Tại sao Mỹ “thay ngựa giữa dòng” năm 1963? Vì thấy “cỗ xe” chống cộng do mình chế tạo sắp đổ. Mỹ đã chọn “con ngựa” ấy vì nghĩ nó sẽ kéo tốt, hóa ra nó hoàn toàn bất lực trước “sự kết hợp chặt chẽ và tài tình giữa đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận” của đối phương. Thay ngựa vậy mà không đơn giản. Ngựa mới, ngựa mới, ngựa mới…, cỗ xe đã nghiêng hẳn rồi! “Người” bất đắc dĩ phải nhảy xuống, làm ngựa tự kéo. Mỹ chê Pháp dở, nhưng đặt chân mình vào vết chân Pháp rồi, chẳng bao lâu sẽ thấy cũng chẳng giỏi gì hơn! (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Thay ngựa, làm ngựa”




Vào tháng 1 năm 1959, từ Miền Nam có tin dữ dội. Ở trại giam Phú Lợi, địch đã dùng thủ đoạn tàn khốc và đê hèn: trộn thuốc độc vào cơm, đầu độc chết cả trăm người (…) Cái chết thê thảm của anh chị em đã làm chấn động dư luận thế giới (…)

Do bị đàn áp quá dã man, các đảng viên cộng sản và đồng bào Miền Nam đã từ lâu muốn đứng lên đấu tranh vũ trang (…) Tháng 7 năm 1958, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ mời ra Miền Bắc và được Trung ương cử làm Bí thư thứ nhất của Đảng (…) Trên cơ sở “đường lối cách mạng Miền Nam” do đồng chí dự thảo, Trung ương Đảng ta ra Nghị quyết 15 vào tháng 1 năm 1959 (…) cho cán bộ và đồng bào ta đi vào giai đoạn đấu tranh mới, với cả hai hình thức chính trị và quân sự. Phong trào “Đồng khởi” được phát động khắp cả Miền Nam, nhất là Nam bộ, với một “Đội quân tóc dài” nổi tiếng , đội quân của những phụ nữ kiên cường dám đứng ra đối mặt với địch (…)

Năm 1962, theo kế hoạch Sta-lây – Tay-lo, “ấp chiến lược” mọc lên khắp nơi. Đế quốc Mỹ muốn bình định Miền Nam trong vòng 18 tháng. Rất đông đồng bào ta bị chúng tập trung vào hàng vạn “ấp chiến lược” (…)

Để đánh bại kế hoạch Sta-lây – Tay-lo, khắp nơi dấy lên phong trào phá ấp chiến lược, tiêu diệt bọn ác ôn. Sự kết hợp chặt chẽ và tài tình giữa đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận của ta đã đẩy kế hoạch bình định của địch đến phá sản hoàn toàn. Trước tình hình ấy, đế quốc Mỹ buộc phải đi đến quyết định “thay ngựa giữa dòng”, giết chết anh em Diệm Nhu, để chuyển chiến tranh Đặc biệt sang (…) chiến tranh Cục bộ với sự tham gia của hàng chục vạn quân Mỹ.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)