Vào thời điểm này, kế hoạch là giải phóng Miền Nam trong năm 1976. Nhưng Bộ Tổng Tham mưu dự kiến “thời cơ chiến lược” có thể xuất hiện trong đợt tiến công dữ dội từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1975. Và nó đã. (TT)


Võ Nguyên Giáp, “Hội nghị BCT 9-1974” (1)




Ngày 30-9-1974, Hội nghị Bộ Chính trị khai mạc (…)

Hội nghị dành hẳn hai ngày để nghe báo cáo.

Anh Hoàng Văn Thái trình bày tình hình quân sự - chính trị ở Miền Nam chín tháng qua (…) Số cuộc hành quân lấn chiếm giảm dần. Các cuộc hành quân giải tỏa tăng lên. Địch đang ở thế đi xuống rõ rệt. Tuy vậy, quân địch còn đông (…) phi pháo tuy đã rất hạn chế nhưng vẫn còn hoạt động, bộ máy kìm kẹp còn khống chế được nhân dân trong vùng địch kiểm soát. Từ tháng 4 trở đi, tình hình chuyển biến nhanh hơn. Địch không còn đủ sức đối phó với các cuộc phản công và tiến công của ta. Vùng giải phóng được mở rộng. Đối với một số vùng ở Tây Nguyên, Khu 5 và miền đông Nam bộ, địch đã phải bỏ hẳn. Tinh thần quân ngụy rệu rã, số đào ngũ tăng gấp ba lần năm 1973. Địch không còn đủ sức đánh vào tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta (…) Phong trào chống đối Mỹ - Thiệu của các tầng lớp nhân dân ở đô thị lên mạnh (…)

Tiếp đó, anh Lê Trọng Tấn báo cáo đề án kế hoạch chiến lược hai năm và riêng năm 1975, với quyết tâm hoàn thành sự nghiệp giải phóng Miền Nam trong hai năm 1975-1976.

Kế hoạch chiến lược gồm hai bước:

Bước 1 (1975): Tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp nhằm:

1. Đánh bại về cơ bản kế hoạch “bình định” của địch, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân ngụy, giải phóng và làm chủ phần lớn nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven Sài Gòn, đồng bằng Khu 5 và Trị - Thiên.

2. Mở thông hành lang chiến lược từ nam Tây Nguyên xuống miền đông Nam bộ và ba tỉnh phía nam Khu 5, từ Tây Ninh xuống bắc Sài Gòn, từ Tây Ninh xuống Long An, xuống tây nam Sài Gòn, từ Kiến Phong, Kiến Tường đến Mỹ Tho. Mở các căn cứ bàn đạp, áp sát các đô thị và căn cứ trọng yếu của địch.

3. Phá hủy một bộ phận quan trọng phương tiện chiến tranh, tiềm lực kinh tế, cắt giao thông địch.

4. Thúc đẩy phong trào đô thị phát triển.

5. Xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, chuẩn bị chiến trường, tạo điều kiện cho bước hai.

Kế hoạch chiến lược năm 1975 chia làm ba đợt:

Đợt 1: Từ tháng 12-1974 đến tháng 2-1975, là đợt tiến công có mức độ. Hoạt động chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và miền đông Nam bộ.

Đợt 2: Là đợt chủ yếu. Từ tháng 3 đến tháng 6-1975, mở chiến dịch tiến công quy mô lớn trên chiến trường nam Tây Nguyên và các chiến dịch phối hợp ở miền đông Nam Bộ, bắc Khu 5 và Trị - Thiên. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục tiến công và nổi dậy, mở mảng, mở vùng, đánh phá “bình định”.

Đợt 3: Từ tháng 8 đến tháng 10-1975 là đợt phát triển thắng lợi bằng đẩy mạnh hoạt động ở Trị - Thiên và Khu 5 (…)

Bước 2 (1976): Thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Về hướng chiến lược và nhiệm vụ của từng chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu đề nghị:

- Trị - Thiên, Quảng Đà là chiến trường đánh phá “bình định”, tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng đại bộ phận nông thôn, chia cắt chiến lược.

- Tây Nguyên (trọng điểm là nam Tây Nguyên) là chiến trường chính nơi quân chủ lực sẽ tiêu diệt lực lượng địch.

- Nam bộ: Đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven Sài Gòn là chiến trường chủ yếu đánh phá “bình định” nhằm hoàn thành thế bao vây và cô lập Sài Gòn. Miền đông là chiến trường nơi chủ lực tiêu diệt lực lượng địch, mở mảng, mở vùng, mở hành lang Tây Ninh và phối hợp với Khu 8 mở hành lang Kiến Phong - Kiến Tường, tạo bàn đạp áp sát Sài Gòn - Mỹ Tho.

Về thời cơ chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu dự kiến thời cơ có thể xuất hiện trong ba tình huống:

1. Khi ta đánh mạnh nhất vào đợt hai năm 1975.

2. Trong mùa mưa ở Nam bộ.

3. Những tháng cuối năm 1975, khi ngụy tổ chức bầu tổng thống.

(…)

Tôi phát biểu (…) nêu rõ (…) ta (cần) chuẩn bị ngay kế hoạch tiến tới tổng công kích (…) Chiến trường Nam bộ bước vào một mùa mưa chưa từng có. Bất chấp thời tiết khó khăn, quân và dân ta đẩy mạnh mọi hoạt động tạo thế mới và lực mới (…) Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, dự trữ cho chiến đấu cũng rất khả quan. Ngành hậu cần, Đoàn Trường Sơn đã (…) “lót ổ” hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, xăng dầu (…) chuẩn bị đủ cho bộ đội chiến đấu trong một năm rưỡi (…) Việc xây dựng những “quả đấm chủ lực” thu được nhiều kết quả (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1210-1214)