Về kết quả của chiến dịch Linebacker II, trang Bách khoa tiếng Anh en.wikipedia.org có lời này:

“(Khi hội đàm Paris mở lại) Bắc Việt Nam từ chối thay đổi thỏa ước đã đạt hồi tháng 10 năm 1972. Khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Nam Việt Nam phản đối, Nixon dọa sẽ lật đổ Thiệu như đã làm với Ngô Đình Diệm trước kia. Trong tháng 1 năm 1973, Mỹ ký thỏa ước này thành Hiệp định Pa-ri. Tác dụng chính của Hiệp định Pa-ri là đưa Mỹ ra khỏi Việt Nam”.

Năm 1963 Mỹ lật Diệm để nhảy vào. Năm 1973 Mỹ hăm lật Thiệu để nhảy ra. Số phận của kẻ chỉ dựa vào thế lực ngoại bang mà làm “tổng thống” nó như vậy đó.
(Thu Tứ)



“Điện Biên Phủ trên không” (3)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Ních-xơn ra lệnh ngừng tập kích B-52 vào ngày Chúa giáng sinh (…) thực chất là để xả hơi, rút kinh nghiệm sau những trận đòn đau (…)

Cuộc ném bom rải thảm lại tiếp tục ác liệt (…)

Đêm 26 tháng 12, địch huy động hàng trăm lần chiếc B-52 đánh phá dã man các khu dân cư ở nội thành Hà Nội. Đã có lúc, căn hầm chỉ huy kiên cố của Tổng hành dinh rung chuyển như động đất (…)

22 giờ 30 phút, tiểu đoàn 76 trung đoàn tên lửa 257 anh hùng, bằng 13 quả đạn, biến hai máy bay B-52 thành hai khối lửa khổng lồ sáng rực cả một góc trời phía nam thành phố. Một chiếc rơi xuống cửa hàng ăn Tương Mai thuộc quận Hai Bà Trưng. Đứng giữa sân Tổng hành dinh, tôi vô cùng xúc động nhìn tận mắt cảnh tượng hào hùng ấy! Trở vào, tôi gọi điện cho Sở chỉ huy bộ đội phòng không Hà Nội. Nghe tiếng trả lời quen thuộc của đồng chí Phó tư lệnh, tôi hỏi:

- Trần Nhẫn đấy à? Khỏe không?

- Báo cáo Đại tướng, tôi rất khỏe. Xin chúc sức khỏe Đại tướng.

Tôi nói:

- Đêm nay đánh như thế là tốt đấy. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh nhiệt liệt biểu dương các đồng chí! Cần chú ý rút kinh nghiệm và giữ gìn tốt lực lượng để đánh lâu dài. Còn vấn đề đạn thì sao?

Đồng chí Trần Nhẫn báo cáo vừa nhận được một số đạn tên lửa từ Khu Bốn chuyển ra, không còn lo phải “bắn mổ cò”. Tôi cảm thấy nhẹ người (…)

22 giờ 47 phút, B-52 ném bom rải thảm xuống khu phố Khâm Thiên, một nơi có mật độ dân số cao nhất Thủ đô (và) rất nhiều điểm dân cư khác, làm hơn 1000 người thương vong (…)

Trong đêm 26 rạng ngày 27 tháng 12, quân và dân Hà Nội sôi sục căm thù, bắn rơi 18 máy bay địch, trong đó có tám B-52. Đây là đêm Mỹ bị mất nhiều B-52 nhất.

*

Hà Nội anh dũng, đau thương.

Chia sẻ nỗi đau của đồng bào, bác Tôn và tôi đến ngay khu phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, ân cần thăm hỏi bà con. Anh Trường Chinh, anh Phạm Văn Đồng đến thăm bệnh viện Bạch Mai, khu phố Gia Lâm… Giữa đống gạch ngói đổ nát, đồng bào xúc động đón nhận sự săn sóc của Đảng và Nhà nước (…) hứa quyết tâm biến đau thương thành hành động, bắt quân thù phải đền nợ máu (…)

Câu nói bất hủ của Bác vang lên như một lời nguyền: “… Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác (…) có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! (…) Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” (…)

Đêm 27 tháng 12, lúc 22 giờ 20 phút, Phạm Tuân lái máy bay Míc 21 bất ngờ cất cánh từ sân bay Yên Bái, hạ một B-52 trên vùng trời Tây Bắc, làm rối loạn đội hình địch, tạo điều kiện cho lưới lửa phòng không Hà Nội diệt thêm năm B-52 nữa (…)

Tôi vào thăm Sở chỉ huy Phòng không – Không quân đặt trong hang đá núi Trầm (…) kể chuyện vừa gặp một phụ nữ khi đến xem xác chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại làng Ngọc Hà. Chị nắm tay tôi, giọng xúc động: “… Chúng tôi không sợ chúng nó! Chúng tôi nhất định không sợ! Phải diệt cho hết chúng nó đi!”. Phụ nữ Việt Nam là như thế (…)

*

Quân xâm lược đã ngấm đòn (…)

Đêm 30 tháng 12 năm 1972, tôi duyệt bản thông cáo chiến thắng do Cục Tuyên huấn dự thảo (…)

“Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã:

1. Bắn rơi 77 máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mỹ, phần lớn rơi tại chỗ, trong đó có 33 chiếc B-52 (…) 5 chiếc F-111 (…) 24 máy bay phản lực của hải quân Mỹ (…)

2. Tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ (…)

3. Bắn cháy 8 tàu chiến Mỹ (…)”.

*

Cả nước nức lòng.

Uy thế không lực Mỹ sụp đổ. Hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Mỹ cũng sụp đổ theo (…)

Mỹ gửi công hàm đề nghị ta họp lại theo nội dung đã thỏa thuận hồi tháng 10 năm 1972.

Sau này sách báo phương Tây tiết lộ: Ních-xơn thúc ép Nguyễn Văn Thiệu phải ký hiệp định (…) “Cho tôi nhấn mạnh để kết thúc rằng tướng Hây không đến Sài Gòn để đàm phán với ngài. Tôi tin chắc sự ngài từ chối hợp tác với chúng tôi sẽ đưa đến thảm họa (…) Nó sẽ là không tha thứ được vì chúng tôi sẽ mất đi một giải pháp danh dự (…)” (…)

Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được chính thức ký kết. Giôn Nê-grô-pôn (John Negroponte), chuyên gia của Kít-xinh-giơ về Việt Nam, cay đắng thốt lên: “Chúng ta ném bom Bắc Việt Nam để rồi chính chúng ta lại chấp nhận nhượng bộ”.

Đế quốc Mỹ đã thua trong ván bài cuối cùng, đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ: “… Mỹ nhất định sẽ thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.


(Hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2006. Chỗ in đỏ đậm do người trích.)