B-52 thả bom từ cao độ ngoài tầm bắn của tất cả các loại pháo phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trừ pháo 100 ly. Thực tế, muốn bắn hạ B-52 phải dùng máy bay Míc 21 hay tên lửa SAM.

Vì trong Miền Nam ta chỉ có pháo phòng không cỡ nhỏ trung, B-52 làm trời. Sau khi bắt đầu hoạt động ở phía bắc vĩ tuyến 17 (hay rất gần), một số đã bị bắn rơi. Nhưng không quân Mỹ vẫn tin rằng huy động thật nhiều B-52 kết hợp với cho F-111, F-4, F-105 v.v. đánh phá thật dữ dội các sân bay và trận địa tên lửa đồng thời hết sức tích cực gây nhiễu ra-đa sẽ giúp họ tiêu diệt được mục tiêu mà không bị tổn thất lớn.

Tại sao Liên Xô thôi viện trợ tên lửa cho ta từ năm 1969? Nên nhớ thời kỳ Hòa hoãn (
Détente) giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu năm 1967. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Điện Biên Phủ trên không” (1)




Hà Nội, tháng 12 năm 1972.

Nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm. Cái rét mùa đông cộng vào cái vắng lặng của ba mươi sáu phố phường vừa được lệnh triệt để sơ tán, càng làm cho thời tiết thêm giá buốt.

Cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ ở Pa-ri (…) đang ở bước gay go (…) Ních-xơn (tái đắc cử) ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ (…) Các cuộc họp (…) cuối tháng 11 và đầu tháng 12 không đạt kết quả nào (…) Mỹ cấp tốc vận chuyển cho Thiệu một khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh nhiều bằng cả một năm trước đó (…)

Ních-xơn trở mặt, ngang ngược đòi sửa đổi nhiều điều khoản trong bản dự thảo hiệp định, lúc này tưởng chừng sắp được ký kết sau hơn ba năm đàm phán (…)

Tất nhiên, ta không chấp nhận.

Tình hình rất khẩn trương. Đã mấy ngày liền, anh Văn Tiến Dũng và tôi thường về nhà muộn, có khi ở lại Tổng hành dinh làm việc đến nửa đêm.

Diễn biến trên mặt trận ngoại giao dự báo sẽ có những diễn biến mới trên mặt trận quân sự. Chúng tôi chỉ thị cho các cơ quan quân báo, tác chiến thường xuyên báo cáo tình hình địch, tình hình các chiến trường, và yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời những động thái ở Hội nghị Pa-ri. Ghi sâu lời dặn của Bác Hồ đầu năm 1968 khi Người đến thăm Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”, hướng phán đoán của chúng tôi là (lần này) Mỹ có thể sẽ mang (…) B-52 (…) đánh sâu vào hậu phương Miền Bắc.

Nhớ lại giữa năm 1965, Mỹ bắt đầu dùng B-52 đánh phá một số căn cứ của ta ở Miền Nam. Ngày 12 tháng 4 năm 1966, lần đầu tiên Mỹ dùng B-52 đánh ra Miền Bắc ở đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), trục đường số 12, cửa khẩu Việt – Lào. Ngay khi đó, Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, nghiên cứu cách đánh B-52. Quyết tâm bắn rơi B-52 được đề ra từ đây. Tháng 5 năm 1966, trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh. Tại đây, ngày 17 tháng 9 năm 1967, trung đoàn này đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên (…)

Tháng 2 năm 1968, Quân ủy Trung ương (…) giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến (để sẵn sàng đối phó trong trường hợp Mỹ dùng B-52 đánh ra xa hơn). Suốt thời gian sau đó, nhiều đoàn cán bộ (…) vào nghiên cứu cách đánh B-52 trên vùng trời Quân khu 4. Từ tháng 5 năm 1972, để gây sức ép với ta trên bàn đàm phán, Ních-xơn ra lệnh mở chiến dịch không quân Lai-nơ-bếch-cơ dùng B-52 trút hàng trăm ngàn tấn bom hòng ngăn chặn sự chi viện mạnh mẽ của Miền Bắc cho Miền Nam. Đây là một dịp đặc biệt để ta nghiên cứu cách đánh loại máy bay chiến lược này của Mỹ (…)

Kế hoạch đánh B-52 (…) đã căn bản hoàn thành vào đầu tháng 9 năm 1972 (…) Cũng cần nói thêm rằng (…) từ năm 1969 Liên Xô không viện trợ thêm cho ta một quả đạn tên lửa nào. Các bộ khí tài tên lửa, ra-đa cũng dần dần xuống cấp. Điều đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ ta phải ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất chiến đấu của vũ khí, khí tài có trong tay.

Ngày 22 tháng 11 năm 1972, trung đoàn tên lửa 263 ở tây Nghệ An bắn hạ một B-52. Chiếc máy bay rơi ở phía tây Nakhomphanom, cách căn cứ Utapao (Thái-lan) 64 ki-lô-mét. Hãng thông tấn Mỹ UPI xác nhận tin này (…)

Các báo cáo của Cục Quân báo trong giao ban hàng ngày ở Bộ Tổng tham mưu cho thấy quân địch đang ráo riết chuẩn bị: thành lập bộ chỉ huy hợp nhất không quân chiến lược chỉ huy cả căn cứ Utapao (Thái-lan) và căn cứ An-đéc-xơn (Guam); tập trung quá nửa số B-52 của không quân Mỹ vào hai căn cứ này; bố trí máy bay tiếp dầu KC-135, máy bay trinh sát và gây nhiễu điện tử ở căn cứ Su-bích (Phi-líp-pin).

Cục Tác chiến được lệnh trực ban 24 giờ trên 24 giờ.

Ngày 24 tháng 11, anh Văn Tiến Dũng xuống Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân duyệt phương án đánh B-52 của lực lượng phòng không Hà Nội, và chỉ thị chậm nhất đến ngày 3 tháng 12 phải hoàn tất mọi công tác chuẩn bị.

Các trận địa phòng không của cả ba thứ quân khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2006. Chỗ in đỏ đậm do người trích.)