Tượng trưng cho thắng lợi của kháng chiến chống ngoại xâm, không có gì ý nghĩa bằng việc lấy lại Thủ đô từ tay giặc.

Quân ta “Tiến về Hà Nội” là niềm vui lớn của cả dân tộc. Đối với những “Người Hà Nội” đã chiến đấu “bảo vệ từng góc phố, từng ngôi nhà” trước khi ra đi và những “Người Hà Nội” khác đã bao năm chờ đợi người đi trở về, trong niềm vui chung có chen những nỗi riêng cũng thật là đặc biệt:

“Tay vui sóng vỗ rạt rào
Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn?
Biết bao sung sướng tủi hờn
Trông nhau mà tưởng như còn trong mơ!” (Tố Hữu)

Nhưng khải hoàn không phải chỉ toàn vui. “Hôm nay bao đồng chí đâu rồi? / Ta đứng khóc (…)” (Nguyễn Đình Thi).

Cười to khóc lớn cho thật quen đi. Vì rồi đây sẽ phải khóc lớn và được cười to “bội phần” hơn, dân tộc ơi.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tiếp quản Thủ đô”



Suốt hai tháng ở Thủ đô, những chiến sĩ quyết tử đã bảo vệ từng góc phố, từng ngôi nhà, rồi ra đi kháng chiến trường kỳ với lời thề chiến thắng trở về (…) Đại thắng ở Điện Biên Phủ đã mang lại cuộc trùng phùng lịch sử.

Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô được trao cho Đại đoàn 308, trong đó có trung đoàn Thủ đô. Anh Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng 308, Chỉ huy Mặt trận Thủ đô tám năm trước, hôm nay là Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố. Chủ tịch thành phố Hà Nội vẫn là anh Trần Duy Hưng năm đầu cách mạng (…)

Ngày 9 tháng 10 năm 1954, một số đơn vị của 308 vào trước tiếp quản các công sở, nhà máy, từ tay quân Pháp. Thành phố đang bị đặt dưới lệnh giới nghiêm, không một bóng người, nhà nhà cửa đều đóng kín. Một đơn vị tới bàn giấy làm thủ tục bàn giao. Những chiếc xe bọc thép của quân Pháp chưa kịp quay đầu thì từ ngôi nhà tranh xiêu vẹo bên đường đã xuất hiện một lá cờ đỏ sao vàng, những tiếng hô không biết từ đâu nổi lên: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan nghênh các anh bộ đội trở về giải phóng Thủ đô!”. Rồi những cánh cửa bật mở, bà con ùa ra, xúm xít chung quanh các chiến sĩ tủi tủi mừng mừng. Chỉ trong giây lát, cả dãy phố nghèo ở ngoại ô đã đỏ rực màu cờ. Tại nhà máy đèn Hà Nội, anh chị em công nhân đứng xếp hàng trước cửa với những bó hoa trên tay. Họ đã trải chiếu nằm tại sở mấy ngày qua không cho quân địch tháo dỡ máy móc đem đi. Lời chào mừng của chị công nhân nghẹn đi vì nước mắt tuôn chảy. Bác thợ già ôm lấy anh chiến sĩ như gặp lại đứa con đi xa lâu ngày. Ở các nhà máy, bộ đội cũng đều gặp những người thợ nằm chờ từ mấy hôm nay. Tại nhà ga Hàng Cỏ, anh chị em vui vẻ cho biết vừa sửa xong một chiếc đầu tàu thật tốt, bảo đảm cho chuyến tàu đầu tiên xuất phát đúng giờ chào mừng bộ đội trở về. Quân Pháp lui dần qua cầu Long Biên (…)

Sáng ngày 10 tháng 10 năm 1954, những ngôi nhà cổ kính của Hà Nội đều sáng rực lên những lá cờ sao. Hôm trước trời mưa, nhưng đường phố sáng nay rất sạch. Cổng chào đã được dựng lên khắp nơi. Những cụ phụ lão khăn đóng áo dài trang nghiêm đứng chung quanh bàn thờ Tổ quốc. Tàu điện từ ngoại ô vào chật ních bà con ngoại thành. Sau nhiều năm tạm bị chiếm, Thủ đô đã sống lại không khí ngày đầu Tổng khởi nghĩa. Tất cả mọi người dồn ra hai bên đường phố chờ đón giờ phút lịch sử, đoàn quân chiến thắng trở về.

“Đường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
Vườn hồng ngớt gió mưa qua
Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao…”
(“Lại về”, thơ Tố Hữu).

Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, trung đoàn trưởng trung đoàn Thủ đô, dẫn đầu đơn vị bộ binh tiến vào Hà Nội. Người từ hai bên đường đổ xô ra đặt vào tay anh và các chiến sĩ những bó hoa tươi. Những chiếc lưỡi lê sáng ngời lấp lánh bên hoa. Tiếp sau là đoàn xe cơ giới, pháo binh (…) Hàng Bông, Hàng Đào rộn ràng tiếng trống múa sư tử, múa lân. Pháo nổ rền, xác pháo đỏ hồng rải trên đường phố như những cánh hoa đào. Bên hồ Hoàn Kiếm, sinh viên, học sinh tụ tập kín vườn hoa Chí Linh như năm nào, hát những bài ca cách mạng.

15 giờ. Từ Nhà hát lớn thành phố nổi lên một hồi còi dài. Các loa phóng thanh vang lên tiếng đồng chí Chủ tịch Ủy ban Quân chính đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô:

“Tám năm qua, Chính phủ xa rời khỏi Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể…”
(…)

Bác và anh Trường Chinh còn ở lại Sơn Tây một thời gian. Tôi được Bộ Chính trị phân công cùng với các anh Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu chỉ đạo việc tiếp quản Thủ đô.

Sáng ngày 11 tháng 10, chúng tôi về tới Hà Nội (…) Rợp trời cờ đỏ. Những đường phố vào thu lác đác lá vàng. Những ngôi nhà kín đáo nấp dưới vòm cây. Hàng liễu rủ quanh Hồ Gươm nước vẫn xanh ngắt (…) Nơi tôi tới thăm đầu tiên là nhà máy điện Yên Phụ. Tôi siết chặt tay những người thợ quần áo đầy muội than đã phá máy làm tắt nguồn điện của Hà Nội thay hiệu lệnh tiến công đêm 19 tháng 12 năm 1946, hôm nay lại đấu tranh kiên cường với địch bảo vệ máy giữ nguồn ánh sáng cho Thủ đô. Tất cả các công sở tôi tới đều trống trơn, không còn một chút tiện nghi làm việc (…)

Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Chính phủ và Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Bác Hồ gặp lại đồng bào ở quảng trường Ba Đình (…) Chúng ta đã tổ chức cuộc duyệt binh lớn đầu tiên ở Hà Nội (…)

Ngôi nhà Phủ Toàn quyền cũ nay trở thành Phủ Chủ tịch. Ngay từ đầu, Bác đã chọn chỗ làm việc, cũng là nơi ở của Người, là căn nhà nhỏ của người làm vườn nằm sâu phía trong, dưới những vòm cây, bên cạnh một cái hồ (…)

Hai năm qua rất nhanh. Quân Pháp từng bước rút về nước. Nhưng cuộc tổng tuyển cử cũng như nhiều điều khoản khác của Hiệp-định Giơ-ne-vơ đã không được thực hiện. Ở Nam Việt Nam, những người kháng chiến cũ bị ruồng bố, lùng bắt, phải chạy ra bưng biền, chạy lên rừng núi (…) Nhân dân ta chuẩn bị lên đường đi tiếp chặng đường mới của cuộc trường chinh (…) so với chặng đường đã qua còn bội phần gian nan hơn.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1119-1122. Nhan đề phần trích tạm đặt.)