Tháng 1 năm 1959, trước tình hình Ngô Đình Diệm ra sức tiêu diệt cơ sở cách mạng Miền Nam, Bộ Chính trị ra nghị quyết chấp thuận cho tiến hành đấu tranh quân sự ở Miền Nam. Nghị quyết tháng 5 năm 1973 là giống như nghị quyết tháng 1 năm 1959. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Nghị quyết tháng 5 năm 1973”




Sau Hiệp định Pa-ri, việc liên lạc giữa hai Miền có thêm điều kiện mới khá thuận lợi (…)

Với các anh từ Miền Nam ra, tôi thường mời đến nhà dùng cơm thân mật. Những buổi trao đổi gặp gỡ như vậy thật bổ ích (…)

Tôi cũng dành trọn một ngày nghe anh Tố Hữu nói chuyện về tình hình Miền Nam sau chuyến đi “Nước non ngàn dặm” (…)

Tôi thầm nghĩ, với tinh thần cách mạng tiến công của Đảng ta, đường tới Sài Gòn nhất định sẽ được co ngắn lại.

*

Đặc biệt bổ ích là những buổi làm việc với các anh lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường Miền Nam được Bộ Chính trị Trung ương Đảng triệu tập ra Bắc họp. Đoàn cán bộ B2 do anh Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh), Phó bí thư Trung ương Cục dẫn đầu, gồm các anh Hoàng Văn Thái, Tư lệnh B2, Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy Khu 9, Trần Nam Trung, phụ trách các tỉnh miền đông Nam bộ, Nguyễn Minh Đường, Bí thư Khu ủy Khu 8. Đoàn Khu 5, Tây Nguyên có hai anh Võ Chí Công, Chu Huy Mân. Ngay sau khi ra tới Hà Nội, ngày 19 tháng 4, tại nhà nghỉ Hồ Tây, đoàn đã sơ bộ báo cáo với Bộ Chính trị về tình hình cách mạng Miền Nam từ năm 1972, đặc biệt sau ngày ký Hiệp định Pa-ri.

Ngày 3 tháng 5 năm 1973, Thường vụ Quân ủy Trung ương làm việc với các đồng chi Quân ủy Miền: Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Trần Lương, Nguyễn Minh Đường, Võ Văn Kiệt. Ngôi nhà quét vôi màu hồng số 28 phố Cửa Đông hôm ấy sôi động khác thường. Thời Pháp, đây là tư dinh của viên tướng thực dân tổng chỉ huy quân đội Pháp miền bắc Đông Dương, nay là nhà khách Bộ Quốc phòng.

Các anh Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê Quang Đạo, Trần Quý Hai cùng tôi đón tiếp các anh hết sức nồng nhiệt (…)

Thay mặt đoàn, anh Hoàng Văn Thái báo cáo về những thắng lợi to lớn trên chiến trường B2 (…) Tuy nhiên, do tương quan lực lượng giữa địch và ta, những thắng lợi đó còn hạn chế. Địch còn có những mặt mạnh nhất định (…) hơn ta cả về quân số lẫn trang bị. Ở B2, so sánh quân số là ta 1, địch 2,5 (…)

Địch đang ra sức thực hiện một kế hoạch “bình định” mang số hiệu AB148 hết sức tàn bạo, thâm độc dưới chiêu bài “tái thiết nông thôn”. Thực chất là nhằm tiêu diệt cơ sở cách mạng (…) phá thế “da báo” (…) Một chiến dịch chiến tranh tâm lý được phát động rầm rộ (…) phục vụ mưu đồ trên. Anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) tiếp lời anh Thái. Anh nêu rõ sự cần thiết và khả năng có thể giữ vững thế làm chủ mạnh tại những địa bàn trọng điểm của miền tây Nam bộ. Anh Sáu Đường (Nguyễn Minh Đường) báo cáo rõ tình hình Khu 8 và mối quan hệ giữa hai chiến trường Khu 9 và Khu 8 (…)

Kết thúc cuộc trao đổi, tôi phát biểu gợi ý một số vấn đề để các anh suy nghĩ, chuẩn bị cho hội nghị Bộ Chính trị sẽ họp vào tháng 5. Vấn đề lớn nhất là so sánh lực lượng giữa ta và địch sau khi quân Mỹ rút đi. Nếu như hồi năm 1963-1964, địch 5 ta 1, 1967-1968, địch 4 ta 1, thì hiện nay tương quan ấy là như thế nào? (…) Về phương châm, biện pháp đấu tranh, nên phát triển hai chân, ba mũi trong tình hình mới như thế nào? (…)

Gặp anh Trần Văn Trà, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Cộng hòa Miền Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự Bốn bên, tôi được biết (…) ngay sau ngày ký Hiệp định Pa-ri, chúng đã tráo trở ném bom vào sân bay Thiện Ngôn đúng vào giờ và địa điểm chúng hẹn đưa trực thăng đến đón đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn làm việc. Nhờ cảnh giác, đoàn ta vẫn an toàn (…) Anh có những nhận định sâu sắc về so sánh lực lượng giữa ta và địch (…) Với vũ khí, phương tiện chiến tranh Mỹ vừa đổ vào, hỏa lực của quân ngụy được tăng lên. Chúng có thêm xe tăng M-48, pháo tầm xa 175mm, máy bay cường kích F-5E. Chúng thành lập thêm một số liên đoàn bảo an cơ động chiến đấu, nhiều tiểu đoàn cảnh sát dã chiến. Quân bảo an và phòng vệ dân sự cũng tăng nhiều. Đứng sau lưng chúng là lực lượng quân sự cơ động của Mỹ đóng tại Thái-lan và Phi-líp-pin, với bốn hàng không mẫu hạm, 855 máy bay chiến thuật và 173 máy bay chiến lược B-52. Về phía ta, lúc này cũng có không ít khó khăn. Sau đợt hoạt động liên tục dài ngày, từ tháng 4 năm 1972 đến đầu năm 1973, đơn vị nào cũng thiếu quân số vì không kịp bổ sung. Lương thực, đạn dược cũng rất thiếu. Sức khỏe giảm sút (…)

Ngày 24 tháng 5 năm 1973, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng bàn vấn đề Miền Nam (…) Bí thư thứ nhất Lê Duẩn (…) gợi ý hội nghị đi sâu nghiên cứu so sánh lực lượng (…) khẳng định: “Ta đã có thêm nhiều điều kiện mới rất thuận lợi. Cách mạng nhất thiết phải tiến lên bằng con đường bạo lực. Nhất định ta sẽ thắng” (…)

Tôi phát biểu ý kiến (…) phải phản công mạnh theo kinh nghiệm của Quân khu 9 (…)

Qua một tuần lễ làm việc (…) hội nghị đã giải đáp vì sao từ đầu năm 1973 địch chủ động tiến công, ta bị động đối phó (…) Đó (…) không phải do địch mạnh (mà do) ta đã không có chủ trương kịp thời về vị trí, nội dung của tiến công quân sự (…)

Bộ Chính trị đưa ra nghị quyết: “Trong khi địch dùng hành động quân sự đánh ta, ta vẫn cần phải chủ động tiến công địch (…)” (…)

Nghị quyết này tạo bước chuyển biến mới (…)

Tôi bàn với anh Văn Tiến Dũng cùng chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch chiến lược quân sự trong giai đoạn mới (…) Ngày 5 tháng 6 năm 1973 “Tổ trung tâm” hoàn thành bản dự thảo “Đề cương Kế hoạch Chiến lược” mang số 305 TG1.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1167-1174. Nhan đề phần trích tạm đặt.)