Đầu tiên, do xem thường, Trường Viễn Ðông Bác Cổ giao việc khai quật di tích Ðông Sơn cho một chuyên gia khảo... của là Pajot. Pajot đào lên được um sùm của lạ, khiến giới khảo cổ chánh hiệu bên trời Tây xôn xao. Janse tận Thụy-điển “bay” qua Ðông Sơn đào tiếp... Chuyên gia Tây ngắm nghía cổ vật, bắt đầu nghĩ ngợi. Khốn, óc ngập định kiến “văn minh chỉ có ta”, làm sao tới được sự thực. Óc nghĩ sai nhưng “miệng (…) có gang có thép”, nên một thời lan truyền cái “cổ tích” trống đồng có gốc bên Tây!!! (Thu Tứ)



“Tìm hiểu Ðông Sơn” (2)

Hoàng Xuân Chinh




Các cuộc khai quật của Pajot ở Ðông Sơn (...) có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, thu hút sự chú ý của nhiều học giả nghiên cứu về Ðông Nam Á. Năm 1934, trong một bài nghiên cứu về đồ đồng ở Ðông Nam Á, nhà khảo cổ học người Áo Heine-Geldern đề nghị gọi tên nền văn hóa đồ đồng này là Văn hóa Ðông Sơn (...)

Tiếp theo (...) Pajot, từ năm 1935 đến 1939, Olov Janse, nhà khảo cổ học Thụy Ðiển, theo lời mời của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, đã ba lần khai quật di tích Ðông Sơn và điều tra thu thập đồ đồng ở nhiều nơi khác như Cầu Công (Thanh Hóa), Phố Lu (lào Cai) v.v. Báo cáo sơ bộ (...) trước Ðại chiến Thế giới lần thứ hai (...) báo cáo chính thức (...) trong ba tập Nghiên cứu khảo cổ học ở Ðông Dương (Janse 1947, 1951, 1958).

Qua báo cáo thì cuộc khai quật quan trọng nhất của Janse ở Ðông Sơn được tiến hành vào năm 1935, thu lượm được 700 hiện vật đồng thau. Và trong cuộc khai quật năm 1936, Janse cũng phát hiện được nhiều cột nhà, cọc tre, gỗ cạnh khu vực Pajot đào dưới độ sâu 2m bên cạnh mảnh gốm, thạp đồng và xương trâu. Cũng như Pajot trước đây, Janse cho đây là tàn tích nhà sàn của cư dân Ðông Sơn.

(...)

Bộ sưu tập hiện vật do Janse khai quật được cũng tương tự như bộ sưu tập của Pajot trước kia song không phong phú bằng. Rất tiếc bộ sưu tập hiện vật này phần lớn đã bị mang sang châu Âu, châu Mỹ từ trước Ðại chiến Thế giới lần thứ hai.

(...)

Do trình độ hạn chế của khảo cổ học những năm trước Ðại chiến Thế giới lần thứ hai cùng tư tưởng học thuật chủ đạo là “thuyết thiên di”, “chủ nghĩa truyền bá”, “trung tâm phương Tây” (...) các học giả nước ngoài đã không đi sâu được vào bản chất của văn hóa Ðông Sơn (...) Và khi (...) tìm hiểu nguồn gốc của văn hóa Ðông Sơn thì đều cho là bắt nguồn từ Trung Quốc (Chiến Quốc hoặc Hán) và xa hơn là từ châu Âu (...)

Việc làm sáng tỏ bản chất, nguồn gốc của văn hóa này (...) là nhiệm vụ của những người làm công tác khảo cổ nước ta.


(Hoàng Xuân Chinh, “Lịch sử phát hiện và nghiên cứu”, tức chương I trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)