“Trong những năm khủng khiếp ấy, đồng bào ta bị giết chóc rất nhiều, đặc biệt là thanh niên, cả trai lẫn gái. Những người tham gia cách mạng khi sa vào tay địch đều bị chúng tra khảo cực ác hòng phá tan cơ sở ta mới xây dựng lại (…) Trần Thị Lý, người Điện Bàn, Quảng Nam, là một trường hợp điển hình. Chị bị tra tấn bằng nhiều cách rất dã man nhưng kiên cường chịu đựng, địch không lấy được một lời khai nào. Một số anh em chí cốt đã tổ chức cứu (…) đưa chị ra Miền Bắc (…) đưa vào bệnh viện Việt – Xô (…) Chị nằm nhiều ngày trên giường bệnh mà không mấy lúc tỉnh lại. Trong cơn mê, chị thường hét lên chửi giặc. Chứng kiến cảnh ấy, những người có mặt không cầm được nước mắt. Tôi đến thăm chị vào một ngày cuối đông 1958. Nhìn người con gái đang nằm im trên giường bệnh, lòng tôi vô cùng xót thương, cảm phục. Tình cảm ấy đã được tôi thể hiện thành bài thơ “Người con gái Việt Nam”” (Tố Hữu, Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000)



Tố Hữu, “Người con gái Việt Nam” (12-1958)


Tặng chị Trần Thị Lý anh dũng




Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây, hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!

Ôi trái tim em trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả nước ôm em, khúc ruột của mình

Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa...

Cả nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần

Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!

Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!


7-12-1958