Bài thơ thu này của Nguyễn Khuyến có đôi chỗ khó hiểu, may có Xuân Diệu đã tìm hiểu và giảng cho chúng ta. Trời xanh ngắt là ban ngày, sao lại có trăng? Theo Xuân Diệu, đó là vì Nguyễn Khuyến tổng hợp đêm ngày để khái quát cảnh thu. Cần trúc sao lại lơ phơ? Vì đó không phải cần câu, mà là “cây tre (...) còn non, ít lá, thanh mảnh (...) như cái cần câu”.(1) Vẫn theo Xuân Diệu, trong ba bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, bài Thu vịnh “mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao (...) Cái hồn (...) của cảnh thu (...) nằm ở trong bầu trời, ở trên trời (...) Trời thu rất xanh rất cao tỏa xuống cả cảnh vật”. Tại sao Nguyễn Khuyến thẹn với Ðào Tiềm? Vì khi ấy ông chưa thôi làm quan, hay vì ông đã trót làm quan lâu hơn Ðào Tiềm? (Thu Tứ)

(1) Xuân Diệu,
Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, nxb. Văn Học, 1987.



“Thu vịnh”

Nguyễn Khuyến



Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Ðào.