNCH tồn tại càng lâu càng tốt. Trước bầu cử, ông ta nhượng bộ để có thể tuyên bố với dân là đã đạt được một thỏa ước theo đó quân Mỹ sẽ mau chóng rút hết về nước. Bây giờ đã tái đắc cử với tỉ số cao, là lúc thu lại nhượng bộ. Đối phương không chịu thì ta đánh. Đánh tàn bạo hơn bao giờ hết!

Ngày 18-12-1972, Chiến dịch Linebacker II bắt đầu. Thay vì mất thì giờ với những mâu thuẫn trong các con số về tổn thất do hai bên đưa ra, ta hãy đi thẳng tới những kết quả tổng kết của nó.

Trang en.wikipedia.org chép: “(Về quân sự) Gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng cơ sở của Bắc Việt Nam và giảm hẳn lượng quân viện nhập khẩu. Nhưng không phá được tình trạng bế tắc ở Miền Nam, cũng như không chặn được dòng chi viện xuôi Đường mòn Hồ Chí Minh (…) (Về ngoại giao) Ngay cả một số quốc gia Tây phương cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ. Trong một bài diễn văn nổi tiếng, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme so sánh chiến dịch này với các “tội ác” lịch sử như cuộc dội bom ở Guernica, những cuộc thảm sát ở Oradour-sur-glane, Babi Yar, Katyn, Lidice và Sharpeville, việc tận diệt người Do-thái và vài nhóm khác ở Treblinka. Ở Úc, Thủ tướng mới đắc cử Gough Whitlam chỉ trích những cuộc dội bom trong một lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ, khiến quan hệ Mỹ - Úc lạnh hẳn đi (…) (Về chính trị) Trong nước Mỹ, Nixon bị phê phán là một “người điên”. Tít lớn trên báo chí chứa những từ: “Diệt chủng”, “Dã man Thời đại Đá”, “Dã man và xuẩn””.(LB-2)

Còn một kết quả nữa quan trọng không hề kém mà trang này không nhắc đến nhưng mọi người đều biết. Đó là tâm lý của phía bị tiến công. Sau mười hai ngày đêm thủ đô Hà Nội chìm trong bão lửa, thay vì mất tinh thần, trở nên tê liệt, thì quân dân Việt Nam khắp nước lại được thù mới nâng tinh thần lên cao hơn nữa, càng quyết tâm kháng chiến chống Mỹ!

Chuyện xẩy ra đã đi ngay vào lịch sử và cũng đi ngay vào nhạc và thơ. Phan Nhân kể: “Hôm đó (…) Hà Nội rét ngọt và ngọt ngào hương hoa sữa (…) Thành phố vừa lên đèn (…) Còi hụ. Đèn vụt tắt (…) Có tiếng máy bay rền rĩ nặng nề (…) Những ánh chớp chói lòa (…) Rền rền những tiếng nổ liên hồi dậy đất (…) Tôi chụp vội chiếc mũ sắt (…) chạy lên sân thượng lầu bốn (…) Đạn pháo đan chéo khắp nền trời hồng (…) Mịt mùng lửa khói. Ùng oàng (…) Những mảnh B-52 cháy rực, lả tả rơi (…)”.(VTC) Suốt 12 ngày đêm, “tôi” cứ nghe bom là lại chạy lên…, để ngay cuối năm, bom vừa thôi nổ, thì nơi nơi bỗng vang lên: “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời / (…) / Hà Nội đó, niềm tin yêu hy vọng / (…) / Chân ta bước ung dung, lòng tự hào / Kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao / (…)”. Phan Thị Thanh Nhàn trong “Thành phố tôi yêu”: “(…) / Còi báo động suốt mười hai đêm thức / Cháy trong lòng bao cảm xúc lớn lao / Những mắt người mắt súng ngẩng cao / Thành phố đứng tựa lưng vào lịch sử / (…) / Hà Nội thành “tọa độ lửa” kiên trung / (…) / Mười hai ngày trong tiếng bom rung / (…)”.

Tàn bạo hoàn toàn vô ích

Trước tình hình hết sức bất lợi, Tổng thống Mỹ “hỏa tốc” quyết định phục hồi nhượng bộ.

Vẫn trang en.wikipedia.org: “(Ở bàn đàm phán sau cuộc đánh bom) phía Bắc Việt Nam từ chối thay đổi những điều được thỏa thuận hồi tháng 10 năm 1972. Khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Nam Việt Nam phản đối, Nixon dọa Mỹ sẽ lật đổ Thiệu như đã làm với Ngô Đình Diệm trước kia. Trong tháng 1 năm 1973, Mỹ ký thỏa ước tháng 10-1972 thành Hiệp định Paris. Tác dụng chính của nó là đưa Mỹ ra khỏi Việt Nam”. (Năm 1963 Mỹ lật Diệm để nhảy vào, năm 1973 Mỹ hăm lật Thiệu để nhảy ra, số phận của kẻ chỉ dựa vào thế lực ngoại bang mà làm “tổng thống” nó như vậy đó.)

Chép như thế là lại để thiếu to! Hiệp định Paris đưa quân Mỹ ra khỏi Việt Nam và để quân Miền Bắc ở lại Miền Nam.(CW)

Diễn biến trong khoảng thời gian không tới mười tháng kể từ ngày Chiến dịch Xuân Hè 1972 bắt đầu có thể tóm tắt: Thắng lợi của Chiến dịch khiến vào tháng 10-1972, tại hòa đàm Paris, Mỹ thỏa thuận với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một số điều khoản bất lợi cho phía Mỹ. Nhưng rồi Nixon trở mặt và đánh bom Miền Bắc thật dữ dội. Bom xong, đầu năm 1973 Mỹ mời VNDCCH trở lại bàn đàm phán, bằng lòng ký Hiệp định Paris giữ nguyên những thỏa thuận hồi tháng 10 năm trước.

Nixon chê chiến lược đánh bom cũ dẫn tới kết quả “con số không”, quyết định đánh bom lối mới, tàn bạo hơn, để cũng chỉ được có “con số không”!

Một lời tiên tri chính xác

Kết quả hoàn toàn bất như ý của Chiến dịch Linebacker II đã khiến một phụ tá của Kissinger lúc ấy là John Negroponte thốt lên lời nhận định tự mỉa mai nổi tiếng: “Ta đã bom họ để họ chấp nhận những nhượng bộ của ta (mà họ đã chấp nhận rồi)”!(LB-2)

Kỳ thú là gần năm năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán biết sự việc sẽ xảy ra như thế. Đầu năm 1968, khi đến thăm Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân, Bác nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”.(VNG)

Đọc kỹ trang en.wikipedia.org, ta có thể theo sát diễn biến tâm lý của người cầm đầu nước Mỹ. Trang này chép rằng một số trao đổi nội bộ khác cũng viết vào khoảng đầu năm 1972 cho thấy “Nixon đã bực tức về sự chống trả của Bắc Việt Nam và muốn trừng phạt họ, trong một nỗ lực một ăn hai thua”.(LB-2) Nghĩa là, Nixon đã vừa ngạc nhiên (về “con số không”) vừa tức giận kẻ ngoan cố, nuôi trong lòng cái ý muốn đánh đòn nặng nhất có thể, cho hả tức và cũng nhằm xem kẻ ấy có chịu thua không. Nếu nó vẫn không chịu, thì mình chịu vậy!

Trở lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để ý mấy chữ “rồi có thua”. Ấy là ý nhắc nhở lực lượng PK-KQ phải ráo riết chuẩn bị để đánh cho nó thua, chứ không được chờ đợi tiêu cực. Đó chính là điển hình lời Hồ Chủ tịch: vừa khẳng định công việc sẽ có kết quả vừa kêu gọi kiên trì nỗ lực. Có “trường kỳ kháng chiến” thì mới “nhất định thắng lợi”, chứ giặc ngoại xâm không phải là sung mà trường kỳ há miệng chờ nó rụng!

Cái năm “đẻ ra ngày”

1972 là năm của những chiến thắng tạo nên điều kiện đặc biệt thuận lợi cho VNDCCH thống nhất đất nước.

Sau Hiệp định Paris, Mỹ tiếp tục viện trợ tới tấp cho VNCH và ngụy quyền ra sức đánh phá bất kể Hiệp định. Nhưng vào cuối tháng 6 năm 1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 kiểm điểm, đánh giá tình hình, đã nhất trí là “Thế và lực của cách mạng Miền Nam lúc này mạnh hơn bất cứ lúc nào từ năm 1954 đến nay”.(VNG)

Cũng từ khoảng giữa năm 1973, bên Mỹ vụ Watergate bắt đầu trói tay Nixon, khiến viện trợ Mỹ cho VNCH bị cắt giảm.(HNN)

Bánh xe lịch sử từ đây lăn nhanh đến bàng hoàng cho địch thủ của VNDCCH. “Cái quãng sự thể” mà Nixon mưu tính đã không xảy ra: “Đã có một quãng thời gian từ lúc Mỹ rút quân đến lúc mất Nam Việt Nam, nhưng quãng ấy không đủ dài để cho nước Mỹ tránh được đánh giá của lịch sử là đã thua”.(CW)

Ngày Việt Nam trở lại thống nhất đến nhanh đến nỗi chẳng những kẻ cản trở bị bất ngờ, mà vì “Từ năm 1972, do điều kiện tình hình thế giới lúc đó, ta phải giữ bí mật với Trung Quốc và Liên Xô”, ngay cả “các bạn (cũng) không khỏi bất ngờ”.(TH) (Trong hai bạn, chỉ có một vui!)

Cuối cùng, chợt nhớ trong một bài thơ làm tháng 5-1972 của Chế Lan Viên có mấy câu:

“… Những năm tháng sao mà trọng đại
Ngổn ngang thay mà rất đỗi oai hùng
Trăm vạn khối mây trời cổ quái
Nhưng chính lúc đẻ ra ngày,
sinh hạ những hừng đông”
(“Thời sự hè 72, bình luận”).

Lúc ấy Quảng Trị còn chìm trong mịt mùng lửa khói bom pháo Mỹ. Trông màu đỏ của lửa mà thấy được màu hồng của cái buổi bình minh rút cuộc sẽ lên trên khắp quê hương, nhà thơ “bình luận” thời sự giỏi quá!



Thu Tứ
Viết tháng 3-2019
Sửa mới nhất 3-2023















_________
CW: Calvin Woodward, “Kissinger Papers: U.S. OK With Takeover”, trang
washingtonpost.com, ngày 26/5/2006. Tư liệu do Văn khố An ninh Quốc gia của Đại học George Washington sưu tầm và vừa công bố.
HNN: Nhiều người lầm tưởng là trong giai đoạn chót của cuộc chiến tranh, Mỹ đã ngưng viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Theo trang
historynewsnetwork.org, cho năm tài chính bắt đầu ngày 1-7-1974 và chấm dứt ngày 30-6-1975, Nixon yêu cầu một tỉ rưỡi đô, Quốc hội Mỹ giảm xuống còn 700 triệu đô.
LB-2: Mục “Operation Linebacker II”, trang
en.wikipedia.org.
LVQ: Lưu Văn Quyết, “Tác động của hòa hoãn Trung - Mỹ đến chính sách viện trợ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam trong và sau năm 1972”, tạp chí
Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 19, số X4-2016.
MP: Michael Peck, “How the US Air Force and Navy Saved South Vietnam in 1972”, trang
nationalinterest.org, ngày 22-12-2017.
NX: “The Zilch memo”, trang
en.wikipedia.org.
TH: Tố Hữu, hồi ký
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.
VNG: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006.
VTC: Trang
vtc.vn.