“Sáng ra thêm bạc…”… Người mà như núi thì qua chả mấy mùa đông đầu sẽ trắng như bông! Ơ mà núi ở đây trùng trùng, sao “rét” đến thế nhỉ, chắc do không trao đổi được với nhau. Người thì tuy rất xa người nhưng nhờ thư xuống thư lên nên tóc tai chẳng đến nỗi nào, tệ nhất cũng chỉ tai thi thoảng nghe nhầm vó ngựa thành “tiếng guốc em”… Năm ấy hình như Hữu Thỉnh đã xuất ngũ, chuyển sang công tác văn nghệ. Vậy đây là nhà thơ đi thăm chiến sĩ, rồi nhập luôn vào vai chiến sĩ mà làm thơ. Còn việc nào tự nhiên hơn cho ông! Đã xẻ dọc Trường Sơn, giờ lên nằm trong những hầm xây bên vách đá sừng sững của biên cương phía bắc để nếm thứ mùi khác của núi non Tổ quốc, trải nghiệm thế này là hơi khó bì. (Thu Tứ)



Hữu Thỉnh, “Thư mùa đông”




Thư viết cho em nhoè nét mực
Phên thưa sương muối cứ bay vào
Núi rét đêm qua chừng mất ngủ
Sáng ra thêm bạc một nhành lau

Ở đây tuyết trắng bên chăn mỏng
Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ
Mực đóng thành băng trong ruột bút
Hơ hoài than đỏ chảy thành thư

Chắn gió cây run trong rễ tím
Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm
Có hôm đồng đội đi công tác
Nhớ đấy, nhưng mà... thêm lớp chăn

Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản
Ca bát khua cho đỡ bất thường
Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng
Anh bòn không kiếm đủ rau ăn...

Gạo thường lên sớm, thư thời chậm
Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm
Bao năm không thấy màu con gái
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em...

Mây đến thường rủ anh mơ mộng
Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi núi ấm lên.


Mèo Vạc, 3-1982