Nữ anh hùng Trần Thị Lý (1933-1992)











Trang dantri.com.vn, ngày 22-8-2006:

Trần Thị Lý tên thật là Trần Thị Nhâm (…) cháu nhà cách mạng Trần Cao Vân (…) được kết nạp Đảng năm 18 tuổi (…) Gia đình có bảy anh chị em thì năm người là liệt sĩ (…)

Năm 1956, chị Lý lúc đó 23 tuổi đã tham gia làm giao liên cho cách mạng ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chị bị bắt trong năm ấy khi đang trên đường đi công tác. Những ngày ở tù, chị Lý phải hứng chịu rất nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Sau hơn hai năm không khai thác được gì, địch vứt chị ra ngoài nhà lao vì tưởng chị đã chết. Nhưng chị vẫn sống với một sức mạnh lạ kỳ. Tổ chức đã đưa chị Lý từ Quảng Nam vào Sài Gòn, sang Phnôm-pênh (Cam-pu-chia) rồi ra Hà Nội bằng máy bay, trong lúc chị mình đầy thương tích.

Lúc đó là vào giữa năm 1958. Phòng bệnh số 8, Nhà A1, BV Việt - Xô tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: “Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê Miền Nam, cân nặng: 26 kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục”.

Nhà thơ Tố Hữu đã đến bên giường bệnh thăm chị. Ông đã khóc vì quá xúc động, sau đó sáng tác bài “Người con gái Việt Nam” ngày 7 tháng 12 năm 1958. Bài thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng, gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế (…)

Chị Lý mất ngày 20/11/1992 ở tuổi 59 (…) Hãng phim tài liệu Trung Ương có làm một phim khá công phu về cuộc đời chị (…) Nhà báo Bích Thuận (báo Phụ nữ Việt Nam) đã viết sách Sống giữa tình thương kể đoạn đời oanh liệt của chị Trần Thị Lý.

Trang cand.com.vn, ngày 16-1-2009:

Lúc 17 giờ ngày 25-10-1958, Đài Tiếng Nói Việt Nam tại thủ đô Hà Nội phát đi bài về chị Trần Thị Lý làm chấn động dư luận trong và ngoài nước (…) Lúc 7 giờ 15 ngày 19-11-1958, Đài Tiếng Nói Việt Nam lại phát đi lời kể của chính chị Trần Thị Lý: “(…) Chúng bắt tôi về nhà lao Hội An (…) tên Phan Văn Lợi (…) cùng nhiều tên khác tra tấn. Chúng đổ nước xà phòng và nước bẩn vào họng tôi rồi mang giày đinh thi nhau đạp lên bụng, lên ngực làm nước trào ra miệng và mũi. Chúng lấy móc sắt xuyên bàn chân tôi rồi treo ngược lên xà nhà, dùng điện tra vào cửa mình và vú, lấy dao xẻo từng miếng thịt trên đùi, cánh tay và ngực. Chúng dùng kìm sắt nung đỏ rồi kẹp vào bắp thịt tôi rứt ra từng mảng, dùng thước sắt thọc vào âm đạo (…)”

Bà Trần Thị Vân (chị em chú bác ruột và là người hoạt động cùng chị Lý) kể: “Sau ba lần bắt giam và tra tấn dã man (…) tháng 12-1957, tưởng Lý đã chết, địch mang nó vứt vào đám mía phía sau nhà lao Vĩnh Điện”.

Chị Lý được một cơ sở ta phát hiện và cõng về nhà. Để tránh sự truy sát của kẻ thù, ông Phạm Quang (thường vụ huyện ủy Điện Bàn) cử một y tá tên Lan chăm sóc chị ở một nơi bí mật (…) Thấy mất “xác” chị Lý, địch truy nã khắp nơi (…) Huyện ủy quyết định bằng mọi giá phải đưa chị ra Bắc để cứu chữa và tố cáo tội ác của chính quyền Mỹ - Diệm (…) cử một y tá bí mật đưa chị vào Sài Gòn bằng xe đò từng chặng.

Vào Sài Gòn, ban đầu chị Lý trú tại nhà cậu ruột là ông Nguyễn Dinh làm nghề đạp xích-lô, sau đó được đưa qua nhà ông Dương Công Trung, rồi nhà ông Bảy Quang (…) Một ông bác sĩ già được mời đến để chữa cho chị, nhìn thấy những vết thương, kinh hãi: “Tôi đã hành nghề gần 50 năm song chưa thấy bệnh nhân nào như thế này, bà dì ghẻ nào mà ác quá vậy, tôi sẽ làm đơn thưa với tòa giúp cho!”. Bí thế, cơ sở ta phải cho ông biết là do bị địch tra tấn, ông bác sĩ nghe vậy quỳ xuống lạy như tế sao vì sợ liên lụy, tặng hai hộp thuốc kháng sinh rồi ra về. Đánh hơi thấy Lý vẫn còn sống và đã rời khỏi địa phương, bọn an ninh và mật vụ Quảng Nam phối hợp với cảnh sát đô thành Sài Gòn ráo riết truy tìm (…) Ông Quang phải đưa Lý từ nhà này sang nhà khác trong khi sức khỏe của chị ngày càng thêm suy sụp (…) Ông liên lạc với chị Hai Thảo (Thành ủy Sài Gòn) để nhờ giúp đỡ (…) Chị Hai Thảo móc nối với chị Hai Trợ (…) Chị Hai Trợ móc nối với cơ sở của ta tại Cam-pu-chia (…)

Bà Hai Trợ nhớ lại dặm dài gian khó này: “Từ Sài Gòn đi Tân Châu, từ Tân Châu đi Bến Nước rồi từ đó đi bằng xuồng để tới Hưng Lợi (…) Trên đường đi, chị Lý mấy lần chết đi sống lại. Tại Phnom Penh, sau khi tiếp nhận chị, bà Kim Phụng liền báo cho ông Năm Cường (…) Một bác sĩ Cam-pu-chia được mời đến chữa cho Lý. Rồi chị được đưa đến ở nhờ gia đình một Việt kiều quê ở Nghệ An. Chính gia đình này đã chăm sóc và sau đó đưa chị lên máy bay về Hà Nội”.

Giữa năm 1958, Bệnh viện Việt - Xô tại Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: “Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê miền Nam, cân nặng: 26kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu”. Vậy là, hành trình “từ cõi chết em trở về chói lọi” của Trần Thị Lý bắt đầu.