Nói cho cùng thì tại sao? Tại sao người Việt có thể mặc Tây (như bây giờ) hay mặc Tàu (như trước kia đổi từ váy qua quần), mà nhất thiết không nên viết văn bằng tiếng Tàu hay tiếng Tây?

“Văn hóa là cái mà ta khác họ” (Trần Ngọc Ninh), nhưng những cái khác người, tức những cái làm nên mình, chúng dường như không phải cá mè một lứa đâu.

Tô Hoài bảo: “Người Việt Nam mặc Tây không ra mẽ gì”. Nhưng đã lỡ mặc rồi. Mà trông lại thì dù có ra mẽ gì hay không, ta cũng vẫn còn giống ta. Tức cái mặc coi vậy không làm hại đến gốc.

Giờ tưởng tượng người Việt mà ăn đồ Tây (luôn bữa), nói tiếng Tây (luôn miệng). Thế thì “Thôi con còn nói chi con”, thì “Kiếp (làm) người (Việt) đã đến thế này thì thôi”(1), chứ còn gì nữa.

Rõ ràng cái ăn, cái nói đều kịch liệt bài ngoại. Cái viết thì sao?

Mình nhìn cảnh, nhìn vật, nhìn đời, nhìn Trời theo cách riêng. Cái cách riêng ấy nó chính là mình. Nếu mình viết nó ra bằng tiếng Tàu tiếng Tây, khác gì mình đem mình ra nặn lại theo khuôn ông Tàu ông Tây rồi mới chịu đặt xuống giấy! Nỡ nào!

Mà nặn lại thì ra “mẽ” gì?

Ông Tây, ông Tàu, ông Việt đều do ông Trời nặn cả! Hễ do tay Trời thì “ông” nào cũng tuyệt khéo, mà hễ do người táy máy thì dù có mất đến hàng nghìn năm tác phẩm cũng vẫn cứ không sao ngoi lên được đến “mậc thủy bình”, như Phan Khôi nhận định về văn học chữ Hán của ta.

Viết bằng tiếng nước ngoài, đừng được thì đừng.

(Có khi không đừng được, chẳng hạn khi mình chưa có chữ! Chưa có chữ Việt thì mượn tiếng Tàu để chép sử Việt dĩ nhiên tốt hơn là không chép gì hết!)

(Thu Tứ)

(1)
Truyện Kiều, câu 889: “Thôi con còn nói chi con”, câu 1224: “Kiếp người đã đến thế này thì thôi!”.



Phan Khôi, “Viết bằng cái tiếng mình nói”




Nền văn học của một nước nếu không lập lên trên tiếng nói của nước ấy thì đừng có mong nó được vững bền và rực rỡ. Người nước Nam, nói thì nói tiếng nước mình, viết thì viết chữ nước khác, tay còn không theo được miệng thay, bảo sao lời cho đạt được ý? (tr. 324)

Cái văn học cổ ấy hiện nay đã tiêu diệt đi, nhường chỗ cho văn học quốc ngữ, đó thật là một điều may mắn cho dân tộc chúng ta. (tr. 325)

chữ Hán không đủ dịch hết tiếng nói An Nam, không đủ ghi hết sự vật trong xã hội An Nam, ý tưởng của người An Nam không ngẫm nghĩ và phô bày bằng nó, thì làm sao hai đằng thân thiết với nhau cho được? (tr. 325)

thứ chữ ngoại quốc nào cũng chỉ hành dụng bởi sự nhu cầu của thời đại mà thôi, còn muốn lập nên văn học thì ắt phải là văn tự bản quốc mới được. Vậy chúng ta nên đồng thinh kêu: Hỡi người Việt Nam, trở về với quốc văn! (tr. 341)


(Phan Khôi, “Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta”, tạp chí
Tao Ðàn, số 2, ngày 1-4-1939, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Ðà Nẵng, 1999. Nhan đề phần trích tạm đặt.)