Nhà thì chỉ “thường thường bậc trung”, nhưng nhan sắc hai chị em chẳng “trung” tí nào, mà “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Tuy cùng “vẹn”, nhưng “khuôn trăng đầy đặn” của em dường như không lôi cuốn bằng khuôn “trái xoan”(?) của chị. Cái “vẻ” “sắc sảo mặn mà” của Kiều mới tới mức “một hai nghiêng nước nghiêng thành”. Đã đẹp ơi là đẹp, Kiều lại đàn hát thơ vẽ giỏi ơi là giỏi, chưa kể đánh cờ cao mà mãi mười lăm năm sau Kim Trọng mới biết. Hai trang “phong lưu rất mực hồng quần” này đã “tới tuần cập kê”, nhưng hãy còn “êm đềm trướng rủ màn che / tường đông ong bướm đi về mặc ai”(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 7-38)




Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
Rằng: Năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng. (10)
Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
Ðầu lòng hai ả tố nga, (15)
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. (20)
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy nét xuân sơn, (25)
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm. (30)
Cung thương, làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên xoang,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
Phong lưu rất mực hồng quần, (35)
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)















_____________________
Trừ chỗ nào có ghi khác, các chú thích dưới đây là theo
Từ điển Truyện Kiều của Ðào Duy Anh.
(1) “Cảo thơm”: sách hay.
(2) “Phong tình cổ lục”: lục là ghi chép, vậy bốn chữ này nghĩa là ghi chép về chuyện phong tình đời xưa. (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim)
(3) “Nghỉ cũng thường thường...”: nghỉ là từ xưa nghĩa là nó, có ý nghĩa khinh bỉ, không thể dùng để chỉ Vương ông được (...) (Hẳn thực là) “Nghĩ cũng thường thường...”
(4) “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”: do câu sách
Hán thư (lời của Lý Diên Niên): “Bắc phương hữu giai nhân; tuyệt thế nhi độc lập; nhất cố khuynh nhân thành; tái cố khuynh nhân quốc”, nghĩa là: Phương Bắc có người đẹp; một mình nhất thế gian; nhìn một cái thì nghiêng thành của người ta; nhìn hai cái thì nghiêng nước của người ta.
(5) “Sắc đành đòi một tài đành họa hai”: tài như Kiều may ra có hai, chứ đẹp như Kiều thì chỉ có một. (ÐHTHCN)
(6) “Cung thương”: Âm giai của âm nhạc Trung Quốc gồm năm bực (...) ngũ âm (...) cung, thương, dốc, chủy, vũ. Lấy hai bực đầu để chỉ cả âm giai, để chỉ âm nhạc.
(7) “Hồ cầm”: một thứ đàn (...) do Tây Vực du nhập vào Trung Quốc (...) Hồ chỉ người Tây Vực.
(8) “Trương”: giăng ra, căng ra, căng lên, tỷ như trương dây đàn, theo phép chuyển nghĩa, dùng làm loại từ để chỉ cái đàn.
(9) “Xoang”: tức chương, nghĩa là bài thơ, bài nhạc, bài văn.
(10) “Hồng quần”: chỉ phụ nữ.
(11) “Cập kê”: cài trâm, tức đến tuổi lấy chồng.
(12) “Tường đông”: bức tường ở phía đông (...) Dùng (...) có lẽ vì có câu sách
Mạnh Tử (...) nghĩa là trèo tường nhà hàng xóm phía đông mà dỗ con gái người ta, và do câu phú của Tống Ngọc (...) nghĩa là người đẹp ở làng tôi thì không ai bằng con gái ở láng giềng phía đông.