Thì vẫn trăng, trời, sông nước, đang bình thường bỗng từ một hôm trăng hóa đẹp não nùng, trời hóa xanh tê tái, sông nước hóa lạnh đìu hiu khiến lòng người đa cảm như Vũ Bằng bỗng se sắt, bâng khuâng.

Ông Vũ bâng khuâng một lúc với trà, có thể với cả cốm Vòng, rồi ông bắt đầu đi chơi, “để hưởng cái đẹp bàng bạc trong khắp trời cây mây nước”. Ông đi dạo loanh quanh trong 36 phố phường với các bạn trai cũng có, nhưng ông thích nhất là đi chơi với vợ, buổi chiều, ở ngoại ô.

Nghe ông Vũ kể chuyện “chơi giữa mùa trăng”(1), có lúc ta dễ liên tưởng đến Hàn Mặc Tử: “... đi vào trong ánh trăng lúc ấy cảm thấy mình đi ở trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê ly thần thoại. Lắng tai nghe thật kỹ, đâu đây có cái gì rung động như cánh của những con bướm mới ra giàng (...) Mà ở đâu đây có cái hương thơm gì dìu dịu thế?” Ta tưởng sắp được "ngửi" cái hương trăng kỳ lạ trong những bài thơ trăng kỳ lạ của Hàn, nhưng không phải đâu: “À, đấy là hương lúa ba giăng, mà tiếng rung động nhè nhẹ kia chính là tiếng ân tình nhỏ bé của những bông thóc thơm thơm ngã vào lòng nhau để tìm sự ấm áp trước ngọn gió vàng hiu hắt.”!(2)

Với Vũ Bằng, trăng thu đẹp mê ly, thậm chí “huyền diệu”, nhưng không bao giờ thực xa cách cõi người, như với Hàn Mặc Tử. Trăng của Hàn tuy soi xuống trần gian nhưng không lìa nơi “ánh sáng muôn năm”(3), còn trăng của Vũ gần ta lắm: trăng ưa “cài trên tóc ngoan (...) của (...) tre”, ưa “thơm môi mời đón của (...) sông”, ưa “ôm lấy những bộ ngực xanh của (...) đồi ban đêm ngào ngạt mùi sim chín”, ưa lẳng nhẳng theo chân gái “tuyết trinh”, ưa lẻn vào “phòng the của người cô phụ”...

Cùng “trăng sáng quá, em ơi” (hoặc chị ơi), mà trăng Hàn thực thực hư hư, trăng Vũ thực ơi là thực!

(Thu Tứ)

(1)
Chơi giữa mùa trăng là tên một bài văn xuôi nổi tiếng của Hàn Mặc Tử.
(2) Có chỗ Vũ Bằng viết “Trăng dãi trên đường thơm thơm”, nghe cũng lại tưởng là hương của chính trăng, nhưng xét toàn văn cảnh thì thấy chắc đây vẫn chỉ là mùi thơm của một thứ gì ở ngay trần gian thôi, như lúa ba giăng.
(3) Xem
CGMT.




Vũ Bằng, “Tháng tám (...)”


(Trích từ chương “Tháng tám, ngô đồng nhất diệp lạc,
thiên hạ cộng tri thu” trong tập
Thương nhớ mười hai
của Vũ Bằng. Nhan đề phần trích do người chọn tạm đặt.)


(...) Mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi, ta buồn da diết khi nghĩ đến kiếp chúng sinh hệ lụy trong biển trầm luân, nhưng ta không thể không cảm ơn Trời Phật đã cho người Bắc đau khổ triền miên một mùa thu xanh mơ mộng diễm tình đến thế. Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống.

Quái lạ là cái mùa kỳ diệu: tự nhiên trời chỉ đổi màu, gió chỉ thay chiều làm rụng một cái lá ngô đồng, thế là bao nhiêu cảnh vật đều nhuộm một màu tê tái, làm cho lòng người đa cảm tự nhiên thấy se sắt, tư lường. Thế là trời đất cỏ cây tự nhiên hiện ra dưới một lăng kính mới: trăng sáng đẹp là thế cũng hóa ra buồn, trời bát ngát yêu thương như thế mà cũng hóa ra tê tái, sông nước đẹp mông mênh như thế mà cũng hóa ra đìu hiu lạnh.

Ngay đến cái thân mình, bình thường chẳng làm sao, vậy mà không hiểu cơn cớ nào thấy gió thu về xào xạc ngoài hiên mình cũng tự nhiên thấy thương cho thân thế và bâng khuâng buồn nhớ. Nhớ cái gì, buồn cái gì, không rõ rệt. Chính vào lúc bóng tối chưa tan, người vợ thấy chồng chong một ngọn đèn con lên pha trà uống một mình và khe khẽ ngâm thơ cũng không hiểu tại sao chồng lại bâng khuâng như vậy:

“Trăng tà con quạ kêu sương,
Lửa chài le lói, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.”


Chính thực ra, nghe thấy gió thu đuổi lá chạy ở rặng cây ngoài vườn, người vợ cũng bâng khuâng nhưng chính mình không biết đó thôi.

Lúc ấy, muốn chiều chồng cách gì đi nữa thì cái buồn vô căn cớ của người chồng cũng không thể nào giải được. Những cuộc biệt ly, những ngày thất thế, bao nhiêu cuộc ân tình ngang trái, bao nhiêu mộng ước không thành, bao nhiêu cuộc phù trầm cay đắng của những ngày xa thật là xa, tưởng đâu như ở một tiền kiếp đã lu mờ, tự nhiên trở lại như vang như bóng, ẩn ẩn hiện hiện trong khúc ngâm cảm khái của Bạch Cư Dị buộc ngựa vào gốc ngô đồng trèo lên trên một cái chòi uống rượu với đám ca nhi lạc phách.

“Bóng đâu trong sáng vô ngần,
Sầu thêm giận đắp cõi trần khắp nơi,
Ðóng lâu đồn thú kìa ai,
Biệt ly buổi mới đâu người trước sân.
Canh khuya ai đó phi tần,
Vua không yêu nữa tần ngần về cung.
Biên thành thế thủ không xong,
Bạc đầu ông tướng thong dong lên chòi.
Soi cho đứt ruột bao người,
Thiềm thừ, Ngọc Thỏ trên đời biết chi!”


Cái buồn mùa thu lê thê, cái buồn mùa thu tê mê, cái buồn mùa thu não nề nhưng không ray rứt đến mức làm cho người ta chán sống. Ấy là vì gió thu buồn, nhưng trời thu lại đẹp, đẹp nhất là trăng thu, đẹp đến nỗi làm cho người ta buồn nhưng vẫn cứ muốn sống, để hưởng cái đẹp bàng bạc trong khắp trời cây mây nước - nếu chết đi thì uổng quá.

Trong một năm, không có mùa nào trăng lại sáng và đẹp như trăng thu. Từ thượng tuần tháng tám, nhìn lên cao, nhà thi sĩ thấy cả một bầu trời phẳng lì mà xanh ngắt, không có một đám mây làm vẩn đục làn ánh sáng mơ hồ của trăng tỏa ra khắp cả nội cỏ đồi cây, chân sim bóng đá, nhưng từ rằm trở đi thì ánh trăng mới thực lung linh kỳ ảo. Vợ chồng dắt nhau đi vào trong ánh trăng lúc ấy cảm thấy mình đi ở trên trần mà dường như có cánh ở dưới chân, không bước mà có cái gì đẩy chân đi nhè nhẹ vào trong cõi mê ly thần thoại. Lắng tai nghe thật kỹ, đâu đây có cái gì rung động như cánh của những con bướm mới ra giàng.

Mà ở đâu đây có cái hương thơm gì dìu dịu thế? À, đấy là hương lúa ba giăng, mà tiếng rung động nhè nhẹ kia chính là tiếng ân tình nhỏ bé của những bông thóc thơm thơm ngã vào lòng nhau để tìm sự ấm áp trước ngọn gió vàng hiu hắt.

Mùa hồng lúc này đã rộ, bưởi cũng đã nhiều, nhưng thơm ngọt ngào mùi đất nước quê hương, đố có cái gì sánh được với cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc ngon lừ.

Ði trên những con đường nóng bỏng của trời tháng tám miền Nam bây giờ, tôi nhớ gì là nhớ đến những buổi sáng mùa thu mẹ mua cho một mẻ cốm giót ăn lót lòng buổi sáng trước khi đi học, rồi đến khi có vợ có con thì vợ biết tính chồng, thường dặn những người gánh cốm ở Vòng lên bán, thế nào cũng giữ cho những mẻ cốm thật ngon, đem nén rồi đơm vào những cái đĩa con phượng để chồng ngồi nhẩn nha xắt ra từng miếng nhỏ, vừa ăn vừa nhấm nháp nước trà sen thơm ngát.



Những ngày như thế, trời vào buổi trưa sáng mờ mờ như lọc qua một dải lượt nõn nường. Có người thấy trời đẹp nõn nường như thế cảm thấy rạo rực không ngủ được. Tôi nhớ có nhiều khi giữa buổi trưa, có những anh bạn gõ cửa vào ngồi đòi uống rượu “nhắm với bất cứ cái gì cũng được”. Gió đập vào lá cây hoàng lan trồng ở giữa sân kêu rào rào. Một vài cánh hoa tim ở trên giàn hoa rơi vào trong chén rượu: anh em uống cả hoa và cứ như thế uống cho đến xế chiều rồi tất cả dắt nhau đi - lang thang bất cứ đâu, vì tuy rằng không ai nói ra lời, nhưng ai cũng cảm thấy trong sâu thẳm cõi lòng rằng gặp những ngày trời đất thế này mà không đi ra ngoài thì uổng quá. Ði quanh Hồ Gươm nhìn lên cây gạo ở Ngõ Hồ nghe những con sếu báo tin rét sắp về; đi lên Ngọc Hà ở đằng sau Bách Thú xem hoa và tán tỉnh chuyện tầm phơ với mấy cô nàng trắng ngà trong ngọc; đi ra Nghi Tàm mua mấy cây thế rồi rẽ ra ngõ Quảng Lạc tìm nhà một ông bạn già để ngắm lại cái tượng “Mạnh Mẫu gánh sách cho con đi học”... đi như thế trong một bầu không khí vừa vừa lạnh, hiu hiu gió, biêng biếc sầu, kể đã là thú đấy; nhưng chưa thấm với cái thú của người đàn ông được vợ chiều, vào buổi tà huân dắt tay vợ đi chơi ở ngoại ô nhìn trăng dãi trên ruộng lúa và nghe tiếng hát trống quân theo gió vàng heo hút ở làng bên kia sông vọng lại.

Trăng sáng quá, em ơi, cứ đi như thế này, cả đêm không biết chán. Trăng dãi trên đường thơm thơm; trăng cài trên tóc ngoan ngoan của những khóm tre xào xạc; trăng thơm môi mời đón của dòng sông chảy êm đềm; trăng ôm lấy những bộ ngực xanh của những trái đồi ban đêm ngào ngạt mùi sim chín... trăng ơi, sao trăng khéo đa tình, cứ đi hoài theo chân cô gái tuyết trinh và lẻn cả vào phòng the của người cô phụ lay động lá màn trích ảnh?

Lúc ấy, đứng dừng lại nhìn vào mắt vợ thì trong mắt vợ mình cũng thấy có trăng, có trăng cả ở toàn thân, mặc quần áo mà như là khỏa thân, chạm mạnh vào thì vỡ. Tự nhiên mình có cảm giác trăng ở trong lòng mình cũng lung linh một thứ ánh sáng xanh màu huyền diệu, thắm hoa hương, làm cho cả tâm óc chơi vơi, rung động (...)