Liên Xô không bị Mỹ chia hai đất nước, nên tha hồ hòa hoãn với Mỹ. Cùng phe, nhưng vẫn cứ mỗi đất nước một hoàn cảnh. May cho ta… (TT)



Tố Hữu, “Mỗi người một cảnh”




Rất đáng tiếc là trong tình hình quốc tế lúc này, đã xuất hiện những mâu thuẫn giữa các nước anh em về đường lối, quan điểm (…) Hội nghị các Đảng anh em tháng 12 năm 1960 tuy đi đến một bản “Tuyên bố chung”, song cũng không đem lại hiệu quả lớn (…) Tình trạng mâu thuẫn Xô – Trung ngày càng gay gắt và bộc lộ công khai (…)

Đầu năm 1964, Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Duẩn làm trưởng đoàn đại biểu Đảng ta sang Liên Xô để thảo luận với các đồng chí lãnh đạo Liên Xô về tình hình thế giới và chiến lược của phe ta. Tôi cũng được tham gia đoàn ấy (…) Sang Mạc-tư-khoa (…) đồng chí Lê Duẩn thẳng thắn trình bày cách nhìn của Đảng ta (…) đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm tình đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa (và kêu gọi) kiên quyết chống lại đế quốc Mỹ, tên sen đầm quốc tế, đang xâm lược Việt Nam (…)

Nghe đến đây, Khơ-rút-sốp liền phản ứng: “Các đồng chí muốn gì nữa? Tiến công Mỹ ư? Chúng tôi xây dựng Liên Xô làm chỗ dựa cho các dân tộc và các đảng cộng sản, chẳng phải là “tiến công” đó sao? “Con chim sẻ” nó mách bảo chúng tôi là các đồng chí Việt Nam theo tư tưởng Mao Trạch Đông chống Liên Xô đấy!”. Ông ta cười khẩy, khá ngạo mạn. Anh Lê Duẩn vẫn bình tĩnh: “Chúng tôi có những quan điểm của mình, không theo ai cả, chỉ trung thành với chủ nghĩa Mác Lê-nin thôi”.

Bỗng nhiên Khơ-rút-sốp nhìn sang tôi: “Thế nào, nhà thơ vẫn đọc thơ Mao Trạch Đông đấy chứ?”. Tôi biết ông ta muốn trêu chọc mình, nhưng cũng từ tốn nói: “Thưa đồng chí Khơ-rút-sốp, tôi được đọc nhiều nhà thơ, kể cả nhà thơ Nga như Pút-x-kin và nhất là Mai-a-kốp-x-ki, tôi rất thích những bài như “Quay sang trái” mà ai cũng biết”. Biết là tôi muốn phê phán bệnh “hữu khuynh”, ông Xú-x-lốp (Suslov) cười mỉm: “Hay đấy!”. Khơ-rút-sốp càng lớn giọng: “Các đồng chí phê phán chúng tôi theo chủ nghĩa xét lại, thế là các đồng chí chỉ cần tư tưởng thôi chứ gì?”. Anh Lê Duẩn liền đáp: “Đúng thế, không có tư tưởng Mác Lê-nin thì không thể có cách mạng thắng lợi. Song rút cuộc phải có sức mạnh vật chất nữa thì mới thành công được. Chúng tôi đang gian khổ chiến đấu chống bọn xâm lược Mỹ, rất mong các đồng chí hết lòng giúp đỡ (…)” (…)

Mặc dầu cuộc thảo luận có lúc hơi gay gắt, nhưng cuối cùng cuộc họp đã kết thúc với lời hứa của các đồng chí Liên Xô: “Dù sao chúng tôi cũng cố gắng giúp cho Việt Nam những gì cần thiết và có thể” (…)

Đến tháng 10 năm 1964, được tin Khơ-rút-sốp đổ, ai cũng mừng (…)


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)