Sao bài viết về “hoa cúng” mà lại in vào sách về “thú ăn chơi”?

Vì hoa ấy trước cúng sau chơi? À, mà có khi trước cúng cũng đã chơi rồi, khi đi “chợ hoa đêm”, đi trong “sương bay trắng”, trong “hương hoa thơm ngát từ ngõ này sang ngõ khác”, khi sáng sớm mở cửa thấy gói hoa ướp sương treo lủng lẳng trước nhà...

Nhớ trong một truyện ngắn của Thạch Lam, nhân vật chính dậy sớm, ra vườn cắt hoa đem vào đặt lên đĩa trên bàn thờ...

Cái lối cúng hoa, chơi hoa của ta giản dị mà đẹp. Nghe Băng Sơn kể, muốn được cầm tận tay một gói hoa gói bằng lá dong bồ tát, mà không biết có còn không?
(Thu Tứ)



Băng Sơn, “Hoa cúng”




Cái bàn thờ trong mỗi gia đình, nơi vọng nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất (...) bao giờ cũng có một bát hương, chén nước và một đĩa hoa.

Ðĩa hoa cúng thường có nhiều loại hoa, những bông hoa rời, đặt trên cái đĩa nhỏ, khô, sạch. Có thể là bông huệ trắng muốt thơm ngát, một bông ngọc lan thơm nồng, một nhánh hoàng lan mềm mại, hương phảng phất. Cũng có khi một nhánh hoa sói, một bông hoa cúc bán khai, một đóa thược dược, một nhánh cúc bách nhật khô cứng, đôi khi vào mùa ít hoa, còn thấy có cả một bông hoa mào gà nữa... Tùy theo mùa, theo thời tiết mà đĩa hoa cúng đầy hay vơi, có thứ này thứ nọ.

Chợ làng Ngọc Hà, cứ hai ba giờ đêm đã họp, họp trong sương mát, trong ánh những ngọn đèn dầu di động theo bước chân người, họp trong tiếng trao đổi lầm rầm, trong hương hoa thơm ngát từ ngõ này sang ngõ khác. Nhà thơ Vân Long có câu thơ rất hay:

“Yêu sao Hà Nội sương bay trắng
Buổi chợ hoa đêm đất Ngọc Hà...”

Những người buôn hoa cũng thường mua cả rổ, cả mớ, về phân loại, gói thành từng gói sẵn, hoặc mang vào phố, ai mua mới gói.

Gói hoa, thường dùng lá bồ tát, một loại lá dong, màu lá mạ, thường trồng ven rào. Thiếu mới dùng lá chuối. Cái lạt bó hoa cũng tước thật mảnh, chỉ nhỉnh hơn sợi chỉ, buộc hững hờ cho hoa khỏi nát, cánh hoa cứ lồng khồng tinh khiết, tươi nguyên. Sợi lạt còn thắt nút thành tay cầm.

Nhiều năm trước có những bà chuyên bán hoa cúng. Sáng sớm đi dọc các phố, treo gói hoa cúng vào cái đinh đóng sẵn nơi cửa. Chủ nhà khi mở cửa đã thấy gói hoa còn ướt sương đêm, tươi rói, mát lạnh. Cuối tháng bà hàng hoa mới đi lấy tiền một loạt một lần.

Rằm, mùng một, hoa cúng cần nhiều hơn. Cái làn đi chợ, ngoài thức ăn, còn toòng teng một gói hoa cúng, một thẻ hương...

Hoa cúng khi cúng xong, ít gia đình dẹp đi, thường thì cứ để khô giống như chân hương ở bát hương, đầy lên càng tốt, không bỏ. Ðến lần cúng sau, thay hoa mới, người ta mới bỏ hoa cũ.

Những gia đình có người mất, cúng đủ trăm ngày thì cũng phải có đủ trăm đĩa hoa cúng, sáng nào cũng thay hoa mới (...)


(Băng Sơn, “Hoa cúng”,
Thú ăn chơi người Hà Nội)