Dĩ nhiên là “tôi” thơ.

“… Về đến đây rồi Hà Nội ơi!
Người đi kháng chiến tám năm trời
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Ràn rụa vui lên ướt mắt cười!

Ðường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
Vườn hồng ngớt gió mưa qua
Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao...

Tay vui sóng vỗ rạt rào
Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn?
Biết bao sung sướng tủi hờn
Trông nhau mà tưởng như còn trong mơ!

Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ
Thiên thu hồn Nước mong chờ bấy nay
Bây giờ đây lại là đây
Quốc kỳ đỉnh Tháp, sao bay mặt hồ...”. (“Lại về”)

Thơ đẹp như lịch sử dân tộc ngày hôm ấy.

(Thu Tứ)



Tố Hữu, “Thơ đẹp như sử!”




Vào khoảng tháng 9 (năm 1954), các đơn vị cơ quan lần lượt về xuôi (…) Tôi may mắn được đi trong đoàn xe Bác ngày 9 tháng 9 về Hà Nội. Bác đi rất đơn giản: một chiếc com-măng-ca, có vài anh em đi cùng. Tôi đi xe sau. Thật tình cờ, đường đi qua những vùng tôi đã sống vào hồi 1947, 1948: Sơn Dương, Bình Ca, Phú Thọ. Bảy năm rồi, bây giờ chúng tôi mới được thanh thản ngắm cảnh (…)

Đến Phong Châu, xe Bác dừng lại. Anh em đưa Bác lên đền Hùng. Bác ngồi trên bậc đá của đền Giếng, nói với một đơn vị của Đại đoàn 308 một câu rồi sẽ được nhớ mãi: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (…)

Xe chạy tới gần trưa, Bác bảo: “Dừng lại ăn cơm trưa được rồi”. Thế là “bữa tiệc” được dọn trên bãi cỏ, gồm xoong cơm, ít dưa cà, mấy con tôm rim mặn. Đây là bữa ăn quen thuộc của Bác (…)

Ăn xong, Bác ngả lưng nằm trên liếp cỏ, nhìn lên trời cao. Có lẽ trong cuộc đời Bác, hiếm có những giây phút thoải mái và thanh thản như vậy.

Xe về đến Sơn Tây. Anh em đã chuẩn bị một làng cho Chính phủ ở tạm (…) Tại đây, Bác và các Bộ trưởng đã tiếp một số trí thức, nhân sĩ (…) Chính vì thế mà chưa vào Hà Nội, Chính phủ ta đã nắm vững tình hình (...) Đợi cho đến khi các đơn vị tiếp quản xong (…) các cơ quan Chính phủ ta mới vào (…)

Đoàn quân về Hà Nội đúng ngày 10 tháng 10 (…) Trên những đường phố bộ đội đi qua (người Hà Nội) tung hoa, hô khẩu hiệu hoan hô và đánh đàn, ca hát. Không khí tưng bừng như ngày hội (…)

Tuần lễ đầu tiên tiếp quản Thủ đô là tuần lễ biểu diễn của các đoàn văn công (…) Các bài hát từng nổi tiếng ở chiến khu như “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi” của Văn Cao, “Giải phóng Điện Biên”, “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận, “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân và nhiều bài khác rất rộn ràng, nhạc điệu vừa hùng tráng vừa trữ tình làm say mê mọi người nghe. Những điệu múa nón, múa quạt, múa xòe và nhất là múa sạp là bất ngờ lớn đối với đồng bào Thủ đô. Họ không ngờ văn nghệ kháng chiến lại hay đến vậy. Chúng ta cũng mở những cuộc triển lãm tranh (…) của Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đình Thọ, Phan Kế An, Sĩ Ngọc, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến (…)

Bác Hồ và Trung ương rất quan tâm đến việc sớm khôi phục các trường học phổ thông và đại học Hà Nội. Các nhà trí thức lớn Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu cùng các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai được giao nhiệm vụ quan trọng này. Đối với số trí thức ở nội thành (…) có nhiều thành kiến, ngộ nhận (…) Thường vụ Trung ương (…) chỉ thị cho Ban Tuyên huấn tổ chức ngay một trường đặc biệt, gọi là “Đại học nhân dân” ở địa điểm Cung Văn hóa Hữu nghị hiện nay. Trường mời anh Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, làm hiệu trưởng (…) Tố Hữu, Hà Huy Giáp, Đoàn Trọng Truyến trình bày các nội dung cần thiết về tình hình đất nước, đường lối, chính sách của Đảng, nhiệm vụ của người trí thức đối với Tổ quốc, nhân dân… Bác Hồ cũng vài lần đến trường thăm hỏi và nói chuyện thân mật (…) Trường mở liên tục nhiều khóa (…) rất được hoan nghênh (…) Hầu hết học viên sau này là cán bộ của nhà nước và khá đông được kết nạp vào Đảng (…)

Khó khăn nhất là những vấn đề kinh tế (…) Giá sinh hoạt giữ được khá ổn định (…) Trước khi rút, địch mưu toan phá hoại tất cả máy móc, nhưng nhờ tinh thần đấu tranh kiên quyết của anh em công nhân nên về cơ bản các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động.

Nhìn chung, việc tiếp quản Hà Nội rất suôn sẻ. Thủ đô tràn ngập không khí ngày hội (…)

Tết (...) ở Hà Nội năm 1955 thật tưng bừng. Anh em công nhân nhà máy điện Yên Phụ hết sức cố gắng tăng thêm ánh sáng cho đêm giao thừa, đặc biệt ở hồ Hoàn Kiếm (…)


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)