Với vũ khí thô sơ, ta không thể đánh thắng giặc Pháp. Ta cần một ngoại bang cung cấp cho ta vũ khí tối tân.

Liên Xô là ngoại bang duy nhất có thể làm việc đó. Lúc đầu Liên Xô chưa thấy lý do phải giúp ta. Nhưng rồi Lê-nin nhận thức được rằng giúp ta chính là giúp chính mình trong cuộc đấu tranh với khối tư bản. Từ nhận thức đến hành động là mấy chục năm! Vì phải đợi đến lúc cuộc đấu tranh trở nên căng thẳng đúng mức và phải chờ xem cái dân tộc bị trị kia có xứng đáng cho mình giúp đỡ hay không.

Ngẫu nhiên, đúng lúc mâu thuẫn tư bản – cộng sản lên cao chưa từng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh quân dân Việt Nam cũng vừa kết thúc đầy vinh quang “năm năm chiến đấu hoàn toàn tự lực”. Thế là bắt đầu một cuộc ngoại viện dài một phần tư thế kỷ mà dân tộc ta sẽ chứng tỏ vô cùng xứng đáng được nhận.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tóm tắt cuộc đánh Pháp” (1)




Điện Biên Phủ (là) hồi chuông báo hiệu giờ tận số của chủ nghĩa thực dân (cũ) (…) là sự kiện làm rung chuyển, thay đổi thế giới (…) minh chứng cho dự đoán thiên tài của Nguyễn Ái Quốc năm 1921: không phải trông chờ cách mạng vô sản thành công ở (nước thống trị), những dân tộc thuộc địa “có thể thực hiện công cuộc giải phóng bằng sự nỗ lực của bản thân” (…)

*

Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc là con đường đấu tranh giải phóng dân tộc ở thời đại chủ nghĩa đế quốc, khi so sánh lực lượng đã trở nên vô cùng bất lợi đối với những dân tộc mất nước. Nó là bước phát triển mới về chất so với các phong trào trước đó đã bị bọn thực dân thống trị dìm trong biển máu (…)

*

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, tiếng súng xâm lăng bắt đầu nổ ở Nam bộ. Quân xâm lược đã đụng tới cả dân tộc. Với truyền thống đấu tranh bất khuất, người dân Nam bộ lấy gậy tầm vông làm vũ khí đã lập tức đứng lên kháng chiến. Cả nước vì Nam bộ, cả nước ủng hộ Nam bộ. Từ miền Bắc, miền Trung, những đội quân Nam tiến nối tiếp lên đường. Trong cuộc kháng chiến 9 năm, rồi 30 năm, miền Nam đi trước về sau (…)

Ngay từ đầu, kháng chiến của ta (…) kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao (…)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (…) tìm mọi cách tránh cho dân tộc vừa thoát khỏi vòng nô lệ một cuộc chiến tranh. Hòa bình là khát vọng sâu sắc của dân tộc ta (…) Nhưng chúng ta không thể có hòa bình. Đế quốc Pháp quyết giành lại toàn bộ bán đảo Đông Dương bằng chiến tranh vì chúng tin sẽ thắng trong một thời gian ngắn (…)

Từ đêm 19 tháng 12 năm 1946, cuộc chiến đấu diễn ra trên cả nước (…)

Kháng chiến toàn quốc khởi đầu bằng cuộc tổng giao chiến trên tất cả những thành phố, thị xã, thị trấn có mặt quân địch. Trong (lịch sử) chiến tranh chưa có trường hợp một lực lượng vũ trang yếu kém đương đầu thắng lợi với một đội quân chính quy ngay tại thành phố. Quân và dân ta đã cầm chân quân địch ở khắp nơi. Đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội, ta chiến đấu với 6.500 quân viễn chinh Pháp suốt hai tháng, rồi tiến hành một cuộc rút lui thần kỳ ngay trước mũi súng quân thù. Trung đoàn Thủ đô được thành lập ngay giữa vòng vây. Hà Nội, tiêu biểu cho cả nước, đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ (…) tạo thời gian chuyển sang chiến tranh, động viên toàn dân lên đường kháng chiến lâu dài. Đây là sự khởi đầu của nghệ thuật chiến tranh toàn dân (…)

Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Đảng xác định đường lối kháng chiến của ta là: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ”, với cách “đánh du kích”. Đảng ta lại chủ trương: “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Vì muốn kháng chiến thắng lợi phải dựa vào dân, phải bồi dưỡng sức dân, phải tiếp tục xây dựng chế độ mới đem lại (…) những quyền lợi thiết thực cho dân.

*

Năm năm chiến đấu trong vòng vây là một thời kỳ hết sức ngặt nghèo (…)

Thực tế chiến tranh cho thấy đánh vận động với lực lượng chủ lực nhỏ là cách duy nhất tránh cho một đội quân non trẻ không bị kẻ thù có sức mạnh áp đảo tiêu diệt (…)

Mùa đông năm 1947, bằng Huấn lệnh “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, chúng ta phân tán hai phần ba bộ đội thành những đại đội đi phát động chiến tranh du kích ở những vùng tạm bị chiếm và dùng đơn vị tiểu đoàn đánh vận động tiêu diệt quân địch ở những nơi chúng sơ hở.

“Vừa kháng chiến vừa kiến quốc” (…) Chúng ta đã làm được một điều kỳ diệu là, trong chiến tranh, phát triển nông nghiệp, tiêu diệt nạn đói triền miên suốt thời Pháp thuộc (…) Nền kinh tế tự cấp tự túc (…) còn nuôi được một đội quân tập trung, sau này lên đến trên 30 vạn người, và hàng triệu dân quân du kích, trang bị cho chiến sĩ ngoài những vũ khí lấy được của địch, một số vũ khí do chính ta sản xuất, từ lựu đạn, mìn, đến ba-dô-ca, súng cối 120 ly, SKZ (súng không giật) v.v. (…)

Cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang, gồm ba thứ quân, được tiến hành theo hai phương thức:

- Bộ đội địa phương và dân quân du kích (…) phát triển chiến tranh du kích (…) xây dựng làng kháng chiến (…) khu du kích, căn cứ du kích (…) bám đất bám làng, tiến hành cuộc chiến đấu tại chỗ (…)

- Bộ đội chủ lực của khu (…) dùng vận động đánh nhỏ tập kích, phục kích tiêu diệt, tiêu hao quân địch, chống càn để hỗ trợ (cuộc chiến đấu ở các) địa phương (trong khu), tiến lên mở những chiến dịch tiêu diệt hệ thống đồn bốt, đơn vị lớn của địch trong vận động.

- Bộ đội chủ lực của Bộ xây dựng những tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn mạnh (…) đánh vận động (…) mở những chiến dịch với quy mô ngày càng lớn, đánh địch trong vận động, trong công sự vững chắc từ cụm cứ điểm đến tập đoàn cứ điểm (…)

Hai phương thức chiến tranh (du kích chiến và vận động chiến) do ba thứ quân tiến hành gắn bó khăng khít với nhau, hỗ trợ nhau phát triển không ngừng (…)

Việt Bắc (gồm sáu tỉnh), căn cứ địa thần thánh của cách mạng và kháng chiến cả nước (…) đã đánh thắng cuộc tiến công chiến lược lớn nhất của quân viễn chinh Pháp năm 1947 (…) Ở phía bắc, ngoài Việt Bắc, ba tỉnh Liên khu Bốn đã được Bác coi như căn cứ địa kháng chiến thứ hai (…) Ở giữa miền Trung, bốn tỉnh dọc bờ biển của Liên khu Năm tồn tại như một thách thức đối với kẻ thù (…) Ở Nam bộ, các chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu Đ, chiến khu Đồng Tháp Mười là những căn cứ địa của kháng chiến (…) Trên khắp vùng địch hậu từ bắc chí nam đã hình thành những khu du kích và căn cứ du kích, tuy trải qua nhiều biến động nhưng kẻ thù không thể nào tiêu diệt (…)

Qua năm năm chiến đấu giữa vòng vây, tư tưởng chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực.

Ta đã huy động được sức mạnh của cả dân tộc (…) đưa quân viễn chinh vào thế sa lầy (…)

Từ thực tiễn chiến đấu, một nghệ thuật chiến tranh toàn dân đã hình thành.

Năm năm chiến đấu hoàn toàn tự lực để tồn tại và phát triển giữa vòng vây là thời kỳ có tính quyết định đối với cuộc kháng chiến lâu dài, đối với vận mệnh dân tộc.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1123-1130. Nhan đề phần trích tạm đặt.)