Cũng y như sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau Hiệp định Pa-ri đối phương lập tức tìm cách tiêu diệt cơ sở cách mạng ở Miền Nam.

Nhưng tình hình lần này khác xa lần trước:

- Lần này quân chủ lực Miền Bắc có mặt ở Miền Nam.

- Lần trước Mỹ hăng hái, sẵn sàng nhảy vào tự chiến đấu bảo vệ tiền đồn mới dựng. Lần này Mỹ quá chán nản, đã rút quân ra.

Chẳng bao lâu nữa, trên đường Đông Trường Sơn đang khẩn trương mở, đại quân sẽ trẩy như nước lũ về phía Thành Phố.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Ngay sau Hiệp định Pa-ri”




Năm 1972 là năm nhân dân Việt Nam trên cả hai Miền giành được thắng lợi (…) có ý nghĩa chiến lược quan trọng (…)

Quân ta đã đập tan ba tuyến phòng thủ kiên cố nhất mà Mỹ - ngụy đã tập trung xây dựng trong nhiều năm ở Quảng Trị, bắc Tây Nguyên và đông Nam bộ (…) Nhiều sư đoàn, trung đoàn quân ngụy, xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa”, bị tiêu diệt hoặc làm tan rã, mặc dù đã được không quân và hải quân Mỹ phối hợp tác chiến. Cơ sở của chiến lược “Việt Nam hóa” là kế hoạch “bình định nông thôn” cũng bị thất bại nghiêm trọng. Liên tục tiến công và nổi dậy, quân và dân Miền Nam giáng những đòn quyết liệt, giải phóng nhiều quận lỵ, chi khu, quét từng mảng đồn bốt (…)

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 (…) Vùng giải phóng được mở rộng, nối liền căn cứ địa ba nước Đông Dương thành một dải liên hoàn (…) Chính quyền cách mạng được xây dựng và củng cố, lực lượng vũ trang phát triển và đứng chân vững chắc (…)

Việc vận chuyển chiến lược chi viện chiến trường Miền Nam được đẩy mạnh. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, địch dùng không quân đánh phá ác liệt, việc vận chuyển vẫn tiếp diễn ngày đêm với khối lượng lớn (…)

Bất chấp Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, Miền Bắc đã giữ vững và phát triển giao thông vận tải, bảo vệ và đẩy mạnh sản xuất. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, hai vụ lúa được mùa liền (…)

Thắng lợi của năm 1972 đặt cơ sở vững chắc cho cả nước tiến lên giành thắng lợi mới rực rỡ hơn. Tình hình cách mạng là không thể đảo ngược.

Ngày 12 tháng 1 năm 1973, lễ tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho 24 đơn vị và 12 cán bộ, chiến sĩ thuộc quân chủng Phòng không – Không quân được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội (…)

(Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết) Thắng lợi lớn nhất là ở Miền Nam (…) Quân Mỹ phải rút đi, còn quân ta thì ở lại (…)

*

(…) Mỹ - ngụy ra sức phá hoại Hiệp định Pa-ri (…) ráo riết (…) chiếm lại các căn cứ “lõm” của ta, nống ra vùng giáp ranh, uy hiếp hành lang vận chuyển, đẩy chủ lực ta ra xa, đồng thời (…) củng cố bộ máy kìm kẹp ấp, xã, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý (…) tổ chức các chiến dịch “Phượng Hoàng” (…) phá hoại cơ sở của ta ở Miền Nam (…)

Địch tổ chức những cuộc hành quân gặm dần, dũi dần, đánh phá có tính chất hủy diệt, ủi trắng nhiều nơi, tiến hành di dân (…) gây cho ta nhiều khó khăn (…)

*

Bộ Chính trị chủ trương nhanh chóng củng cố các vùng giải phóng. Các nhu cầu (…) về vật chất, kỹ thuật của bộ đội ta ở Miền Nam rất lớn. Tôi làm việc với anh Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Suy nghĩ của tôi lúc này là (…) Ta cần tranh thủ lúc địch tạm phải ngừng đánh phá, tăng cường vận chuyển vào Nam, ngoài vật chất cho sinh hoạt, cần đưa xe tăng, thiết giáp, pháo cỡ lớn, pháo cao xạ (…)

Làm việc với anh Đồng Sĩ Nguyên (tư lệnh Đoàn 559), tôi chỉ thị phải khắc phục khó khăn mở đường Đông Trường Sơn từ Khe Gát (Quảng Bình) vào đến Bù Gia Mập (đông Nam bộ) (…)

Kế hoạch của anh Thiện được Quân ủy thông qua. Đoàn cán bộ khẩn trương lên đường vào Nam. Anh Tố Hữu kết hợp cùng đi (…)

Anh Thiện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (…)

*

Đầu tháng 3 năm 1973, Quân ủy Trung ương họp. Các anh Văn Tiến Dũng, Song Hào, Lê Quang Đạo, Đinh Đức Thiện, Trần Quý Hai đều có mặt.

Khai mạc hội nghị, tôi phát biểu (…) (cần) nhất là đánh giá cho đúng tình hình Miền Nam (…) để có chủ trương (…) kịp thời chặn đứng (…) địch lấn đất, giành dân, đánh phá cơ sở cách mạng (…)

*

Tình hình chiến sự ở Miền Nam diễn biến phức tạp, có nhiều điểm cần được xem xét tại chỗ. Tôi tranh thủ vào làm việc trực tiếp (…) Chuyến đi thị sát đường Trường Sơn để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về tinh thần anh dũng chiến đấu, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559, gợi mở khả năng to lớn của con đường chiến lược mang tên Bác cả trong xây dựng đất nước sau này (…)

*

Hiệp định Pa-ri đã có hiệu lực được 60 ngày. Sáng 27 tháng 3 năm 1973, Bộ Chính trị họp mở rộng (…)

Ngày hôm sau, triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thảo luận chủ trương tác chiến (…) Mỹ đang chi viện ồ ạt để cho quân ngụy mạnh lên (…) Ngay sau cuộc họp, Quân ủy Trung ương điện cho các chiến trường. Trong bức điện, tôi giải thích rõ (…) phản công của ta là chủ động (…) không phòng ngự đơn thuần. Không những phản công ở địa bàn địch tiến công ta, mà còn (…) ở các địa bàn khác, nơi ta có chủ lực mạnh. Không những phản công bằng bộ binh, bằng hỏa lực, mà còn hết sức chú ý dùng bộ đội đặc công tinh nhuệ đánh vào cơ quan chỉ huy, kho tàng, sân bay, căn cứ, bên sườn và sau lưng địch, đánh vào những nơi chúng sơ hở.

*

Ngày 29 tháng 3 năm 1973, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Trên đất nước thân yêu, quân xâm lược nước ngoài về cơ bản đã bị quét sạch (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1158-1167. Nhan đề phần trích tạm đặt. Chỗ in đỏ đậm là do người trích.)