Khơ-rút-sốp “xét lại”, quyết định tạm hoãn đẩy mạnh cách mạng vô sản trên thế giới. Mao Trạch Đông bất đồng. Nhưng tuy chủ trương ngược nhau, trên thực tế trong những năm ấy Liên Xô và Trung Quốc hành động như nhau: cả hai cùng tập trung vào việc xây dựng đất nước mình và không muốn xảy ra chiến tranh với phe tư bản, dù là chiến tranh gián tiếp. Họ có thể làm như thế vì đất nước họ hoặc toàn vẹn lãnh thổ hoặc chỉ có một phần rất nhỏ lãnh thổ bị cắt rời.

Hai bạn chưa tích cực ủng hộ ta đấu tranh quân sự. Mà thực ra chính ta cũng chưa sẵn sàng. Vì còn phải sửa sai cải cách ruộng đất, giải quyết bất ổn chính trị, và củng cố, phát triển lực lượng vũ trang.

Ngụy quyền ở Miền Nam đã thừa cơ hội mà ra tay hòng duy trì mãi mãi tình trạng đất nước chia đôi.

Nhưng chẳng bao lâu ta sẽ sẵn sàng bắt đầu làm nốt công việc còn lại. Ngẫu nhiên, lúc ấy tình hình thế giới sẽ trở nên thuận lợi cho cuộc đấu tranh mới của ta. Và thậm chí cả ngụy quyền cũng sẽ diễn biến nội bộ thật thích hợp cho ta dễ đạt thắng lợi!

(Thu Tứ)



Tố Hữu, “Chuẩn bị để làm nốt”




Công việc tiếp đón bộ đội và cán bộ Miền Nam tập kết được Đảng và Chính phủ ta chăm lo rất chu đáo (…) Bác dạy: “Các chú cần nói cho đồng bào Miền Bắc hiểu đây là anh em ruột thịt của mình, bây giờ phải xa nhà, xa quê, cần hết lòng cưu mang giúp đỡ, từ ăn ở đến học tập (…)”

Như đã nói ở trên, tháng 10 năm 1956, sau khi phát hiện ra sai lầm cải cách ruộng đất, Đảng ta lập tức tiến hành sửa sai. Các Đội công tác (gọi là Đội sửa sai) thâm nhập vào những nơi có gia đình bị qui sai và xử oan, sửa lại thành phần cho họ và giúp họ ổn định lại cuộc sống (…) Tình hình dần ổn định.

Trong lúc nước ta đang có khó khăn như thế thì Đảng Cộng sản Liên Xô họp Đại hội lần thứ XX (từ 14/2 đến 25/2/1956). Thật bất ngờ, Khơ-rút-sốp lúc đó là Tổng bí thư của Đảng (…) vu khống, mạt sát Xít-ta-lin (…) (Hành động của) Khơ-rút-sốp ở Đại hội XX đã gây thêm khó khăn cho Đảng ta (…) Bọn phản động ở Miền Bắc thừa cơ gây rối loạn (…) Đó là vào cuối năm 1956. Thời gian này, tôi được Trung ương cử tham gia đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi về nước, trước tình hình ngày càng phát triển nguy hiểm, tôi rất mừng được biết Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định phải cương quyết giữ vững trật tự an ninh xã hội (…) Ban Tuyên huấn do tôi phụ trách liên tiếp tổ chức những cuộc thảo luận, vạch rõ những quan điểm sai lầm về tư tưởng và nghệ thuật (…) Sau đó, theo kinh nghiệm tốt trong kháng chiến, chúng tôi tổ chức cho số đông anh em văn nghệ sĩ, trí thức đi vào cuộc sống thực tế ở nông thôn, đi thăm các xí nghiệp, các đơn vị bộ đội đã lập chiến công trong kháng chiến chống Pháp (…) Nhờ đó mà tình hình văn nghệ ngày càng chuyển biến tốt (…)

Dưới thời Khơ-rút-sốp, khuynh hướng hòa bình chủ nghĩa (…) được công khai tuyên truyền ở Liên Xô. Đảng Cộng sản Trung Quốc tuy theo một đường lối khác, phê phán chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô, song lại khuyên ta “(…) chờ đợi thời cơ”. Trong khi đó Ngô Đình Diệm ngày càng thi hành những chính sách cực kỳ tàn ác ở Miền Nam với Luật 10/1959 (…) giết hại hàng vạn đảng viên và đồng bào yêu nước. Dân bị dồn vào các “ấp dinh điền”, “khu trù mật”. Lực lượng cách mạng rất khó tiếp xúc với đồng bào trong ấp chiến lược vì họ bị chúng o ép, kìm kẹp rất chặt. Đây là thời kỳ cách mạng Miền Nam chịu sự đàn áp khốc liệt nhất. Trong những năm khủng khiếp ấy, đồng bào ta bị giết chóc rất nhiều, đặc biệt là thanh niên, cả trai lẫn gái. Những người tham gia cách mạng khi sa vào tay địch đều bị chúng tra khảo cực ác hòng phá tan cơ sở ta mới xây dựng lại (…) Trần Thị Lý, người Điện Bàn, Quảng Nam, là một trường hợp điển hình. Chị bị tra tấn bằng nhiều cách rất dã man nhưng kiên cường chịu đựng, địch không lấy được một lời khai nào. Một số anh em chí cốt đã tổ chức cứu (…) đưa chị ra Miền Bắc (…) đưa vào bệnh viện Việt – Xô (…) Chị nằm nhiều ngày trên giường bệnh mà không mấy lúc tỉnh lại. Trong cơn mê, chị thường hét lên chửi giặc. Chứng kiến cảnh ấy, những người có mặt không cầm được nước mắt. Tôi đến thăm chị vào một ngày cuối đông 1958. Nhìn người con gái đang nằm im trên giường bệnh, lòng tôi vô cùng xót thương, cảm phục. Tình cảm ấy đã được tôi thể hiện thành bài thơ “Người con gái Việt Nam” (…)


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)