Tình cờ thật đẹp. Ðúng vào lúc ngành khảo cổ nước ta chào đời, kho mũi tên đồng ở Cổ Loa tự phơi nó ra ánh sáng! Ðược kích thích mạnh như thế, thảo nào việc tìm kiếm dấu vết và nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn sau đó tiến hành rụp rụp. (TT)



“Tìm hiểu Ðông Sơn” (3)

Hoàng Xuân Chinh




Các nhà nghiên cứu nước ta (...) bước đầu hệ thống lại tư liệu cũng như các quan điểm học thuật về văn hóa Ðông Sơn (...) các công trình Văn hóa Ðông Sơn hay văn hóa Lạc Việt, Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt của Ðào Duy Anh (...)

Thời kỳ này, các nhà nghiên cứu nước ngoài tìm hiểu lịch sử Việt Nam cũng rất quan tâm đến văn hóa Ðông Sơn, song quan điểm học thuật của họ chủ yếu là xây dựng trên những tư liệu và quan điểm cũ. Ðó là các công trình Việt Nam - lịch sử và văn hóa của Lê Thành Khôi (1955), Lịch sử Ðông Nam Á của Hall (1955), Hiểu biết về Việt Nam của Huard và Durand (1954).

Cuối những năm 50, với việc ra đời của Ðội Khảo cổ thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng và (việc) xây dựng Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trên cơ sở Viện Bảo tàng L. Finot của Pháp để lại, đồng thời (với việc) hình thành dần bộ môn khảo cổ trong Khoa Lịch sử (ở) Trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội, công cuộc tìm tòi, nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn mới được triển khai mạnh mẽ.

(...)

Nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy lịch sử đã đòi hỏi phải có thêm nhiều tư liệu mới về văn hóa Ðông Sơn (...) Ðồng thời lúc này cũng là thời kỳ khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, nhiều công trình xây dựng cơ quan, xí nghiệp, doanh trại, các công trình thủy nông, giao thông được mở ra khắp mọi miền làm xuất lộ nhiều di tích, di vật văn hóa Ðông Sơn. Ðây là những tư liệu phát hiện ngẫu nhiên, lẻ tẻ song vô cùng quan trọng (...)

Có thể nói, việc phát hiện kho mũi tên đồng với số lượng hàng vạn chiếc dưới chân tòa thành đất Cổ Loa đã mở đầu cho công việc tìm kiếm và nghiên cứu văn hóa Ðông Sơn của những người làm công tác khảo cổ và sử học nước ta.


(Hoàng Xuân Chinh, “Lịch sử phát hiện và nghiên cứu”, tức chương I trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)