“Chế Lan Viên - Tổng quan thi nghiệp”




Hỏi: Có lẽ cũng như trường hợp Tố Hữu, ta bắt đầu với những số liệu căn bản…

Đáp: Vâng. Chế Lan Viên bắt đầu làm thơ khi còn thiếu niên, tận cuối đời mới buông bút. Năm mươi mấy năm sáng tác, số bài thơ để lại là hơn 1000: Điêu tàn 36 bài, thơ làm trong mười năm sau đó 37 bài, Gửi các anh 13 bài, Ánh sáng và phù sa 69 bài, Hoa ngày thường – chim báo bão 49 bài, Những bài thơ đánh giặc 3 bài, Đối thoại mới 67 bài, Hoa trước lăng Người 14 bài, Hái theo mùa 76 bài, Hoa trên đá (1) 79 bài, Ta gửi cho mình 39 bài, Hoa trên đá (2) 66 bài, Di cảo (1) 69 bài, Di cảo (2) 197 bài, Di cảo (3) 200 bài và một số ít bài nữa chưa in.(1) Thi nghiệp Chế Lan Viên có thể xem là gồm ba thời kỳ: tiền chiến, kháng chiến và hậu chiến. Thơ thời kháng chiến đại khái là từ tập Gửi các anh đến tập Hái theo mùa.

Hỏi: Điêu tàn, cái nội dung thơ lạ quá!

Đáp: Vâng, tứ quả là “kinh dị”(2), còn lời thơ thì xiết nỗi thiết tha, đến nỗi chắc không ít người đọc đương thời đã tưởng sẽ được đọc thêm rất nhiều vần nữa về “Chiêm quốc”. Hóa ra, sau 1937 nỗi “ám ảnh mãi không thôi” không bao giờ xuất hiện trong thơ Chế Lan Viên nữa!(3) Một người biết thời niên thiếu của thi sĩ kể: “Hàng ngày từ nhà nhìn ra anh đã bắt gặp ngay Tháp Cánh Tiên”.(4) À, “anh” có tâm hồn đặc biệt đa cảm, trí tưởng tượng phong phú, óc say mê trăn trở, có năng khiếu thơ, “anh” bị cái tháp ấy và những tháp Chàm khác rải rác khắp một vùng Ðồ Bàn cũ ngày đêm đập vào hồn vào óc, nhất là đêm dưới cái ánh trăng Bình Định “ma quái”, trách sao những vần kinh dị khỏi bật ra! Nhưng tại sao chỉ bật ào ào trong thời gian ngắn, rồi hết, hoàn toàn hết? Thiết tưởng đơn giản bởi Chế Lan Viên đâu phải gốc Chăm. Thiếu quan hệ gốc ngọn với chủ tháp thì “xa tháp” tự nhiên “cách lòng”, tháp không hóa thơ nữa, thế thôi… Điêu tàn là luống hoa đầu tiên nở trong “Viên Tĩnh Viên”.(5) Tuy loài hoa trong luống ấy rồi sẽ không bao giờ nở nữa, tính độc đáo của nó như báo trước sự ra đời của một thi nghiệp với những đặc điểm chưa từng thấy trong thơ Việt Nam.

Hỏi: Về nội dung, thơ Chế Lan Viên trong giai đoạn 1937-1947 biến chuyển ra sao?

Đáp: Nổi bật trong giai đoạn này là một số bài chứa ám ảnh siêu hình. Chế Lan Viên có lần kể khi còn rất trẻ ông đã say mê tôn giáo: “Mở đầu tôi yêu Chúa. Rồi tôi yêu Phật”.(6) Nhưng thi sĩ không yêu Chúa như một con chiên ngoan đạo hay yêu Phật như một Phật tử thuần thành, mà hoặc đầy thắc mắc: “Ðã triệu đời qua, Chúa còn soi bóng / Narcisse muôn năm, trên lòng giếng rộng / Ðáy Hư Vô, Người ngửa mặt trông trời / Ta là ai? Người thấy đó là ai?” (“Ta là ai?”), hoặc rất tò mò: “Rất nhiệm màu, ôi Ðấng Cả Mâu Ni! / Xin từng thác từng nguồn mau rộng mở / Lòng thương cao xuống lòng con đau khổ / Dầu chỉ trong một phút, hãy cho xem / Trời Tây phương thất bảo chói trang nghiêm” (“Say”). Yêu hết Đấng nọ tới Đấng kia, đến lúc nào đó, “tôi” bỗng nhiên bắt đầu trăn trở về những cái không thể biết theo một hướng hoàn toàn mới: “Lòng hỏi lòng: Ta rơi xuống cõi đời / Từ cầu nào? Từ thời nào trong vũ trụ?” (“Từ đâu”), “Nếp áo tiền thân vừa hút mắt / Tiếng gà lai kiếp cách ngàn sao” (“Lại thấy thời gian”)… Thơ triết lý mà bay mùi vật lý!

Hỏi: Về hình thức, thơ Chế Lan Viên cho tới năm 1947 có gì đáng chú ý?

Đáp: Trong 36 bài Điêu tàn có 32 bài tám chữ và 4 bài bảy chữ. Trong 37 bài kế tiếp, có 26 bài tám chữ, 5 bài bảy chữ, một bài 5 chữ, một bài 4 chữ, hai bài 68, một bài trộn lối (5 rồi 68), một bài dài ngắn bất thường. Như vậy, Chế Lan Viên đã làm rất nhiều thơ tám chữ và rất ít thơ lục bát. Một phần ba các bài thơ bảy chữ có chứa câu nhịp Việt 3-4. Khuynh hướng phá thể cũng đã manh nha...

Hỏi: Hình thức là do nội dung…

Đáp: Dĩ nhiên. Các nhà thơ Mới thường chọn thể tám chữ để diễn nội dung sôi nổi. Mà Chế Lan Viên thì nói chung sôi nổi có lẽ còn hơn cả Xuân Diệu, cho nên tám chữ ngự trị. Xin dẫn vài câu thơ nổi bật về độ “bồng”: “Ta cởi truồng ra! Ta cởi truồng ra!” (“Tắm trăng”), “Rùng rợn như… tiếng vỡ sọ dừa ta!” (“Mộng”), “Sống! Sống! Sống! Tôi chết đi vì sống!” (“Sôi nổi”).

Hỏi: Bây giờ ta bước qua thời kỳ thứ hai, thời đánh Pháp rồi đánh Mỹ…

Đáp: Chế Lan Viên còn đang lắng nghe tiếng gà chưa gáy ở đầu kia vũ trụ thì Cách mạng mùa Thu thành công. Bao nhiêu hình ảnh âm thanh cực kỳ tưng bừng rộn rã của “Huế tháng tám” nhanh chóng chấm dứt mọi trăn trở siêu hình và đưa ông tới gặp một người bạn mới mà “mười lăm năm” sau, ông còn nhớ như in dịp tương kiến: “Ôi, tháng Tám sông Hương / Phòng Việt Minh Trung bộ / Mùa thu, hoa phượng còn / Lần đầu ta gặp gỡ / (…) / Rồi anh dắt tôi đi / Lên đường thơ cách mạng”. Khi “ngoảnh lại”, Chế Lan Viên cảm thấy hết sức áy náy về việc mình đã đứng bên lề trong lúc dân tộc đang ráo riết chuẩn bị thừa cơ hội lịch sử phá tan xích xiềng nô lệ: “Giữa lúc tôi đi học / Thì thân anh tội tù / (…) / Hai sông thơ (…) / Anh sông Hồng, sông Mã / Gầm reo trong đạn lửa / (…) / Tôi như con sông Thương / Chảy lòng mình thương nhớ / Đánh đắm cả thuyền mình / Trong cuộc đời tại chỗ”.(7) Thậm chí, sau đó không biết mấy năm, Chế Lan Viên vẫn chưa hết áy náy: “Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp / Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa / Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép / Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ / Đất nước sắp đổi thay rồi mà tôi chẳng biết / (…) / … vẫn khép phòng văn hì hục viết / (…) / Tổ quốc trong lòng ta mà có cũng như không / Nhân dân ở quanh ta mà ta chẳng thấy / Thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng! / Ta làm con nai lạc giữa rừng thu / Làm hổ sa cơ giận vườn bách thảo / Làm bóng ma Hời sờ soạng đêm mơ / (…)” (“Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi”). Thế là “tôi” áy náy giùm cho người khác nữa đấy. “Tôi” lên tiếng thay cho bao nhiêu văn nghệ sĩ tiền chiến đã đắm đuối trong một giấc mơ lãng mạn. Kể ra, cũng phải gặp cơ duyên thì mới lên đường sớm như Tố Hữu được. Thiết tưởng chỉ cần sau Cách mạng tháng Tám, trễ nhất là đến Toàn quốc Kháng chiến, biết thôi “mơ lãng” mà lao vào tích cực và kiên trì tham gia đánh giặc giữ nước, theo khả năng mình, là được. Nhưng Chế Lan Viên vốn nhiệt liệt, nên…

Hỏi: Trong thời đánh Pháp, Chế Lan Viên sáng tác ra sao?

Đáp: Tất cả các bài trong tập Gửi các anh đều về kháng chiến. Để ý nếu như trong thời tiền chiến Chế Lan Viên luôn lấy cảm nghĩ của chính mình làm nội dung thơ, thì từ đây có nhiều lúc ông sẽ nhập vai chiến sĩ, mẹ chiến sĩ, vợ chiến sĩ, văn công, y tá v.v. mà sáng tác. Trong bài “Gửi mẹ trong vùng giặc chiếm”, “con” rõ ràng là chính tác giả: “Mẹ ở dưới thành phố đó / Lô-cốt ngời vôi, mái đồn máu đỏ / Con đi đây trên chót vót đỉnh rừng / Nghĩ đến mẹ nhiều, nước mắt rưng rưng! / Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ / Cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ / (…) / - Mi cứ đi đi, việc nhà kệ đó / Đừng nghĩ lo chi, tau đã già rồi…/ (…)”. Nhưng trong bài “Đưa con ra trận” thì con là một chiến sĩ sắp đi công đồn mà “mẹ” là mẹ tinh thần. Lời người đưa điềm đạm mà vô cùng thấm thía: “Các con về mấy bữa / Đời mẹ già rạng rỡ thương yêu / Mẹ mẹ, con con chưa được mấy lăm chiều / Chiều nay con ra trận / (…) / Thôi, vui chừ đời mẹ đang còn / Còn đêm ni để nghe quân giặc chết / (…) / Thôi con đi / Mẹ về / Đốt lửa / Chờ con / Nửa đêm súng nổ cho giòn / Mai tin con mạnh đồn tan mẹ mừng”. Bài “Trường Sơn” trở lại chứa tâm tình của chính tác giả: “Những ngày Trường Sơn / Cao đèo thẳm suối / Hút đường quạnh lối / (…) / Thương anh dân công / (…) / Thương anh bộ đội / (…) / Nhớ sao đồng bằng / (…) / Nhớ sao tình dân / (…) / Bao giờ đất đỏ máu thù / Tan hoang đồn giặc ta thu lại đường / Ai đi quốc lộ thênh thang / Nhớ ai chân đã dặm ngàn Trường Sơn”. Chế Lan Viên rồi sẽ có một số dịp trở lại “chót vót đỉnh rừng”. Trường Sơn những lượt đi sau ngày đêm mưa bom, mưa đạn, mưa chất độc, có lượt thi sĩ suýt hóa thành liệt sĩ cùng với Chính ủy Đoàn 559! Đường đi cũng có lúc hút quạnh, nhưng rút cuộc trở nên vô cùng rộn rịp, không chỉ có chân bước mà cả bánh xe lăn, rồi vòng xích xoay... Bài thơ này dài như để báo trước thời gian đằng đẵng từ ngày “dặm ngàn” đến ngày “quốc lộ thênh thang”.

Hỏi: Sau Điện Biên Phủ…

Đáp: Mở đầu tập Ánh sáng và phù sa là nhiều bài nữa về thời đánh Pháp. Nổi tiếng nhất là bài “Tiếng hát con tàu”: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc / Khi lòng ta đã hóa những con tàu / Khi Tổ Quốc bốn bề lên tiếng hát / Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu? / (…) / Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa / Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường / (…) / Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ / (…) / Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn! / (…)”. Không phải đất nào ở lâu cũng hóa tâm hồn. Hóa chỉ xảy ra khi giữa đất và người có tình nghĩa, có yêu thương... Vừa nhớ kháng chiến, Chế Lan Viên vừa ôn lại quá trình giác ngộ của mình qua những bài “Ngoảnh lại mười lăm năm”, “Ngoảnh lại mùa đông”, “Nhật ký một người chữa bệnh”… Về cuối thi tập này, có mấy bài về việc Ngô Đình Diệm đang đàn áp rất dã man nhằm tiêu diệt cơ sở cách mạng ở Miền Nam.

Hỏi: Trước tình hình mới, đầu năm 1959 Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15, chấp thuận cho phát động đấu tranh vũ trang ở Miền Nam song song với đấu tranh chính trị. Kết hợp với cả binh vận, ta nhanh chóng phá tan kế hoạch bình định của địch.(8) “Việt Nam Cộng hòa” lâm nguy, Mỹ quyết định “thay ngựa giữa dòng” để nhảy vào tự đánh. Khói lửa sắp ngập trời, các tập thơ kế tiếp của Chế Lan Viên chắc chắn phản ánh…

Đáp: Tất nhiên. Từ Hoa ngày thường – Chim báo bão đến Hái theo mùa là rất nhiều thơ chứa nghĩ suy về chiến sự, kẻ thù và cảm xúc về chiến sĩ, dân công, nhân dân… Những bài thơ có chỗ như trống thúc quân, như cáo trạng tội ác của quân xâm lược và tay sai, có chỗ là lời bày tỏ vô cùng thiết tha lòng biết ơn đối với bao nhiêu hy sinh cao cả: “Người lái xe đi suốt đời còn lanh lảnh trong tai tiếng còi gọi dừng xe đêm ấy / Nghìn tấn bom dội xuống người con gái giao thông toàn thân thành đuốc cháy / Chị vẫn đứng sững bên đường điều khiển chuyến xe đi / Ôi những năm con người sống trụi trần bằng cái nhựa chửa thành hoa, bằng cái lõi / Hỏi họ Tổ quốc là gì ư? Họ lúng túng im. Chân lý chả lắm nhời / Phút trước họ vô danh, phút sau hóa phi thường vĩ đại / Im lặng đánh, im lặng cười, nghìn chết chẳng khi lui / Biết ơn những người vợ nửa đưa chồng, nửa còn lại cày trên các cánh đồng năm tấn / Giữa nước bạc đồng sâu vẫn còn điệu chèo cho yên dạ kẻ đi xa / Hạt lúa năm chiến tranh mang trên mình sáu, bảy cái tai ương: bão lụt, vàng lụi, sâu keo, bom cháy, bom bi, úng hạn... / Những hạt lúa thương chồng thương nước của dân ta / Biết ơn những người vì ta xây nên cầu Hàm Rồng lại vì ta lấy máu giữ Hàm Rồng / Đổ mồ hôi dựng nhà máy, lại đổ mồ hôi tháo lắp các nhà máy nơi rừng sâu sơ tán / Ở đây muốn không chết như rạ rơm thì phải sống thực anh hùng” (“Nghĩ suy 68”). Trong cái mùa hè lịch sử ấy, ở hậu phương đã có một lời “bình luận” thật đích đáng: “Những năm tháng sao mà trọng đại / Ngổn ngang thay mà rất đỗi oai hùng / Trăm vạn khối mây trời cổ quái / Nhưng chính lúc đẻ ra ngày, sinh hạ những hừng đông” (“Thời sự hè 72, bình luận”)… Về cái tội ác chiến tranh nhiều người biết nhất của quân đội Mỹ, nó cũng đã được hóa thành những vần “chuyển rung”: “Một tiếng trẻ gọi bà / Máu một làng đáp lại / Một sắc máu im lìm / Mà chuyển rung thế giới” (“Sơn Mỹ”) (Để ý bài ngũ ngôn này hoàn toàn làm theo nhịp Việt lẻ – chẵn. Như chúng tôi đã trình bày trong bài viết về thơ Tố Hữu, nhịp ta có một phong cách sôi nổi khác hẳn nhịp Tàu chẵn – lẻ cơ bản là đằm).

Hỏi: Trong thời kỳ này, Chế Lan Viên viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Đáp: Vâng. Nghĩ về đánh giặc, làm sao khỏi nhớ cái người là tinh thần của cuộc trường kỳ kháng chiến ngay cả sau khi qua đời. Đọc những bài thơ về Hồ Chủ tịch của Chế Lan Viên, chúng tôi rất thích hai câu này: “Chẳng phải lật sách nào ra tìm hiểu Bác” (“Bác”) và “Người trong veo mà ta chưa giản dị được trong lòng” (“Ta nhận vào ta phẩm chất của Người”). Thật may mắn cho dân tộc, bao nhiêu tinh hoa của truyền thống chính trị Á Đông đã tụ lại ở đúng một cá nhân đúng lúc. Cái “phẩm chất” của “người lãnh tụ thiên tài” nó tưởng như không có gì, mà thực ra vô cùng hiếm. Trong bài kết thúc thơ kháng chiến của Chế Lan Viên, giữa hân hoan tột độ: “Đêm nay sao sáng khắp các tầng trời cao thấp / Sao trên trời và sao dưới đất / (...) / Tôi muốn bay lên cao nhìn xuống non sông cho thỏa mắt / Từ Mục Nam Quan đến Cà Mau tít tắp / (...) / Tiếng đại bác cuối cùng. Và thời đại sang xuân”, có một hình ảnh Bác thật cảm động: “Sài Gòn! Cuộc chiến đấu 30 năm, 116 năm giờ kết thúc / (...) / Cả đất nước ùa reo nửa mừng nửa khóc / Mỗi chúng ta rưng rưng như chợt thấy Bác Hồ / Kìa tiếng chuông reo trên nhà sàn của Bác / (...) / Kìa Bác đang xuống nhà sàn từng bước gấp / (...) / Bác đi giữa cháu con, sông núi đang chờ…”.

Hỏi: Vẫn trong thời kỳ 1961-1975, Chế Lan Viên đã làm những bài thơ có nội dung trước đó ông coi như chưa từng đem ra làm đề tài sáng tác, như tình yêu, tuổi thơ, trải nghiệm sống v.v.

Đáp: Đúng vậy. Và ông cũng bắt đầu nghĩ về thơ thành thơ. Chúng tôi sẽ trở lại tất cả những bài này sau. Bây giờ xin được tiếp tục xuôi dòng thời gian, bàn qua thời kỳ hậu chiến.

Có lẽ dễ tưởng rằng tiếng súng im thì tiếng thơ về tiếng súng cũng bặt. Nhưng mà không. Trong thơ Chế Lan Viên, cuộc kháng chiến 30 năm tiếp tục vang lên thành những vần đầy xúc động. Điện Biên Phủ đã xa lắm rồi, thế mà vẫn còn vang rõ: “Mỗi đêm một tiểu đội để xương thịt mình trong ruột đất / Cho sáng ra chiến hào từng thước nhích dần lên / Làm nên chiến thắng có tiếng hát vang trời các giàn đại bác / Lại có im lìm của tiếng cuốc chim” (“Tiếng cuốc chim ở Điện Biên”)! Từ đâu đó Trường Sơn, vọng về mồn một: “Trong hầm sâu không có một ngọn đèn soi mặt nhưng các cô nhớ từng vết thương / Không thuốc, không bông băng rồi, và nghìn trùng xa cách hậu phương / (…) / Cân với tiếng bom gần và pháo cấp tập bên ngoài, chả lẽ ôm mặt khóc? / Các cô gái đến bên từng giường, vuốt ve từng bàn tay, khuôn mặt / Và nhớ lại giọng dân ca quê mùa, các cô hát / Chúng ta đang đánh giặc mà! Ðâu chịu vô phương!” (“Vô phương”)…

Nhưng từ thời khói lửa không chỉ có dư âm của các thứ tiếng động ở chiến trường. Đây vẳng lại từ một “Đêm hò từ tạ”: “(…) / Ở ngoài khơi tàu đổ bộ rập rình / Còn phút này em ở bên anh / Lấy tiếng hát câu hò từ tạ / Gửi trời cao bể rộng mông mênh / (…) / Tiếng hò lên vời vợi giữa sao khuya / Hò nữa đi em, mai chiến trận rồi! / Hò một đêm, nghe suốt một đời / (…)”. Đây tiếng vang của “một cái hôn thôi”: “Ở đất nước chia ly thường trực / Chia ly là số phận mọi người / Kỷ niệm có gì? Một cái hôn thôi / (…) / Một hạt tấm con, no suốt một đời / Chút thương nhớ giắt bên mình cùng súng đạn / Vượt bể dữ tháng ngày bằng một lá thuyền thoi / (…)” (“Kỷ niệm có gì?”). Đây hồi quang của một “ngọn đèn” từng cháy suốt hàng chục năm trời: “(…) / Sáng ra mặt quay về phía chiến trường / Ðêm đối diện ngọn đèn hạt đỗ / (…) / Ngọn đèn / Vặn thầm đi cho dễ ngủ / Ngọn đèn / Vặn to lên xua nỗi nhớ / (…) / Trận tuyến của lòng đôi khi muốn vỡ / Khi mùa về chim gọi nôn nao / Khi làng xóm râm ran đôi lứa / Khi trời bỗng sầm mây và trở gió / Khi nắng quái chiều hôm tan buổi chợ / (…) / Gác tay lên trán / Không để mặt trận này núng thế / Rót dầu thêm / Chị khêu lại ngọn đèn / Cháy rực ngọn lửa hồng chung thủy / Mặt trận phía sau này, chị vẫn giữ y nguyên” (“Người yêu ở Việt Nam”). Và đây dư âm một nỗi “Nhớ ở rừng”: “Anh nhớ em rừng giang rừng cọ / Tiếng cọp gầm, mang tác thường xuyên / Rừng thay lá, không thay nỗi nhớ / Lá rụng cành, nỗi nhớ chồi lên / Anh nhớ em rừng khộp rừng lim / Nhớ gì lắm cho phong lan nở / (…) / Ôi! Nỗi nhớ như quăng mồi lửa / Chỗ cháy rừng nhớ ngún tro thêm / Ôi, nỗi nhớ giăng mùa nước lũ / Bốn bên rừng ngập nhớ vì em / Mười năm giữ Trường Sơn thế đó / Chống bom ngày và chống nhớ đêm đêm”.

Hỏi: Quá khứ không thể nào quên. Nhưng ngay sau thống nhất có những thực tế cũng đòi được hóa vần…

Đáp: Quả vậy. Đại sự bây giờ khác, nhưng to không hề kém việc đánh giặc dữ. Làm sao đây để nhanh chóng hiện đại hóa, công thương hóa kinh tế nước khi dân tộc ta chỉ có truyền thống nông nghiệp? Và làm làm sao khi vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, tiêu diệt bọn Pôn Pốt, giữ biên cương phía bắc, vừa bị Mỹ cấm vận? Việc nước đang cực kỳ lúng túng, giặc nghèo quậy mạnh khắp nơi, thế mà một số không ít cán bộ lại thoái hóa nghiêm trọng, thử hỏi cái người mà Tô Hoài có lần nhận xét “vốn trực tính (…) khi trò chuyện thì ai cũng hồi hộp, chờ đợi một câu anh nói, một ý gì đó thế nào cũng khác thường”, người ấy làm sao khỏi viết đôi ba bài thơ có nội dung hơi lạ. Nói thẳng thì “có kẻ thích người ghét, người lợi dụng”.(9) Rút cuộc, điều quan trọng là đối với chính nghĩa, Chế Lan Viên chẳng hề mảy may dao động: “Những cuộc cãi cọ giữa chân lý và bọn cầm cờ trắng cờ đen nghiêng ngả / Giữa những người lên chiến hào và kẻ tụt lại sau / Giữa mặt trời lên và các ngôi sao chết / Giữa cờ đỏ thiêng liêng và những kẻ đổi màu” (“Tranh luận”, 1987).

Hỏi: Thơ hậu chiến của Chế Lan Viên khoảng 650 bài. Những bài dư âm thời chiến rất hay nhưng không nhiều lắm, những bài cảm nghĩ thời sự (kể cả thời sự trong thơ, như “Thi pháp ồn”) chẳng bao nhiêu. Đại đa số thơ ông thời kỳ này “chở” những gì?

Đáp: Ngoài những nội dung mới xuất hiện trong giai đoạn 1961-1975 đã nêu ở trên, ta thấy sự trở lại của ám ảnh siêu hình tiền chiến. Do giới hạn chiều dài bài viết, chúng tôi sẽ bàn kỹ về những bài “thơ triết, thơ thơ, thơ tình” mà Chế Lan Viên sáng tác từ khoảng 1961 đến cuối đời trong một bài viết riêng, ở đây xin chỉ đưa ra vài nhận định vắn tắt. Chế Lan Viên nổi tiếng hay nghĩ. Ông nghĩ say sưa đến nỗi như thể cố bù cho hàng bao nhiêu thế kỷ văn thi nhân Việt Nam đã tập trung vào cảm. Khi hướng về đời người, Chế Lan Viên không than thở nhân tình thế thái mà tập trung suy ngẫm ý nghĩa triết lý của tồn tại. Khi trông ra cõi không thể thấy, Chế Lan Viên bây giờ càng ưa vận dụng kiến thức khoa học về vũ trụ... Nhưng đối tượng trầm tư chủ yếu của Chế Lan Viên chính là cái mà ông ngày đêm sáng tạo. Thật thú vị, bao nhiêu những cách nhìn thơ! Và dĩ nhiên cũng thật thú vị, cái việc bao nhiêu suy nghĩ miên man từ triết đến thơ ấy đều được hóa thơ! Sau cùng, nghĩ nhiều ơi là nhiều như thế, nhưng thực ra đó lại hoàn toàn không phải là một con người khô khan. Những bài thơ tình cảm của Chế Lan Viên xuất hiện muộn, khi thi sĩ đã ngoại tứ tuần, có lẽ như một sự ngạc nhiên. Cũng đáng ngạc nhiên là, ngược hẳn với đại đa số thơ ông, tất cả những bài ấy đều có giọng rất đằm. Đằm và thắm, chứ không hề nhàn nhạt. Chỉ hơi ẩm một chút thôi nhưng mà thấm, trong khi thơ đầm đìa (của người khác) dễ dàng trôi tuột mất ngoài da! Vần chứa cảm xúc riêng tư của Chế Lan Viên có khi mơ hồ, bâng quơ, mà rất gợi!

Hỏi: Về hình thức, thơ Chế Lan Viên từ sau 1947 đã diễn biến như thế nào?

Đáp: Có lẽ ta nên thống kê luôn từ Điêu tàn đến Di cảo 3. Tổng số bài là 1014, gồm 20 bài lục bát, 3 bài song thất lục bát, 7 bài bốn chữ, 15 bài sáu chữ, 93 bài bảy chữ, 134 bài năm chữ, với 742 bài còn lại là những bài tám chữ, biến thể của tám chữ, thơ trộn lối, thơ tự do; trong những bài thơ tự do, có câu dài đến 31 chữ, có câu ngắn chỉ một chữ. Về độ dài của bài, có bài dài 316 câu (“Thời sự hè 72, bình luận”), có bài chỉ hai câu (“Gần hết đêm”); đặc biệt, có gần 400 bài “tứ tuyệt”. Thường hễ thơ bốn câu thì hoặc năm chữ hoặc bảy chữ, nhưng “tứ tuyệt” Chế Lan Viên có thể là sáu chữ, tám chữ, hay mười ba mười bốn chữ, dài ngắn so le!

Vì nếu trình bày tỉ mỉ diễn biến thay đổi hình thức trong thơ Chế Lan Viên thì bài viết sẽ quá dài, chúng tôi xin chỉ nói đại khái. Về lối năm chữ và lối bảy chữ, thì cũng như Tố Hữu, Chế Lan Viên có nhiều bài chứa một số câu nhịp Việt lẻ - chẵn, vài bài toàn câu nhịp Việt. Về thơ trộn lối, Chế Lan Viên làm ít hơn Tố Hữu và thường đó là những bài ngắn, chẳng hạn 4 câu sáu rồi 4 câu năm. Về lối tám chữ biến thể, ta hay thấy những bài chứa nhiều câu rất dài. Về thơ tự do, Chế Lan Viên duy trì “kỷ luật” vần và, như điển hình, đã đem luôn những nhận xét của mình về vai trò của vần trong thơ ra làm đề tài sáng tác. Thơ tự do chiếm tỉ lệ rất cao trong ba tập Di cảo, mà nội dung chính của Di cảo là nghĩ ngợi về đủ thứ đề tài, chắc Chế Lan Viên thấy thơ tự do hợp với suy tưởng miên man…

Hỏi: Thi nghiệp Chế Lan Viên, bây giờ ta nên nhìn nó ra sao?

Đáp: Chúng tôi thấy mỗi cõi thơ giống như một vườn hoa. Có vườn bé, vườn lớn. Vườn ít loại hoa, vườn nhiều loại hoa. “Viên Tĩnh Viên” là một vườn mênh mông với nhiều loài hoa hơn bất cứ vườn hoa nào khác trong lịch sử thi ca Việt Nam. Loài hoa đầu tiên nở ở đây mang màu sắc u ám và tỏa mùi… tử khí, loài kế tiếp sắc hương nhẹ nhõm hơn nhưng xa cách trần gian. Được hơn mười năm, do cơ duyên lịch sử, trong vườn bắt đầu nở một loài hoa mới bừng bừng sinh khí. Lại hơn mười năm nữa, bắt đầu xuất hiện thêm một số loài hoa mới khác, để rút cuộc khu vườn ấy có thật nhiều chọn lựa cho khách yêu hoa. Khách có thể cứ quanh quẩn một chỗ ngắm ngửi mãi thứ sắc hương mình thích, có thể đi dạo quanh vườn, trầm trồ những đóa đại nghĩa cao cả một lúc rồi chuyển bước sang thăm những luống hoa “tiểu sự”, thưởng thức mùi thương nhớ riêng tư, rồi chuyển nữa vào các khu vực hoa trầm tư nghệ thuật, trăn trở nhân sinh, băn khoăn vũ trụ... Nếu đứng ở những nơi ấy lâu, thấy đầu hơi nặng lòng hơi khô, khách có thể trở gót hít lại chút hương tình riêng cho nhẹ tươi trước khi bước tiếp... Xin hãy bước, chứ đừng “cưỡi ngựa”!

Thăm hoa nhớ kẻ trồng hoa”. Có nhiều người bảo Chế Lan Viên là một thi sĩ thiên tài. Sao lại không? Và trong số những thiên tài của cái “nước thơ” là Việt Nam ta, ông có một đức tính nổi bật, là đức cần cù. Một thiên tài cần cù, thiết tưởng bất cứ thứ hoạt động gì cũng chỉ mong thỉnh thoảng có được một người theo đuổi quý hóa như thế!



Thu Tứ
Tháng 2-2019

















________
Bài viết chỉ lấy dạng một bài phỏng vấn, hỏi và đáp đều là chính tác giả.
(1) Trong di cảo có 3 bài làm thời 37-47. Chúng tôi đếm 3 bài này vào thơ thời ấy và bớt trong di cảo. Trong di cảo cũng có những bài làm trong thời kháng chiến, không biết tại sao không in vào các thi tập thời ấy. Về
Di cảo (2)Di cảo (3), nhà xuất bản ghi thơ đây mới là “phác thảo”.
(2) Hoài Thanh,
Thi nhân Việt Nam, Hà Nội, 1942.
(3) CLV có vài bài “Chiêm quốc” không in vào
Điêu tàn, nhưng tất cả đều làm trong khoảng 1936-1937.
(4) Nguyễn Xuân Nam, trong
Chế Lan Viên – Tuyển tập I, nxb. Văn Học, 1985.
(5) Tên Chế Lan Viên đặt cho khu vườn nhà mình.
(6)
Chế Lan Viên – Tuyển tập I, nxb. Văn Học, 1985.
(7) Đây là bài “Ngoảnh lại mười lăm năm”.
(8) Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.
(9) Tô Hoài,
Bút ký, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.