Cuộc kháng chiến chống Pháp gồm hai giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất (1945-1950), ta “chiến đấu trong vòng vây”. Trong giai đoạn thứ hai (1950-1954), ta thoát vây, đánh lớn, thắng lớn. Trận thắng lớn ở Điện Biên Phủ buộc đế quốc Pháp phải rút khỏi Đông Dương.

Kháng chiến thắng lợi là nhờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dân tộc đi đúng đường:

- Nhờ theo chủ nghĩa cộng sản, ta mới có cách động viên đông đảo nhân dân kiên trì tích cực tham gia, ủng hộ kháng chiến trong hoàn cảnh khó khăn chưa từng có trong lịch sử dân tộc, nhất là trong giai đoạn đầu khi phương tiện chiến tranh của ta còn thua kém địch quá xa.

- Nhờ theo chủ nghĩa cộng sản, rút cuộc ta đã có ngoại viện cần thiết để giảm bớt chênh lệch về phương tiện giữa ta và địch mà đánh cho nó đại bại.

Truyền thống bất khuất kết hợp với quyết định sáng suốt của người lãnh tụ đã giúp dân tộc Việt Nam chẳng những đuổi được ngoại xâm mà còn lập được công lớn đối với nhân loại là đánh một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân cũ, buộc nó chỉ ít lâu sau phải chết ở khắp nơi trên thế giới!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tóm tắt cuộc đánh Pháp” (2)



Cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ của ta đã diễn ra như sau:

Từ tháng 9 năm 1945 cho đến giữa năm 1950, ta tiến hành cuộc chiến đấu trong vòng vây. Nội dung chủ yếu của thời kỳ này là triển khai thế trận chiến tranh toàn dân (…) dồn quân địch vào thế sa lầy, giành quyền chủ động với địch trên chiến trường chính (…)

Từ chiến dịch Biên Giới cuối năm 1950 đến kết thúc kháng chiến chống Pháp năm 1954, ta tiếp tục phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, đẩy mạnh vận động chiến, công kiên chiến (…) với quy mô ngày càng lớn (…) Pháp dựa vào chi viện của Mỹ (…) tăng cường càn quét, bình định vùng chúng đang chiếm đóng (…) xây dựng một lực lượng cơ động mạnh (…) cố giành một chiến thắng lớn, hòng kết thúc một cuộc chiến đã kéo quá dài với những điều kiện có lợi cho chúng (…)

Liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương chuyển qua thời kỳ mới từ sau Đại hội Đảng năm 1951 đã mở thêm nhiều chiến trường thu hút quân địch (…) Chỉ trong một thời gian ngắn, đội quân cơ động đông và mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh Đông Dương đã bị chia năm sẻ bảy. Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với các trận tiêu diệt địch ở Lai Châu, Thượng Lào, bắc Tây Nguyên, những mũi thọc sâu thành công ở Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, những thắng lợi nơi các chiến trường hậu địch khắp nước. Địch đã mất những đơn vị ưu tú nhất tại Điện Biên Phủ. Nhưng nếu tính cả những trận đánh trước đó ở tây nam Ninh Bình và sau đó trên đường 19 Liên khu Năm, thì số quân địch bị loại khỏi vòng chiến ở các chiến trường khác (từ giữa tháng 10-1953 đến cuối tháng 6-1954) còn lớn hơn nhiều. (Tổng cộng) Ta đã tiêu diệt hai phần ba lực lượng cơ động tinh nhuệ của địch (…)

Nếu bộ đội ta không được rèn luyện liên tiếp trong những trận vận động và công kiên từ năm 1947 thì sẽ không có thành công trong trận công kiên lớn nhất ở Điện Biên Phủ và trong vận động đánh địch trên nhiều chiến trường Đông Xuân 1953-1954. Chúng ta chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn về công tác hậu cần nếu không có hậu phương kháng chiến được xây dựng ngày càng vững chắc, không có kinh nghiệm của những chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào. Mũi thọc sâu từ Nghệ An xuống Hạ Lào dọc Trường Sơn là sự khai phá con đường mòn Hồ Chí Minh sau này (…)

*

Những thành tựu mà quân và dân ta thu được trong kháng chiến chống Pháp đã đưa học thuyết quân sự Việt Nam lên một trình độ mới (…) học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nó kế tục truyền thống đánh giặc giữ nước lâu dài của ông cha. Đó là tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, cố kết dân tộc, đánh giặc mười năm, trăm năm, nghìn năm cũng đánh để giành lại bằng được non sông nước Nam. Đó là là truyền thống “trăm họ là binh”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Luôn luôn phải đương đầu với quân xâm lược lớn mạnh hơn mình, ông cha ta đã lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, dùng “đoản binh chế trường trận” (…) Đó là truyền thống “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Nó tiếp thu ánh sáng thời đại mới (…) với vai trò lãnh đạo của Đảng (…) lấy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại (…)

Đặc điểm của nó là nghệ thuật chiến tranh toàn dân, từ chính trị đi lên vũ trang, từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa (…) đánh giặc trên cả hai mặt trận chính diện và hậu địch (…) lấy lâu dài thắng tốc chiến, thắng giặc từng bước (…) (Đặc điểm nữa là) Nó tiến hành một cuộc chiến tranh tổng hợp kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đặc biệt coi trọng binh vận, với đấu tranh ngoại giao (…)

Nó (lại) không bỏ lỡ bất cứ cơ hội đàm phán hòa bình nào (…) rất coi trọng xương máu chiến sĩ, có lòng khoan dung nhân đạo đối với tù binh (…)

Thắng lợi của kháng chiến chống Pháp đã tạo (…) nền tảng về lý luận, cơ sở về lực lượng, một căn cứ địa vững chắc, một hậu phương lớn (…) góp phần quyết định vào sự thành công trọn vẹn của ba mươi năm kháng chiến (…)

*

Mỗi lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi đều tới nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người chiến sĩ đã nằm lại đây. Đứng trước rất nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những người đồng đội chưa kịp biết tên mình (…) Tiểu đoàn 23 đánh địch phản kích trên sân bay Mường Thanh đã ghi công đầu cho người chiến sĩ cắm lá cờ làm chuẩn cho pháo bắn chi viện giữa lúc địch tiến công dữ dội nhất, nhưng không một ai biết tên anh (…)

Anh bộ đội Cụ Hồ ra trận (…) từ bưng biền Nam bộ, núi rừng Tây Nguyên, đèo mây Tây Bắc, đến những miền đất lạ Lào, Cam-pu-chia… chỉ có một ý nghĩ vô cùng trong sáng: phải góp phần cùng đồng đội, đồng bào (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1132-1135. Nhan đề phần trích tạm đặt.)