“Tôi” nhớ ơn dân làng Rô cho ở cho ăn, chứ không hề ngờ họ đã biết rõ mình là một tên tù vượt ngục mà kẻ thù đã treo giải trên đầu. Họ nghèo lắm mà không màng nồi đồng, gạo, muối, cũng không sợ Tây trừng phạt. Đã thế, mình đi rồi, họ nhớ tưởng, quý mình đến nỗi muốn tặng một món quà quý. Trong bao nhiêu năm họ đã giữ khư khư cặp ngà voi, không bán, chạy trốn bom cũng cố mang theo, để đợi ngày mình về nhận! “Làng cho ông…”, trời ơi, tưởng giây phút đó, “ông” có khóc òa lên cũng đáng!

Vì sao xảy ra câu chuyện vô cùng cảm động này? Nhờ “ơn” giặc Pháp đó. Vì chúng ác với các dân tộc ít người nên họ mới quý những người chống chúng đến như vậy. Nếu chúng đã sáng suốt, biết tranh thủ họ, thì kháng chiến cùng đường!

“Nước non ngàn dặm”, chuyến vào đoàn xe bị máy bay bắn cháy, chuyến ra thuyền bị nước thác đánh chìm. Gặp cả Mỹ lẫn Hà Bá mà không sao cả, số của nhà thơ và nhà xây đường tốt ghê!

À, vậy là vào đầu năm 1973, bọn Pôn Pốt đã giở trò rồi.
(Thu Tứ)



Tố Hữu, “Nước non ngàn dặm”




Thế là chúng tôi lên đường vào tháng 3 năm 1973 (…)

Thật khó mà tưởng tượng “con đường mòn Hồ Chí Minh” chỉ trong 15 năm đã thành một hệ thống đường vận tải chiến lược vô cùng quan trọng (…)

Chuyến ấy, lúc vào, chúng tôi đi tuyến phía tây, qua Nam Lào và Cam-pu-chia. Mỹ vẫn ném bom ác liệt ngày đêm. Đoàn xe chúng tôi bị máy bay của chúng phát hiện, bắn cháy mất 5 trong 8 chiếc, may mà không ai bị gì. Dọc đường, đã nghe anh em báo cáo tình hình lính Pôn Pốt giết và cướp súng bộ đội ta (…)

Lúc ra, chúng tôi đi theo tuyến phía đông, phải vượt qua những khu rừng khộp đầy những bãi mìn và chất độc da cam. Chúng tôi lại qua đất Tây Nguyên, ở đó riêng tôi có biết bao kỷ niệm của tuổi hai mươi với những năm tháng tù đày (…)

Đến Đắc Tô, tôi và anh Thiện chứng kiến cảnh bộ đội và nhân dân bị đói nghiêm trọng (…) Chúng tôi lập tức báo cáo xin tạm ngừng chở vũ khí, ưu tiên chuyển ngay gạo và muối vào cấp cứu (…) Sau này, anh Đồng Sĩ Nguyên cho biết, được điện khẩn của chúng tôi, Đoàn 559 lập tức điều động 600 xe vận tải chở 3000 tấn gạo vào Tây Nguyên (…)

Từ Đắc Tô, chúng tôi ra Quảng Nam (…) Sực nhớ đến bến Giằng (và) làng Rô (…) Anh em đi tìm mãi trong rừng sâu mới mời được vài chục đồng bào Kà Tu ra mặt đường mới khai thông (…) Tôi nói: “(…) Tôi đã được Già làng cho ở và cả làng cho ăn, lại được con gái của Già làng đưa qua rừng về xuôi. Nay Già làng ở đâu?”. Ông cụ đáp: “Già làng là ông Đễ đó, chết lâu rồi, cả cô con gái là Đỡ cũng chết, sốt rét mà!”. Mấy bà già đưa cho tôi một xếp thuốc lá khô và mấy chùm bắp: “Làng đem về cho ông đó!”. Cụ già lại vẫy tay, gọi một chú đến, đưa cho tôi một cặp ngà voi. Tôi hỏi: “Sao lại có cặp ngà này?”. Cụ bảo: “Của Già làng đó. Khi ông còn sống, làng bắt được một con voi nhỏ, ông bảo cắt lấy hai cái ngà này, để dành đó, đợi khi nào các ông về thì cho. Trước khi chết, ông cứ dặn mãi dân làng, đừng quên việc ấy”. Tôi hỏi ngay: “Làng lúc ấy có biết chúng tôi là tù trốn không?”. Ông cụ đáp: “Biết chớ! Tên trưởng đồn Tây đã kêu Già làng lên đồn, cho xem ảnh hai ông, và bảo bắt được thì hắn thưởng cho nồi đồng, nhiều gạo và muối. Nhưng làng Rô thương các ông lắm. Các ông đánh Tây, sao lại bắt? Bây giờ ông đã về, thì làng cho ông hai cái ngà này. Bọn đi buôn lên đây, hỏi mua, làng không bán đâu! Mỹ nó ném bom lung tung, làng phải chạy trốn trong rừng. Nay gặp được ông về, mừng lắm!”.

Các đồng chí đi cùng tôi, ai nghe cũng ứa nước mắt. Sao đồng bào dân tộc mình tốt đến thế, 31 năm rồi mà vẫn nhớ, vẫn đợi chúng tôi về! Anh Thiện bảo anh em lấy mấy chục gói lương khô, mấy cân đường trắng và muối, mấy hộp cá, đem ra làm “tiệc” mời bà con cùng ăn cho vui. Ôi, cái đêm hôm rằm ấy ở bến Giằng, trăng sáng cả núi rừng và cả lòng người (…) Tôi hỏi mấy cụ già: “Bây giờ bà con mình “ưng” cái gì? Một cụ liền nói: “Ưng “bưng” cái nước sông My này lên, tưới cho bắp, cho lúa nương. Ưng cái đường có xe to lên. Ưng xây lại cái làng Rô gần bờ sông, có được không?”. Anh Thiện cười rất vui: “Trước tiên xin tặng ngay làng mấy bao gạo. Cái đường đã mở được rồi, xe sẽ lên đây luôn. Còn cái máy bơm nước thì bộ đội sẽ cho làng thôi!”. Cả làng ồ lên rất vui vẻ. Đêm liên hoan ấy ở Giằng sao mà đẹp, vui thế, cả đời tôi không bao giờ quên được. Tôi cảm ơn làng đã cho cặp ngà, các đồng chí hậu cần nhận về lau sạch, chuốt thêm cho trắng, làm một cái đầu voi bằng gỗ để cắm hai cái ngà vào, làm vật kỷ niệm quý báu mà làng Rô tặng cho tôi. Mấy năm sau ngày giải phóng Miền Nam, tôi có dịp về thăm lại làng Rô, thấy vẫn còn xơ xác lắm. Nên có đề nghị tỉnh Quảng Nam giúp đỡ cho việc xây dựng vài chục nóc nhà bằng gạch ngói và bày vẽ cho dân làng sản xuất, bảo đảm đời sống ấm no, thanh thiếu niên biết chữ, và tiêu diệt bệnh sốt rét… Không biết đồng bào làng Rô hôm nay đã đỡ cực khổ chưa? (…)

Đường ra tỉnh Thừa Thiên, quê hương tôi, chưa có lối nào qua núi, phải ngược dòng sông Bung, vượt nhiều thác dữ (…) Chúng tôi phải mấy phen “hú vía” vì lật thuyền. Một lần thuyền bị dòng nước mạnh đánh chìm, may là gần bờ, nên kéo được thuyền lên. Mọi người cởi hết quần áo phơi khô, ông “tướng” Thiện hiên ngang thế mà cũng phải ngồi dưới lật úp để tránh nắng rát. Tôi làm mấy câu thơ vui (…) “… Thất thế, anh hùng núp bóng ghe!”. Anh Thiện cười to: “Ôi, có ghe mà núp còn sướng chán!” (…)

Sau chuyến đi, anh Đinh Đức Thiện và tôi cùng báo cáo. Anh Thiện báo cáo về quân sự và về đường Trường Sơn, còn tôi báo cáo về chính trị, tư tưởng (…)

Nhờ hệ thống đường vận tải chiến lược, trong đó có cả đường ống dẫn dầu (…) chúng ta đã đưa được các binh đoàn chủ lực, xe tăng, pháo lớn cùng rất nhiều đạn dược vào Nam rất nhanh chóng. Làm được việc này, phải nói công lao của hai anh Đinh Đức Thiện, Đồng Sĩ Nguyên cùng cả Đoàn 559 là rất lớn.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)