“Chế Lan Viên - Thơ triết thơ thơ thơ tình”




“Mỗi cõi thơ như một vườn hoa. Có vườn bé, vườn lớn. Vườn ít loại hoa, vườn nhiều loại hoa. Thơ Chế Lan Viên là một vườn mênh mông với nhiều loài hoa hơn bất cứ vườn hoa nào khác trong lịch sử thi ca Việt Nam”.

Chúng tôi đã nhiều lần thơ thẩn trong “Viên Tĩnh Viên”.(1) Nhân nhớ chủ nhân qua đời sắp tròn ba thập kỷ, mới đây có viết mấy lời trình bày cảm tưởng chung của mình về vườn ấy, trong đó có đoạn trích trên.(2) Nay lại vào thăm nữa, chọn hái lấy một số đóa để góp thêm lên bàn thờ tưởng niệm. Vì trong bài tổng quan đã nhắc nhiều đến những hoa thơm hương đại nghĩa, lần này chúng tôi chọn hái từ vài khu vực khác của vườn.

Sau đây là ba lọ cắm ba thứ hoa Chế khác nhau. Lọ nào cũng có kèm theo một lời “bàn tán” chung, hoa nào trong lọ cũng có đính lời bàn riêng (bàn tán về hoa, thi thoảng, tự nhiên lời bỗng có vần!).

Thơ chứa suy tư về vũ trụ, nhân sinh

Chế Lan Viên yêu Phật không phải để được độ trì, yêu Chúa không phải vì mong ơn cứu rỗi, mà mến khoa học cũng không phải do thiết tha với việc khám phá vũ trụ. Trước sau, ông lân la, quấn quít với lúc Đấng nọ khi Đấng kia, với cả phi – Đấng, chỉ để hỏi một câu thật ngắn: “Ta là ai?”. Đầu đời: “Trời thăm thẳm! Lời van không tiếng đáp!”(3), rồi cuối đời cũng vẫn chưa có “tiếng đáp”: “Bản ngã anh, anh chỉ tìm ra, hiểu rõ / Khi chạm số phận mình cùng một vì sao lạ đổi ngôi” (“Đàn bầu”, bài 2). Tuy chưa biết “ta là ai”, Chế Lan Viên hoàn toàn dứt khoát “ta (phải) vì ai” mà góp một bàn tay “thắp lại triệu chồi xanh” (“Hai câu hỏi”). “Đã là người thì phải cày cuốc, đan thêu, thả lưới, trồng cây, gieo hạt” (“Nhiệm vụ”) và tham gia việc nước khi nước có việc. Nhưng chưa hết. Nếu “người” được trời sinh là một cây hoa, thì còn có thêm cái “nhiệm vụ” ra càng nhiều hoa đẹp càng tốt. Hẳn bởi quan niệm về nhân sinh tích cực như vậy mà Chế Lan Viên đã sáng tác nhiều bài thơ tỏ ý sốt ruột trước thời gian trôi (dĩ nhiên nếu chia sẻ cái nhìn đời người này, đại đa số nghệ sĩ cần sốt ruột hơn ông nhiều!).

“Rất nhiệm màu, ôi Đấng Cả Mâu Ni! / Xin từng thác từng nguồn mau rộng mở / Lòng thương cao xuống lòng con đau khổ / Dầu chỉ trong một phút, hãy cho xem / Trời Tây phương thất bảo chói trang nghiêm / Con sẽ đến cắn vào tay vàng ngọc / Cho chảy máu tay thiêng, cho tiếng khóc / Bật vụt lên khí huyết xuống hầu khô / Lạy muôn trên đây một kẻ măng tơ / Của tôn giáo muốn chìm trong thuốc độc! / (...)” (“Say”, 1938). Chế Lan Viên có lần kể: “… tuổi trẻ tôi chìm trong tiếng tụng kinh trước bàn thờ Phật của cha tôi”.(4) Nghe tụng kinh gõ mõ, đa số nghe tâm dần tĩnh lặng, thế mà đây tâm của “kẻ măng tơ” lại mỗi lúc mỗi động hơn, đến mức muốn… bạo động! Nhớ Hàn Mặc Tử chất vấn “Sứ thần Thiên chúa Gabriel”: “Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu / Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?” (trong tập Xuân như ý). Một thời, ở một thành phố nhỏ miền Trung, có hai hồn thơ trẻ muốn đại náo thiên cung!

“(…) / Ðã triệu đời qua, Chúa còn soi bóng / Narcisse muôn năm, trên lòng giếng rộng / Ðáy Hư Vô, Người ngửa mặt trông trời / Ta là ai? Người thấy đó là ai?” (“Ta là ai?”, 1940). Cũng trong tuổi trẻ, vừa “chìm trong tiếng tụng kinh (…) Phật”, ngày ngày Chế Lan Viên còn được đều đặn nhắc nhở về Chúa: “… trường tôi nằm trong tầm ngân vang của chuông nhà thờ đạo Kim Châu gần đấy”.(5) Và cũng vậy, “tôi” nghe chuông đạo không trở nên “ngoan” mà trong lòng thắc mắc chồng lên thắc mắc, một hôm ra giếng, cúi xuống ngắm cái bóng của cái hình mà Chúa đã cố ý nặn cho giống chính Người, “tôi” bỗng buột miệng... “… là ai? (…) là ai?”, âm vang câu tự hỏi ấy chẳng bao giờ tắt nơi cái “đáy hư vô” của một bộ óc người!

“Nếp áo tiền thân vừa hút mắt / Tiếng gà lai kiếp cách ngàn sao / Anh nằm ở giữa cân trời đất / Khối ngọc chưa nghiêng một hướng nào / Thâm khuê ý thức chong đèn lạnh / Mặt nguyệt tâm tư tròn vẹn gương / (…) / Đẩy tiếp xe son quá bụi hồng / Con roi hư ảo dặm đường Không / Anh khêu đĩa bấc trầm tâm lại / Sâu bướm phiền hoa lại nối vòng / Mé rừng qua khuất nắng hư vàng / Trên bến gà kêu sao rụng ngọc / Ôm chặt nghìn năm ta lại khóc / Bến xưa rừng cũ thấy... Thời Gian” (“Lại thấy thời gian”, trong khoảng 1937-1947). “Lai kiếp” là một quan niệm tâm linh Đông phương cổ, nhưng “ngàn sao” lại thuộc vào vũ trụ khoa học! Trong bài “Từ đâu?” (1937), cũng có sự pha trộn Đông Tây cổ kim ngộ nghĩnh: “Ta rơi xuống cõi đời / Từ cầu nào? Từ thời nào trong vũ trụ?”. Sau ngày Thống nhất, khi dần trở lại với ám ảnh siêu hình, Chế Lan Viên tiếp tục khuynh hướng cũ: “Anh hồi sinh (…) / Mặt trời đến hát bên dòng sông Phù Sa không mấy khác / Cũng lại cái trống đồng ấy thôi, chỉ khác có thiên hà” (“Sẽ sống”), “Bản ngã anh chứa những tạp âm rạn vỡ của sao trời / Chứa những âm âm u u vũ trụ” (“Đàn bầu”, bài 2) v.v. Kể ra, sống trong cái thời khoa học đang làm chúa tể thì làm sao khỏi bị khoa học “ám” đến tận suy tưởng triết lý. Tưởng điều thú vị ở đây là những suy tưởng “tổng hợp” ấy ngẫu nhiên nẩy ra trong óc một thi nhân, nhờ đó đã được “nên thơ”.

“Chùa nghèo tượng Phật đất / (…) / Mặt Phật chỉ mơ hồ / (…) / Ở ngoài cửa tam quan / Là cuộc đời rất thực / Lúa đồng thơm thơm phức / Hương chùa chưa ai thắp / Hương lúa đã lan tràn / Phật ngồi trong vô thức / Ðộng trong từng thớ đất / Nhớ ngoài kia cỏ non / Nhớ ngoài kia trái chín / (…) / Ngồi trong phi - thời - gian / Hoa sen cười nửa miệng / Nhớ xuân đi hè đến / Ðời có tiếng ve ran” (“Chùa nghèo”). Sắc tức thị không, vậy mà không vẫn nhớ sắc. Hương lúa, màu cỏ, tiếng ve, mùa nọ mùa kia, đâu có cái gì là thực, vậy mà “rất thực”. Biết cái cõi hình sắc này là huyễn, là chẳng qua do tâm động, nhưng lỡ thấy rồi, khó quên! Chế Lan Viên lớn tuổi không đòi lên tận Tây phương để “cắn vào tay” Phật trên tòa sen chói lọi nữa, mà chỉ thi thoảng vào “chùa nghèo” thăm “tượng Phật đất”. Có khi ông đã được gần Phật hơn xưa.

“Cái Hoàn Toàn tự chán ngấy mình mới đẻ ra Vũ Trụ / Mới gây đổ, sứt, hao, tan vỡ / Rồi mới chạy theo chắp vá / Mong trở lại hoàn toàn / Vạn Pháp qui tôn từ đó / Nhưng hay gì qui tôn / Trở lại cái tròn / Vấn đề là Chạy, là Ra Công, là Dịch / Như cái trò bập bênh / Sống được là vì không hoàn toàn / Là luôn ở thế chênh vênh / Câu thơ phải luôn luôn bất ổn / Luôn xôn xao / Không thể nằm im mà ngủ được nào / (…) / Ta là ta mà luôn luôn bối rối / Tìm lại ta / Ði tám cõi mười phương rồi mới tìm ra / Nó ở trong nhà” (“Bất hoàn toàn”). Vũ trụ, nhân sinh, nghệ thuật, đều thế. Lưu, Nguyễn lên tiên lấy tiên làm vợ, là “hoàn toàn” chứ còn gì nữa, thế mà rồi vẫn “chán ngấy”, đòi xuống trần (nói rằng nhớ trần, nhưng thực là vừa nhớ dưới ấy vừa chán trên này). “Cái Hoàn Toàn”, thiết tưởng có thể hình dung nó như một đỉnh núi. Dẫu là Phăn Xi Păng, lên đứng một lúc cũng “chán ngấy”, muốn xuống. Xuống, một lúc lại hì hục trèo lên một đỉnh khác, để lại xuống… Có “Dịch” mới vui, mới “sống được”.

“Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích / Cũng không phải chỉ nỗi đau cao sang mà là hủi cùi ghẻ lở đục hình hài / Nhưng đã là người thì phải cày cuốc, đan thêu, thả lưới, trồng cây, gieo hạt... / Dẫu là vì vua què thì cứ phải lên ngôi / Vẫn phải đúc niên hiệu anh vào tiền, ghi năm anh trị vì vào lịch / Chớ vì què mà khập khiễng lên ngai / Ở đời nếu không hài thì cũng phải chơi bi kịch / Màn mở, trống rung rồi, anh phải đội mũ, mang hia lên / Mang số phận vào người” (“Nhiệm vụ”). Trời công phu tạo số phận vô số “màu”. Nếu ai cũng đòi phải là số đỏ mới chịu mang vào thì bao nhiêu số màu khác, nhất là những cái số đen, cứ treo đó cho phí số, uổng công Trời hay sao? “Ðội mũ, mang hia”, hay đội... nắng, mang... chân không, dù trời bắt sắm vai nào, cũng phải cố nhập vai mà đóng cho ưu tú, tất cả bạn diễn viên ơi!

Thơ chứa nhận thức về sáng tạo

Bản nhạc, bức tranh, pho tượng, bài thơ đều nói lên một quan niệm về sáng tạo nghệ thuật. Nhạc tranh tượng chỉ nói lên chứ không thể nói ra. Riêng thơ có thể “lắm nhời”. Nhưng tuy thơ có cái khả năng đặc biệt ấy, gần như không có ai trừ Chế Lan Viên đã “bắt” thơ phát biểu về chính nó. Như để làm bù cho người khác, ông “bắt” như thế rất nhiều lần. Đọc những cái nghĩ sáng tạo về sáng tạo hiện hình thành lời sáng tạo của ông, thấy thú vị ghê.

“Một chiều kia Tạo hóa bỗng dưng buồn / Liền lấy buồn ra dựng những Thiên Sơn / Kể cứ buồn không thôi, chả làm gì cũng là Thượng Ðế / Nhưng tạo hình cho buồn, thế cũng hay hơn / Một lần kia Thượng Ðế bỗng dưng vui / Người chỉ vui thôi thế cũng đủ rồi / Nhưng Người liền nổi sóng lên làm Ðại Hải / Ðể cho thủy triều xuống lên đổ những trận cười / Chả là Người thấy chúng ta đang chứng kiến Người / Chúng ta đòi Hình ở chỗ Người chỉ có Tình thôi đấy / Chúng ta ngắm núi, bể nơi Người chỉ biết buồn vui / Nghệ sĩ là người nào biết gián cách họ với ta bằng tác phẩm / Ðem tất cả cái Bên Trong tạo hình thức Bên Ngoài” (“Tạo hóa tạo hình”). Ðây sừng sững buồn, kia nhấp nhô vui... Cả cái tự nhiên muôn hình vạn trạng này chẳng qua những trận vui buồn bất chợt của Ai sao? Rồi Ai đã “cảm” thế nào mà tạo ra loài người là thứ sinh vật cũng loay hoay “tạo”? Bao nhiêu núi bể bấy nhiêu Tình. Bao nhiêu thơ tranh tượng nhạc bấy nhiêu tình. Tình của Người và của người hiện hình chật ních thế gian!

“Ví dụ anh sinh ra trong miền đất không hoa văn / Miền biển vắng thủy triều / Khu rừng không trầm hương, di chỉ / Trời vắng mây tình yêu / Thì anh có làm thơ không đấy? / Có chứ! / Càng phải làm nữa chứ! / Anh sẽ là nhà thơ có trái tim nhịp gấp / Có đôi mắt vạn hoa / Có bàn tay tung bắt / Ðược những câu tình cờ / Anh sáng tạo vì không sao phản ảnh / Anh cho đời những cái đời không cho” (“Ví dụ”). Cái hoa xương rồng nở giữa sa mạc, màu sắc rực rỡ của nó có phản ảnh cái gì quanh nó đâu. Cái hoa lời cũng thế, cuộc sống dù toàn màu xám thì nó vẫn nở ra xanh đỏ tím vàng. (Lấy đâu ra màu sắc, là bí mật của các loài hoa!).

“Rễ sâu, ai biết là hoa / Xoắn đau núm ruột làm ra nụ cười / Im trong lòng đất rối bời / Chắt chiu từng giọt, từng lời lặng im / Uống từng giọt nước đời quên / Ăn từng thớ đá dựng nên sắc hồng / Nở rồi, trông dễ như không / Một vùng sáng đọng, một vùng hương bay / Tụ, tan màu sắc một ngày / Mặt trời hôm, mặt trời mai ngoảnh cười / Bắt đầu từ rễ, em ơi!” (“Rễ… hoa”). Hoa thật rồi tàn, khiến người thưởng thức tiếc nuối. Hoa thơ, hoa văn, hoa tranh, hoa tượng, hoa nhạc không bao giờ tàn, nhưng đến lúc nào đó sẽ không còn ai thưởng thức nữa. “Hương bay”, “sáng đọng”, thương ơi.

“Bạn đọc cần những bài thơ như tâm hồn thứ hai của họ / Ngoài tâm hồn họ ra, họ cần thêm một tâm hồn / Sao anh tả cảnh, tả nhà, tả ao, tả phố... / Ðể thêm anh vào họ rồi, cho họ trăm thứ rồi, họ vẫn cô đơn” (“Thơ và bạn đọc”). Nghệ phẩm đích thực nào chả là chân dung tự họa / Anh tha hồ vẽ cảnh vẽ nhà vẽ ao vẽ phố / Vẽ cả những ý nghĩ về vẽ của mình / Anh cứ phóng cọ phóng bút mặc ý mặc tình / Chỉ cần nhớ sao cho khi xong / Bạn xem bạn đọc sẽ thấy có lòng trong!

“Bài thơ, anh làm một nửa mà thôi / Còn một nửa cho mùa thu làm lấy / Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá / Nó không là anh, nhưng nó là mùa” (“Một nửa…”). Thơ có bao giờ là chỉ mình đâu / Cái gì đó, nó với mình đấy chứ / Thu chẳng hạn, vừa khiến xào xạc lá / Vừa vào lòng, làm vàng cả câu thơ!

“Nhà thơ không đưa ngay trái tim mình cho độc giả / Mà hái một trái cây đưa cho họ / Họ cầm lên ròng ròng máu nhỏ / Hóa ra đấy là trái tim mình / Mà anh chạm trổ / Anh tạo ra hình quả / Che đi chính mình” (“Nhà thơ”). Mới trông qua tưởng trái cây, trông lại thấy... trái tim “ròng ròng máu nhỏ”! / Mới trông qua chỉ thấy một cung nữ, trông lại, ô kìa, chính Nguyễn Gia Thiều!

“Tả một môi son, có khi anh chỉ nói sắc sen hồ / Phải giấu tình cảm anh đi như ém quân trong rừng vắng / Chỉ vì anh nghĩ đến người độc giả mai sau / có cái thú đi tìm vàng trên trang giấy / Ðang bơi thuyền giữa sen hồ bỗng bắt gặp môi son” (“Tín hiệu”). Thơ có thứ đọc qua thấy khô khan, đọc lại kỹ thấy có đậm đà tình cảm sau lời. Tưởng rừng không ai, hóa ra… Lọt bẫy phục kích, vui ghê!

“Làm thơ không phải là đi cà khêu nhưng đừng đi chân đất / Mà là lia đôi hia hư thực / Bay trên đầu ngón chân / Đã làm thơ sao lại từ chối làm văn / Từ chối sáng tạo hồn bằng chữ? / Làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai bằng ngôn ngữ / Chớ nhân danh đất để chê Lời” (“Đừng đi chân đất”). Lời thơ vừa là phi thuyền chở ta lên hành tinh Ý, vừa chính nó là một loại hành tinh. Những cái phi thuyền - hành tinh của Chế Lan Viên, hẳn lắm cái đã khiến thi sĩ phải “lia đôi hia hư thực” lia lịa mới chế ra được.

“Nhà thơ hơn người là cái thế ở trên lưng ngựa / Không cương / Mà lại con xích thố / Ðang giăng bờm bão tố / Còn anh văn xuôi thì đang tản bộ / Ðường trường / Rồi lại còn cái thế trên yên mà ta đà đao, múa kiếm / Tung kiếm lên trời / Rồi đưa tay đón / Thế mới là hảo hán! / Nhưng coi chừng khi nhà văn xuôi đến đích / Thì nhà thơ ta đã rơi cái ịch / Giữa đường” (“Văn xuôi và thơ”). Văn xuôi như ngựa thồ. Thơ như thứ ngựa không chở hàng nhưng vừa chạy vừa múa. Đã múa thì phải cho đẹp, cho người xem cảm thấy được một cái gì, chứ không thì coi như “ịch”.

“Cần có cái gì như tai ương đến với bài thơ / Ðó là luật lệ, đó là điệu vần, đó là gò bó... / Nó không thể thẳng đuột đi con đường bỏ ngỏ / Mà chỉnh tề hàng ngũ trước gian truân / Có lẽ đã qua một cơn thử lửa nào chăng mà con hổ có lông vằn? / Qua nghìn nhát dao đâm nào chăng mà hươu sao có đốm?” (“Kỷ luật”). Kỷ luật là khuôn, có chui qua nó thì hổ, hươu, thơ mới có hình. Nếu không chịu khó chui, thì hổ, hươu là một đống... lông, còn thơ là một đống chữ. Khuôn thơ có thứ làm sẵn, có thứ nhà thơ tự làm.

“Anh đi xem cá và gặp người áo đỏ / Anh vẽ nên cá đỏ ở trong thơ / Rồi anh lại vẽ người bơi trong sóng thời gian như cá / Rồi anh chả vẽ gì, anh chỉ vẽ thời gian” (“Vẽ cá”). Từ thơ cá đỏ đến thơ người bơi trong sóng thời gian đến thơ thời gian, đều là “anh” cả. Giờ anh mới vẽ thời gian, chứ thời gian từ lâu nó đã vẽ anh rồi!

“Những thế kỷ đông người mà nhân loại vắng tanh / Uổng công con công thơ xòe cái đuôi ngôn ngữ của mình / Sao bằng khi nhân loại còn ở hang tiền sử / Chưa có thơ gì nhưng giọt lệ đã long lanh” (“Thế kỷ”). Khi “lệ long lanh” mà chưa có lời thì mới chỉ có ruột thơ mà chưa có thơ. Rồi đến khi cảm xúc “vắng tanh” thì lại chỉ có vỏ thơ mà không có ruột. “Những thế kỷ đông người mà...” hẳn bắt đầu từ thế kỷ 21!

“Mỗi con trai nhả ngọc một lần thôi / Viên ngọc đầu tiên cũng là viên sau chót / Không như ta sau viên ngọc sau cùng / Rồi lại làm viên thứ nhất / Đấy là nỗi đau và hạnh phúc của con người” (“Ngọc sau cùng”). Lấy nỗi đau làm cái nhân / Ngày đêm nhả trùm bao lại / Ngọc đẹp mọi người ngắm mãi / Cả mình cũng quên mất đau! / Thôi nhé là viên chót đấy / Có đau mấy nữa cũng không / Bao phen lòng tự nhủ lòng / Vừa xót, nghề quen lại nhả!

“Ví dầu ngày mai bể cạn / Thì đây viên ngọc sau cùng / Kết tinh một đời sóng gió / Dâng đời ở mé hư không” (“Ví dầu”). Tưởng tượng một chuỗi ngọc trải dài từ năm “trai” mới thiếu niên. Vỏ trai nát lâu rồi, nhưng những kết tinh óng ánh của một đời sóng gió thì vẫn còn đây.

“A / Cười mình vung lưới rộng / Thu về con tép con / Nhặt bốn câu bé bỏng / Sải cánh cả tâm hồn / B / Quên mất mình vừa sáu chục / Mở trang giấy rộng, viết dài / Gương nhắc mái đầu chớm bạc / Lại làm có bốn câu thôi” (“Tuổi già làm thơ tứ tuyệt”). Thực ra về cuối đời, Chế Lan Viên ít làm thơ bốn câu. Mà ông đùa, chứ thơ đâu phải hễ ngắn là tép, dài là tôm! Cứ đọc những bài thơ ngắn của chính ông thì biết.

Thơ chứa tình cảm riêng tư

Có người nhận xét: “Chế Lan Viên làm thơ tình (...) có hơi ít (...) thơ tình của người đứng tuổi, không có cái cuồng nhiệt si mê, mà ý nhị, đằm thắm, trang nhã”.(6) Về lượng, nói cho rõ hơn thì từ đầu đến 1947 Chế Lan Viên gần như không làm thơ tình, từ 1947 đến 1961 không có một bài nào, từ 1961 trở đi mới thực sự bắt đầu sáng tác thơ tình một cách đáng kể, tuy rút cuộc có lẽ vẫn là “hơi ít”. Về đặc điểm, nhận xét như vừa trích dẫn thiết nghĩ xác đáng, ngoại trừ chỗ “của người đứng tuổi”. Bởi vì bài “Nhớ mình” làm khi nhà thơ mới 26 tuổi đã có cái phong cách ấy rồi: “Qua đây ta lại nhớ mình / Gió trăng chẳng nói hết tình ta đau / Ngọn riêng gió thổi sầu lau / Mắt xa em có sáng màu nhớ nhung? / Thời gian chảy khuất bên lòng / Nhỏ to mạch gối đôi dòng xót thương”. Tình yêu nam nữ chỉ là một phần của tình cảm riêng tư. Chế Lan Viên còn làm nhiều bài về mẹ và vài người thân khác, một số bài chứa hồi ức về những không gian từng sống hay đi qua, một số bài nữa mà tuy đối tượng mơ hồ nhưng cảm xúc vẫn có chiều sâu... Cũng như thơ tình, thơ diễn những tình cảm riêng tư khác của Chế Lan Viên điển hình có lời nhẹ mà thấm, thường dài chỉ bốn câu.

“Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế / Khế trong vườn thêm một tí rau thơm / Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ / Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!” (“Canh cá tràu”). Cá tràu ngoài Bắc là cá quả, trong Nam là cá lóc. Đất nước thống nhất, Chế Lan Viên về thăm quê Bình Ðịnh. Nhà đây và mẹ thì kia, ở trên bàn thờ. Bát canh cá tràu hôm ấy ai đó nấu chắc gia vị đã vừa ăn, thế mà một người ngồi ăn cứ nêm thêm mãi nước mắt mình vào…

“Buổi sáng em xa chi / Cho chiều, mùa thu đến / Để lòng anh hóa bến / Nghe thuyền em ra đi!” (“Lòng anh làm bến thu”). Em đi xa anh ở nhà, em thuyền anh bến, phải rồi, nhưng tại sao “thu”? Hình như khi “non xa khởi sự nhạt sương mờ (…) rét mướt luồn trong gió” là lúc nên thơ nhất để đôi lứa chia tay. “Em đến tôi” thì “bến xuân”, “em xa (…) anh” thì “bến thu”, là đúng chuẩn lãng mạn!(7)

“Đột ngột cây chiều xanh mướt xanh / Thôi rồi em hẳn nhớ mong anh / Phố dài bóng nắng cây hai dãy / Thiếu giữa hàng cây dáng chúng mình” (“Đột ngột cây chiều”). Chiều làm sao mà lá cây chợt mướt? Thấy mướt là biết “em hẳn…”, tình yêu chắc chắn ghê. Cũng có thể cái đột ngột không phải xảy ra ở bên ngoài, mà “anh” đang đi “giữa hàng cây”, chợt nỗi “nhớ mong” dấy lên, rất nhanh chóng ngập lòng, làm mắt anh trông xanh thấy “mướt”. Dù sao, cái chính là với “anh”, “mướt” đồng nghĩa với “em”.

“Vắng lặng vườn quê mình lại mình / Câu thơ theo mãi vẫn chưa thành / Đỏ hồng hoa giấy, vàng mai, cúc / Em vẫn chưa về, thơ vắng tanh” (“Vườn quê”). Mình theo mình dạo vườn quê / “Phút linh cầu mãi” chưa nghe nhập thần (8) / Cúc mai chẳng chịu hóa vần / Về mau em hỡi hoa lòng của anh!

“Thơm ngát mùa sen trắng cổ thành / Về thăm xứ Huế chỉ mình anh / Lăng vua hoa đại rơi đầy lối / Chen bóng cành hoa, chỉ bóng mình” (“Về thăm xứ Huế”). Dù “anh” có “về thăm xứ Huế” ngay sau ngày Thống nhất đi nữa, thì sen trắng cũng đã thơm ngát cổ thành mấy chục mùa liên tiếp không anh... Bóng cùng “chen bóng cành hoa” chừ biết nơi mô.

“Với người không lứa đôi / Hương hoa nhài chịu lỗi / Thơm bồi hồi bổi hổi / Ðâu thơm cho một người” (“Hương hoa nhài”). Có phải nếu hoa không tình cờ có mặt trong kỷ niệm thì dù thơm đến mấy cũng không thể khiến ta thấy xúc động? Hương hoa phải nhắc hương tình, mới thơm được đến mức...

“Trăng sáng màu hoa sữa / Mùi hương rọi khắp trời / Nằm một mình anh sợ / Hương và trăng đến soi” (“Hoa sữa”). Chỉ trăng thôi đã nhớ / Thêm mùi hương soi nữa / Bao ma cũ hiện hình / Ai một mình chẳng sợ.

“Mỗi lần đau, anh lại đến Tây Hồ / Chữa lành anh là hoa súng tím / Chao trong sóng con lép bép vỗ bờ / Nhụy vàng hương kín / (…) / Cả một mùa qua hoa nở chả ai hay / Không nở chả ai hay / Ngoài chú vịt trời xao xuyến / (…) / Anh đã yêu bao hoa khác lắm màu / Giờ gió sớm mùa thu làm mỏi mệt / Anh muốn thành con vịt trời xuôi trên sóng biếc / Ngủ giữa hoa tím và sóng hồ lép bép / Gió thu xao” (“Hoa súng tím”). Đau thường co. Thể xác thế, mà tâm hồn hình như cũng thế. Co hồn lại rồi, ta bỗng thấy được những cái mà lúc bình thường ta như không thấy, chẳng hạn “hoa súng tím”. Tại sao hoa ấy “chữa lành”? Tưởng chẳng phải chỉ hoa hay vịt hay “sóng con lép bép” đâu, mà là toàn thể cái không gian khiêm tốn ven hồ đã giúp “anh” hồi phục. Giống như buồng kín giúp người ốm hết ốm. “Đau” thế mà cũng hay đấy nhỉ. Bởi chính nhờ thỉnh thoảng “được” cần chữa, “anh” mới có dịp thấy thêm hồ, thấy nhiều hồ hơn những người quanh năm khỏe mạnh. Trải nghiệm sống cho đủ, phải có lúc đau!

“Tiếng ễnh ương chiều lĩnh xướng cơn mưa muộn / Tiếng ếch xanh màu lá khoai / Bản hợp xướng của những trời mây dĩ vãng / Đến tự lòng anh hay tự giọt mưa trời?” (“Tiếng ễnh ương”). Chiều tàn ca trưởng ễnh ương / Dẫn bài Mưa Xuống uênh oang khắp đồng / Nghe mưa bằng cả tấm lòng / Những trời mây cũ chập chồng trong tim...

“Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa / Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa... / Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế! / Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!” (“Nhớ tuổi thơ”). Yến Lan, Võ Phiến, Tế Hanh cũng đều có nhắc tới cái màu xanh của bầu trời nơi quê hương mình.(9) Không biết trời Bình Định, Quảng Ngãi nó xanh đặc biệt thế nào mà… Trưa tuổi thơ của Chế Lan Viên, trên đã “Trời xanh thế!”, dưới lại thêm… đất gáy dồn. Bao năm, một hôm màu xưa tiếng cũ rủ nhau cùng về “đánh” cho nhà thơ nhớ đến “chao ôi”!

“Xao xác ngàn lau, ngàn kỷ niệm bạc đầu, bạt ngàn xao trong gió / Miền hoa lau ấy là miền xưa, miền quá vãng, đến làm chi? / Tất cả những nơi cư trú khi người không về đấy nữa / Thì biến thành rừng hoang kỷ niệm, hóa lau le” (“Ngàn lau”). Không về lâu ngày quá, ngoái trông chỉ thấy dập dờn trắng. Những gì đó đã “hóa lau le”, có lẽ nếu nhìn lâu sẽ hóa ngược trở lại thành… Nhưng ngắm những dáng hình “quá vãng” mờ mờ ấy, để “làm chi”?

“Ký ức thường hóa suối / Nửa đêm nghe rì rầm / Đi tìm thì tuyệt lối / Nằm xuống lại vang rân” (“Ký ức”). Ban ngày, “suối” quá khứ bị “thác” hiện tại “ồn” hơn át khuất. Nửa đêm, thác tạm ngưng chảy, mới nghe được suối. Dậy là “bật” thác, lại ào ào, dĩ nhiên “tuyệt lối”. Nằm xuống đi, “rì rầm” sẽ trở lại, thậm chí lần này có thể “vang rân”.



Thu Tứ
Tháng 3-2019

















_________
(1) Tên Chế Lan Viên đặt cho khu vườn nhà mình.
(2) Bài “Chế Lan Viên – Tổng quan thi nghiệp”.
(3) Trong bài “Ánh sáng” (1937). Bài này có nội dung khác, đây chúng tôi chỉ mượn câu chót.
(4), (5) Bài không nhớ tên, báo
Văn Nghệ, số 26/11/2005.
(6) Nguyễn Xuân Nam, trong
Thơ Chế Lan Viên – những lời bình, nhiều tác giả, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 2000.
(7) “Non xa…”: trong bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, “Em đến tôi…”: trong lời ca khúc “Bến xuân” của Văn Cao.
(8) Hồ Dzếnh: “Phút linh cầu mãi không về / Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen” (bài “Đợi thơ”).
(9) Trong các bài “Bình Định 1935”, “Có khi”, “Nhớ con sông quê hương”, theo thứ tự.