“… cần sử dụng tiết kiệm pháo và xe tăng, vì từ sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Liên Xô, Trung Quốc đều chấm dứt viện trợ các loại này cho ta”. Trong khi Mỹ tới tấp chuyển giao xe tăng M-48 và pháo 175 ly cho quân ngụy! Nhưng sau khi được thêm xe thêm pháo, địch rồi sẽ bị bớt đạn bớt dầu, nên hỏa lực rút cuộc vẫn giảm. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tình hình cập nhật”




Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18-12-1974 thông qua quyết tâm lần cuối cùng.

Đầu tháng 12, các anh Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng (Nam bộ), Võ Chí Công, Chu Huy Mân (Khu 5) đã có mặt ở Hà Nội. Tôi và Bộ Tổng Tham mưu đã gặp và làm việc với các anh, tranh thủ thêm ý kiến của chỉ huy chiến trường (…) Các anh cũng đã tiếp xúc, trao đổi ý kiến với một số đồng chí trong Bộ Chính trị, chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng sắp tới (…)

Tôi tranh thủ nói thêm với anh (Trần Văn Trà, tư lệnh B2) về chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương là cần giữ kín ý đồ chiến lược, chưa cho xe tăng và pháo lớn xuất hiện ở miền đông Nam bộ để tận dụng yếu tố bất ngờ (…) Hơn nữa, cần sử dụng tiết kiệm pháo và xe tăng, vì từ sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Liên Xô, Trung Quốc đều chấm dứt viện trợ các loại này cho ta. Đạn pháo 105mm và 130mm, bắn xong, ta phải đem vỏ về nạp lại để tiếp tục sử dụng. Đây cũng là vấn đề mà các chiến trường đều thấy rõ, đặc biệt là Quân khu 5. Tháng 8-1974, anh Trà đã báo cáo bằng điện về tình hình đạn súng lớn của B2. Dự kiến đến cuối năm, trong các đơn vị chủ lực và kho của Miền chỉ còn 4.800 viên đạn cối 120mm, 1.190 viên đạn cối 160mm, 6.500 viên đạn pháo 130mm, 300 viên đạn lựu pháo 105mm. Anh đề nghị Bộ Tổng tư lệnh đẩy mạnh vận chuyển đạn lớn vào đầu mùa khô cho B2 (…)

Từ tháng 7-1974, ta mở các cuộc tiến công vào phòng tuyến vành ngoài của địch suốt từ Trị - Thiên đến Nam bộ (…) Các lực lượng vũ trang của Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 (…) giành thắng lợi liên tiếp (…)

Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Đức, quân ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng Quảng Đà, tạo nên một bàn đạp tiến công quan trọng uy hiếp Đà Nẵng từ hướng tây nam (…) Ta giữ vững khu vực bàn đạp quan trọng này, đánh tan sư đoàn dù ngụy, “con chủ bài” của lực lượng tổng dự bị chiến lược của chúng.

Với chiến thắng La Sơn, Mỏ Tàu, ta đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 1 ngụy, sư đoàn mạnh nhất của địch ở Quân khu 1, mở rộng vùng giải phóng nam Thừa Thiên, tạo một bàn đạp tiến công thứ hai, uy hiếp mạnh mẽ giao thông, chiến lược của địch giữa Huế và Đà Nẵng.

Ở Tây Nguyên, quân ta đánh chiếm chi khu quân sự, quận lỵ Măng Đen và Măng Bút (Kon Tum), tiêu diệt quân chủ lực ngụy ở Chư Nghé, Đắc Pét.

Tại miền đông Nam bộ, ta giải phóng một vùng rộng lớn ở phía nam đường số 7, uy hiếp thị xã Bình Dương, căn cứ Đồng Dù và sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy ở Biên Hòa.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 9 đẩy mạnh tiến công địch nhằm tạo thế cho cuộc tiến công lớn trên toàn miền vào đầu năm 1975, diệt và bức rút hàng trăm đồn địch, giải phóng 4.000 ấp với 80 vạn dân. Quân khu 8, sau một thời gian khó khăn, đã vươn lên đánh địch, giành lại Vùng 4 Kiến Tường, mở rộng vùng giải phóng Đồng Tháp Mười, diệt nhiều đồn địch, giải phóng hơn 200 ấp.

Chấp hành Nghị quyết Hội nghị Quân uỷ Trung ương ngày 18-12-1972, hậu cần chiến lược cùng với hậu cần các chiến trường triển khai mạnh công việc chuẩn bị theo kế hoạch ba năm (1973-1975) bảo đảm cho các tình huống chiến tranh. Vùng giải phóng được xây dựng và củng cố, bước đầu thực hiện hậu cần tại chỗ. Các tuyến giao thông vận tải chiến lược được xây dựng, phát triển và hoàn thiện. Các căn cứ hậu cẩn chiến lược, chiến dịch được điều chinh bố trí. Ta đã tiêu diệt, bức rút các vị trí địch khống chế hành lang Đông Trường Sơn, mở thông tuyến vận tải chiến lược qua chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên vào tới Lộc Ninh (…) Hệ thống đường ống dẫn dầu được lắp đặt hoàn chỉnh từ miền Bắc vào tới miền đông Nam bộ (…) Bộ Tổng Tham mưu báo cáo với Quân ủy Trung ương một nhận định chiến lược: “(…) Chiến tranh đã bước vào giai đoạn cuối, so sánh lực lượng đã thay đổi, ta mạnh lên, địch yếu đi. Do đó ta có thể và cần phải chuyển từ đánh nhằm tiêu diệt sinh lực địch là chính sang đánh chẳng những tiêu diệt sinh lực địch mà còn nhằm giải phóng nhân dân và giữ đất (…)”.

Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch khôi phục và phát trỉển kinh tế hai năm 1974-1975, nhân dân ta thu được kết quả đáng kể (…) Đời sống nhân dân ổn định. Hậu phương lớn chi viện 264.000 quân và một khối lượng lớn vật tư chiến tranh gần 50 vạn tấn (…) Bộ đội chủ lực khẩn trương huấn luyện chiến đấu, luôn ở tư thế sẵn sàng xuất quân (…)

Sáng ngày 10-12, tôi cho gọi Cục Quân báo đến Sở chỉ huy báo cáo thêm tình hình mới nhất ở Tây Nguyên, có anh Lê Ngọc Hiền, Tổng Tham mưu phó cùng dự. Bắt đầu làm việc, tôi dặn anh Phan Bình, Cục trưởng Cục Quân báo: - Các anh báo cáo ngắn gọn, vì Quân ủy không có nhiều thời gian để nghe dài. Thời gian bây giờ là lực lượng đấy (…)

Theo nguồn tin mới nhất:

Ở bắc Tây Nguyên, địch điều trung đoàn 47 ở đồng bằng Khu 5 và Liên đoàn 4 biệt động quân ở Sài Gòn tăng cường cho Pleiku, lập bộ chỉ huy chiến trường Kon Tum trực tiếp chỉ huy bốn liên đoàn biệt động quân số 6, 21, 22, 23, lập bộ chỉ huy Pleiku - Quảng Đức trực tiếp chỉ huy ba trung đoàn của Sư 23 và ba liên đoàn biệt động quân số 4, 24, 25. Sư đoàn 23 có nhiệm vụ giữ Pleiku là chủ yếu.

Ở nam Tây Nguyên, địch chỉ để Trung đoàn 53 thuộc Sư 23 đóng ở Buôn Ma Thuột và Liên đoàn 24 biệt động quân ở Quảng Đức, do sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 23 chỉ huy.

Thiệu tập trung toàn bộ Sư Dù ở Đà Nẵng và đang cho gấp rút thành lập ba lữ đoàn tổng trừ bị ở Sài Gòn (…)

Vừa nghe báo cáo, tôi vừa xem kỹ bản đồ bố trí binh lực của địch, hỏi thêm một vài điều, rồi kết luận: - Thế là rõ. Địch bố trí binh lực rất phân tán, dàn mỏng. Lực lượng cơ động chiến lược đang gặp khó khăn vì các sư đoàn tổng trừ bị đều phải gắn vào các chiến trường, mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung rất căng thẳng (…) Ở Tây Nguyên địch tập trung ở phía bắc, phía nam rất yếu và sơ hở (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1220-1224)