Tại sao địch không thấy được là Buôn Ma Thuột là chỗ vừa hiểm yếu vừa yếu? Hay có lẽ cũng thấy nhưng cho rằng ta khó thể hành quân tiếp cận?

Trước khi có chiến thắng Buôn Ma Thuột, phải lập một kỳ công về làm đường!

Đồng bằng Nam bộ vừa địch mạnh vừa quá xa Trường Sơn, không biết tại sao có những người chủ trương đánh trước?
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đánh chỗ hiểm yếu mà yếu”




Cuối tháng 8-1974, Bộ Tổng tham mưu tập trung (…) chuẩn bị tài liệu cần thiết phục vụ Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng (…)

Về hướng tiến công chiến lược là nam Tây Nguyên, mở đầu bằng đánh Buôn Ma Thuột, tôi dựa vào những suy nghĩ đã có từ những ngày kháng chiến chống Pháp về tầm quan trọng (…) của Tây Nguyên (…) kết hợp với thực tiễn chiến trường lúc này và những chỗ mạnh chỗ yếu trong thế bố trí chiến lược của Mỹ - ngụy (…)

Mỹ - ngụy bố trí “mạnh hai đầu” (…) phía bắc (Vùng I Chiến thuật) và phía nam (Vùng III và IV) (…) Ở Vùng II (bao gồm cả Tây Nguyên), địch chỉ bố trí một lực lượng vừa phải. Riêng ở Tây Nguyên, địch đề phòng ta ở phía bắc (Pleiku - Kon Tum) nhiều hơn là ở phía nam (Buôn Ma Thuột).

Ngay từ giữa năm 1973, trong bản dự thảo đầu tiên của “Đề cương kế hoạch chiến lược”, Tổ trung tâm đã đề nghị: “Hướng chủ yếu của các đòn chủ lực (…) là Tây Nguyên” (…)

Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo (…) đã nêu ý kiến: khi đã chọn (…) Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành. Mấy hôm sau, tôi mời cơm anh Võ Chí Công và anh Chu Huy Mân. Lúc đó, trong cán bộ ta có hai ý kiến tranh luận chưa ngã ngũ: một số đồng chí chọn Tảy Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, một số khác chọn đồng bằng Nam bộ. Trong lúc chuyện trò thân mật, tôi đã nói với hai anh: “Thế nào ta cũng đánh Tây Nguyên trước”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1203-1210)