Lý tưởng thì tổng khởi nghĩa trước. Nhưng thực tế hơn là tổng công kích trước cho địch mất sức và mất tinh thần đã… (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Nên tổng công kích trước”




Trong thời gian này, theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh, Tổ trung tâm khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung bản dự thảo “Đề cương kế hoạch chiến lược” đầu tiên (…) Dựa vào ý kiến của đồng chí Bí thư thứ nhất trong những ngày chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ 21, thường nhấn mạnh khả năng phát động tổng khởi nghĩa kết hợp với tổng công kích, lấy địa bàn chủ yếu là thành thị để giải phóng Miền Nam, ngày 16 tháng 7 năm 1973, bản dự thảo lần thứ hai (…) được trình lên (…) Một tháng sau, ngày 15 tháng 8 năm 1973 (…) bản dự thảo lần thứ ba (được hoàn thành) dự kiến tình huống dẫn đến tổng khởi nghĩa và thời cơ tổng khởi nghĩa, đề ra các biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp chính trị - quân sự của ta để tiến hành tổng khởi nghĩa, tổng công kích, lấy phát động quần chúng tổng khởi nghĩa làm khâu chủ yếu nhất, trọng điểm số 1 là Sài Gòn.

Thời cơ đã đến gần. Nhưng giành thắng lợi bằng cách nào, đó là điều không đơn giản.

Tôi chỉ thị Tổ trung tâm sưu tầm, báo cáo kinh nghiệm kết thúc cuộc chiến tranh giữ nước của nhân dân Liên Xô, cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc, và giai đoạn cuối cùng của một số cuộc chiến tranh khác (…) Liên hệ với tình hình Miền Nam nước ta, tôi thấy không thể đặt tổng khởi nghĩa lên đầu, mà tất yếu phải có những trận tiến công lớn, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tạo điều kiện đánh vào thành phố, vào sào huyệt chủ yếu của địch kết hợp chặt chẽ với nổi dậy của quần chúng (…) Nhiều lần, tôi trao đổi về vấn đề này với đồng chí Bí thư thứ nhất. Cuối cùng, anh Ba đồng ý (…)

Tổ trung tâm tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh đề cương kế hoạch chiến lược theo phương hướng đó (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1182-1183. Nhan đề phần trích tạm đặt. In đỏ đậm là do người trích.)