Lê Tất Điều, “Cái ngọn mía ngọt”




Thị xã Hà Ðông cách làng tôi khoảng 15 cây số. Xe hơi chỉ đưa chúng tôi đến ngã ba cách làng khoảng ba cây số. Từ đấy về làng chúng tôi đi bộ. Nếu chọn ngã Ðại Từ bao giờ chúng tôi cũng qua cánh đồng mía mênh mông.

Tôi không nhớ hồi ấy anh em chúng tôi bao nhiêu tuổi. Chỉ biết những cây mía đối với tôi cao lắm. Chúng tôi đi trên bờ ruộng, hai bên là mía dầy đặc, chi chít như cây rừng. Tất cả những hình ảnh tôi còn nhớ được về thủa ấy là con đường đất quanh co giữa những ruộng mía, cỏ xanh mọc lan từ bờ đường xuống tới chân những cây mía lá khô cong phủ lòa xòa. Những con cào cào, châu chấu bay vút từ cỏ lên gây chút bất ngờ hào hứng thân thiết. Và ở một rặng cây nào đó, con chim tu hú kêu đều đều. Chim tu hú kêu suốt những lần chúng tôi đi trong ruộng mía và hình như đã kêu suốt thời thơ ấu của tôi. Bây giờ tiếng kêu của loài chim đó còn vang mãi trong trí nhớ, gây xao xuyến như dư ảnh quê hương sau giấc mơ đậm đà còn nhớ được.

Về quê hay từ quê trở lại tỉnh, anh em tôi luôn luôn đi theo mấy ông chú, ông anh họ. Các vị này đều hơn tôi năm mười tuổi, và hình như đều đủ lớn để ba, mẹ tôi yên tâm cho chúng tôi đi theo họ.

Anh em tôi nhỏ xíu, dắt nhau đi theo các chú, các anh một cách vui thích.

Kể ra các vị ấy cũng có chú ý săn sóc chúng tôi ở một vài chỗ. Khi qua chỗ sông cạn ở Ðại Từ, chúng tôi được cõng, khi lên xe, chúng tôi được lên trước và em G. được bế lên.

Nhưng khi chúng tôi còn đi giữa khu rừng mía thì các anh, các chú không có thì giờ chú ý đến chúng tôi. Họ lo bắn chim, bắt cào cào, châu chấu để đem về nuôi chim sáo. Và dĩ nhiên họ bận ăn mía.

Cả làng Ðại Từ trồng vải và mía. Cả làng sống về nghể kéo mật. Như thế bất cứ ai đi qua khu rừng mía đều có thể ăn no bụng và vác về vài cây tùy sức. Như thế trong tiếng chim tu hú đều đều quen thuộc, với những bước chân làm bay vút lên những con cào cào, châu chấu đập cánh xè xè hào hứng, chúng tôi hân hoan chọn những cây mía vừa ý bẻ ăn.

Các chú, các anh tôi bao giờ cũng bẻ một cây ăn và một cây vác lên vai, hoặc chống xuống đất như chống gậy. Tiêu chuẩn chọn cây mía để dành là thật thẳng. Bởi vậy, đang đi các vị ấy có thể vứt cây mía đang vác để nhảy xuống ruộng, bẻ một cây khác đẹp hơn.

Hồi ấy, tôi chưa đến cái tuổi đủ sức bẻ một cây mía. Vả lại, anh em tôi chỉ việc chờ các anh các chú ở ruộng lên là ăn no bụng mía, như họ.

Nhưng có một lần tôi lầm tưởng mình đủ sức bẻ nổi một cây. Hào hứng vì mọi người ào xuống ruộng mía, tôi cũng bước xuống.

Tôi đã cố ý chọn một cây thật nhỏ. Tôi bẻ nó gẫy. Nhưng sức tôi chỉ làm được có thế. Tôi không sao vặn nổi vài vòng cho cây mía đứt rời ra. Em tôi cũng xuống ruộng đứng ngay sau lưng tôi chờ đợi. Trong lúc tôi dùng hết gân sức đánh vật với cây mía thì em tôi đứng nhìn đầy lo ngại, cái miệng nó méo mó theo từng cử động của tôi, như chính nó cũng đang phải làm công việc vất vả ấy.

Sự láu táu cuống cuồng càng làm cho tôi chóng mệt, đồng thời trong lúc quá hăng hái, tôi nắm cả vào những lá mía khô, cứng và sắc như có hàng ngàn mũi gai. Tôi không biết đau, chỉ mệt. Tôi nghĩ nếu có thể bẻ được cây mía và anh em tôi ăn cây mía ấy, không phải nhờ các anh, các chú thì chắc tôi sung sướng và kiêu hãnh không thể tả được.

Nhưng cây mía hạ tôi sát ván.

Trong khi các chú các anh tôi đã bẻ mía xong, quay nhìn tôi nói vài câu giễu cợt và tiếp tục đi thì em tôi cũng khuyên ông anh nó bỏ cuộc. Tôi tức gần phát khóc.

Thế rồi tôi nghĩ ra rằng chỗ ngọn mía bao giờ cũng giòn, không dai một cách khủng khiếp như đoạn gốc. Ít nhất thì cũng phải bẻ được một cái gì rồi mới đi nổi. Tôi bẻ dần lên và, phút chót, được một cái ngọn mía ngắn ngủn, trắng nhách, mỗi đốt mía chỉ dài cỡ đốt ngón tay.

Tôi không nhớ nổi ngôn ngữ của anh em tôi thủa đó. Tôi chỉ nhớ rằng tất cả những lời phê bình của em tôi trước chiến lợi phẩm thảm hại của tôi đại ý là: “Thôi được rồi anh! Thôi được rồi anh!”.

Chúng tôi rời ruộng mía, chạy vội cho kịp các chú, các anh. Tôi xấu hổ và buồn bã trao cho em tôi cái ngọn mía. Con bé ăn ngon lành, làm như cái ngọn mía ấy quý hóa lắm.

Khi anh em tôi theo kịp mọi người, một ông chú cho tôi hai tấm mía to dài, ngọt lịm như thường lệ. Em tôi nhận phần của nó. Nhưng thay vì quăng ngay cái ngọn mía nhạt như nước ốc đó xuống đất thì nó cứ tiếp tục ăn cho đến hết.

Sau này, lớn lên và hiểu biết hơn, nhớ lại chuyện đó, tôi còn kinh ngạc. Em tôi khư khư giữ cái ngọn mía ấy không phải vì ngu.

Vậy thì con bé nhóc tì đã học được ở đâu cái lối lịch sự, tế nhị, đầy chịu đựng như vậy?