Đại khái, sau Hiệp định Pa-ri, ta đã cân nhắc đi cân nhắc lại ưu tiên giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Rút cuộc, hành động phá hoại Hiệp định của địch và thực tế thế và lực của ta mạnh hơn bao giờ hết đã khiến ta quyết định tập trung dùng bạo lực để thống nhất đất nước. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Thế và lực mạnh nhất từ 1954”




Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 vào tháng 6 năm 1973 (…)

(Để chuẩn bị cho Hội nghị) Tôi tập trung suy nghĩ về các vấn đề chiến lược trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh (…) Việc đầu tiên tôi nghĩ tới là mời các đồng chí trong đoàn cán bộ B2 đến trao đổi, làm việc (…) Các anh ở B2 dự đoán sắp tới, trọng điểm bình định của địch sẽ là đồng bằng sông Cửu Long (…) Tôi chăm chú lắng nghe (rồi quyết định) trước mắt bổ sung ngay cho chiến trường B2 17.000 quân chiến đấu (…)

Đánh giá tình hình địch, có thể thấy chỗ mạnh của chúng là quân số còn cao, lại được Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế (…) Chúng còn kiểm soát được những địa bàn đông dân, nhiều của (và) nhiều trục đường giao thông quan trọng. Ngược lại (…) Nội bộ chúng đầy mâu thuẫn (…) Sau khi quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ đã rút đi, tinh thần ngụy quyền ngụy quân sa sút, rệu rã (…) Gạo ở lục tỉnh không về Sài Gòn nhiều như trước (…) Nạn thất nghiệp lan tràn. Đồng tiền phá giá rất nhanh (…) Nạn tham nhũng không trừ ở một cấp nào (…) Bất cứ ai có chức, có quyền đều tranh thủ vơ vét, “chụp giật” để tính chuyện mai sau (…) Sức chiến đấu của quân ngụy giảm đi rõ rệt. Nếu năm 1971, khi lấn chiếm vùng U Minh, địch chỉ dùng có 30 tiểu đoàn đã làm cho ta phải đối phó vất vả, thì năm nay, khi đánh vào tám xã thuộc Chương Thiện (Khu 9), địch tập trung 25 tiểu đoàn, tăng lên 50 tiểu đoàn, rồi 75 tiểu đoàn mà vẫn thất bại.

Nhìn tổng quát, toàn diện, từ sau Hiệp định Pa-ri, ngoại trừ những tổn thất lúc đầu, ta đã mạnh lên nhiều cả về thế và lực (…)

Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị, chúng tôi (ở Quân ủy Trung ương) thảo luận các vấn đề xây dựng lực lượng ở Miền Bắc, Miền Nam, cách đánh tiêu diệt sinh lực quân ngụy để làm chuyển biến cục diện chiến trường. Tôi chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu khẩn trương lập các quân đoàn, những “quả đấm chủ lực” sẵn sàng sử dụng ở thời điểm quyết định (…)

Về chống phá “bình định”, kinh nghiệm của đồng bằng sông Cửu Long, nhất là của Khu 9, chứng tỏ quân và dân ta hoàn toàn có khả năng làm thất bại âm mưu chiến lược này của địch. Tôi yêu cầu Bộ Tổng tham mưu tích cực nghiên cứu vấn đề này (…)

*

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 khai mạc vào cuối tháng 6 năm 1973 (…)

Báo cáo của Quân ủy Trung ương phân tích kỹ tình hình địch, ta ở Miền Nam (…) đề xuất (…) phương hướng, chủ trương và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh đấu tranh ở vùng tạm bị chiếm và vùng tranh chấp, xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng.

Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Bí thư thứ nhất phát biểu ý kiến (cho biết) Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị (…) nhằm xác định phương châm, phương thức đấu tranh, đưa cách mạng đến thắng lợi mới (…) Anh Ba điểm lại tình hình cuộc đấu tranh của đồng bào và chiến sĩ Miền Nam từ khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (1959) đến lúc này, khẳng định thắng lợi (năm 1972) của ta có ý nghĩa rất to lớn (…) Anh nêu rõ: sau Hiệp định Pa-ri, tuy Mỹ vẫn còn dính líu, địch còn có những chỗ mạnh, nhưng những chỗ mạnh đó nằm trong thế thất bại, thế đi xuống. Trước sự kiện Mỹ - ngụy trắng trợn phá hoại Hiệp định, tiếp tục chiến tranh, cách mạng Miền Nam nhất định phải tiến lên bằng con đường bạo lực. Chiến lược của ta là chiến lược tiến công. Vấn đề quân sự phải đặt lên hàng đầu (…)

Các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Tố Hữu… nêu lên những vấn đề chiến lược khác (…) Các anh lãnh đạo chỉ huy các chiến trường: anh Mười Cúc, anh Trà, anh Năm Công, anh Trần Hữu Dực, anh Sáu Dân, anh Sáu Đường… đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất nhiều sáng kiến về phương thức và biện pháp đấu tranh (…)

Hội nghị diễn ra trong nhiều ngày (…) Các ý kiến đều được trình bày đầy đủ (…) không hạn chế thời gian.

Về đánh giá so sánh lực lượng, Hội nghị nhất trí với ý kiến của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh là thế và lực của cách mạng Miền Nam lúc này mạnh hơn bất cứ lúc nào từ năm 1954 đến nay (…)

Về các khả năng phát triển của tình hình, Hội nghị dự kiến hai khả năng:

Một là, ta buộc được địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pa-ri, tình hình Miền Nam ổn định, hòa bình được thật sự lặp lại. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta tuy còn lâu dài, gian khổ, nhưng sẽ tiến lên mạnh mẽ.

Hai là, Mỹ - ngụy ngoan cố phá hoại Hiệp định, xung đột quân sự tăng cường độ, chiến tranh quy mô ngày càng lớn. Ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng (…)

Khả năng thứ nhất có ít (…)

Ngày 6 tháng 7 năm 1973, đồng chí Bí thư thứ nhất kết luận hội nghị (…) nêu rõ sự nhất trí cao của Ban Chấp hành Trung ương (rằng) cách mạng Miền Nam phải tiếp tục tiến lên bằng con đường bạo lực cách mạng (…)

Nội dung này hình thành từ Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng hồi tháng 5 (và) được Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí thông qua (lần nữa) ngày 4 tháng 10 năm 1973.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1174-1182. Nhan đề phần trích tạm đặt. In đỏ đậm là do người trích.)