“Đại đội thanh niên xung phong 915”




Tháng 4 năm 1972, giới cầm quyền Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân trên toàn miền Bắc nước ta với mức độ, quy mô ngày càng tăng, gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Tháng 6/1972, Mỹ huy động máy bay, tàu chiến thả 13.000 quả thủy lôi và nhiều bom từ trường xuống 43 khu vực cửa sông, bến cảng thuộc 10 tỉnh, thành phố trên miền Bắc. Cảng Hải Phòng và nhiều cửa sông, bến cảng khác của miền Bắc bị phong tỏa. Việc vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh và các loại hàng hoá thiết yếu khác do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta theo đường biển hoàn toàn bị ngưng trệ. Trước tình hình đó, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái hai nhiệm vụ: Một là, tiếp nhận hàng (chủ yếu là lương thực và hàng hóa quốc phòng) từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Bắc chuyển về theo quốc lộ 3, quốc lộ 1B và đường sắt Kép - Lưu Xá; khối lượng vận chuyển mỗi tháng từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn, vừa để dự trữ, vừa để tiếp chuyển cho các chiến trường và các tỉnh trong khu vực. Hai là, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống trên các trục đường giao thông, đặc biệt trên các trục giao thông huyết mạch quốc lộ 3, quốc lộ 1B và các đường sắt Kép - Lưu Xá, Quán Triều - Hà Nội.

Ga Lưu Xá và ga Quán Triều (thành phố Thái Nguyên) trở thành “cảng cạn” của miền Bắc, mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn tấn lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng để từ đó tiếp tục chuyển đi chi viện cho các nơi. Vì vậy, Thái Nguyên trở thành một trong những địa bàn đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ (…)

Đại đội thanh niên xung phong 915 do ban chỉ huy Đội 91 Bắc Thái thành lập tháng 6 năm 1972, gồm 102 cán bộ, đội viên, chủ yếu là nữ thanh niên dân tộc ít người thuộc tám huyện Chợ Rã, Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn), Đồng Hỷ, Phổ Yên, Đại Từ và Phú Bình (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), tất cả đều trong lứa tuổi từ 17 đến 25 (…)

Ngày 13/9/1972, trong khi đang sửa chữa, nâng cấp một đoạn đường 16A, đại đội 915 đã bị máy bay Mỹ đến ném bom, khiến hàng chục người thương vong. Chẳng những không hoang mang, toàn đội còn khắc sâu thêm lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược, tiếp tục kiên cường bám đường, bám cầu, đảm bảo giao thông vận tải kịp thời thông suốt.

Ngày 23/12/1972, đại đội 915 được giao nhiệm vụ cử 60 cán bộ, đội viên xuống ga Lưu Xá cùng các lực lượng khác cấp tốc giải tỏa hàng hoá ở các kho (…) Biết rõ ga Lưu Xá là “túi bom”, nhưng mọi người đều hăng hái xung phong (…) chỉ huy đại đội đành phải chấp thuận cho 66 đồng chí tham gia, vượt chỉ tiêu trên giao (…)

Sáng sớm ngày 24/12/1972 (…) 66 cán bộ, đội viên đại đội 915 đã có mặt tại ga (…) Chập tối, số hàng hoá ở ga cơ bản đã giải toả xong, đơn vị sắp sửa ăn cơm thì còi báo động rú lên, cùng lúc tiếng loa phóng thanh dồn dập thông báo: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay Mỹ đang bay vào thành phố Thái Nguyên”. Toàn thể cán bộ và đội viên đại đội 915 rút vào hai hầm trú ẩn: một hầm hình chữ U xây bằng gạch, nắp đậy bằng bê-tông chắc chắn, một hầm kèo chữ A làm bằng tre, gỗ (…)

Bom từ những chiếc B-52 bắt đầu trút xuống (…) Một loạt rơi xuống khu vực có hầm (…) Một quả rơi trúng một đầu hầm chữ U, nơi trú ẩn của phần đông TNXP. Liền lúc đó, một quả bom khác lại rơi trúng đầu hầm bên kia, làm sập cả căn hầm chữ A bên cạnh. Khi còi báo yên (…) các lực lượng địa phương tập trung đào bới, tìm cứu những người bị vùi lấp (…) Thi thể một số TNXP không còn nguyên vẹn, vương vãi khắp nơi, có bàn chân, bàn tay nằm trên nóc nhà, cành cây, có người phải khó khăn lắm đồng đội mới nhận ra được bởi khuôn mặt bị dập nát. Tại căn hầm bị sập, mấy chục đội viên chết do bị ngạt thở, một số trong tư thế người nọ ôm người kia, liền nhau thành một khối (…) Những trái bom của đế quốc Mỹ đã cướp đi tổng cộng 62 sinh mạng (…)

Đại đội thanh niên xung phong 915 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.


(Lược trích bài viết “Những dấu ấn về đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái” của Thu Hương, đăng trên trang
thainguyentv.vn ngày 12/12/2018)