Đào Duy Anh, “Cổ Loa là Kẻ Loa”




Cổ Loa, theo chúng tôi, không có nghĩa là Loa Thành xưa (cổ).

Muốn tìm ý nghĩa chữ Cổ, chúng ta hãy so sánh tên Cổ Loa với những tên Cổ Bôn và Cổ Ðịnh. Cổ Bôn là một làng ở tỉnh Thanh Hóa huyện Thiệu Hóa, vốn tên tục là Kẻ Bôn (...) Cổ Ðịnh là một làng ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, theo tài liệu xưa (...) vốn tên tục là Kẻ Nưa (nay còn có núi Nưa là núi ở làng ấy) (...) khi đặt tên chữ cho làng thì trở thành Cổ Ninh, sau đổi làm Cổ Ðịnh. Ðối chiếu chữ Cổ Loa với lai lịch chữ Cổ Bôn và Cổ Ðịnh, chúng ta có thể đoán rằng tên Cổ Loa hẳn là do tên nôm cũ Kẻ Loa mà ra.

Trong tiếng Việt Nam có cái lệ lấy chữ Kẻ đặt lên trên một chữ khác để gọi tên một làng, chữ thứ hai này thường là chỉ một đặc điểm gì về địa lý hay về kinh tế của làng ấy, ví như Kẻ Chợ, Kẻ Noi, Kẻ Vẽ, Kẻ Mộc ở Bắc bộ, Kẻ Hạ ở Quảng Bình, Kẻ Trái ở Thuận Hóa.(2)

Khi người ta phiên âm tiếng Kẻ thành chữ Hán thì người ta phiên thành chữ Cổ (...) Nhà dân tộc học Trung Quốc Từ Tùng Thạch, tác giả sách Việt giang lưu vực nhân dân sử (...) cho rằng chữ Cổ là chữ phiên âm tiếng Choang tộc, người ta thường dùng để đặt lên trên một chữ khác làm tên đất (...) tỉnh Quảng Ðông có Cổ Ðỗ (...) Cổ Lâu (...) Cổ Ðâu (...) Cổ Ðường (...) tỉnh Quảng Tây có (...) Cổ Trúc (...) Cổ Ðịnh (...) Cổ Lạc (...) Cổ Luyện (...) Cổ Ðinh v.v. Từ Tùng Thạch cho rằng (...) ở miền các nước Việt nước Ngô thời Xuân Thu (các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô) có rất nhiều những tên có chữ Câu - gần với âm chữ Cổ - đứng đầu, như núi Câu Khúc, huyện Câu Dung (...) núi Câu Vô, núi Câu Dư (...) đời xưa thì gọi nước Ngô là Câu Ngô, nước Việt có vua tên là Câu Tiễn. Ông nêu những điểm tương tự trên để tỏ mối quan hệ giữa người Choang tộc với người Việt Nam và với người Việt tộc xưa.

Chúng tôi tán thành ý kiến ấy. Chúng ta đã thấy (...) chữ Cổ trong các tên Cổ Bôn và Cổ Ninh là chữ Kẻ mà phiên thành chữ Hán, chữ Kẻ có nghĩa là người, là cái (...)

____________
(2) Xin kể (thêm) một số làng ở Bắc bộ có tên đặt chữ Kẻ ở trên: Kẻ Vẽ (Ngạc Vĩ), Kẻ Noi (Nội Duệ), Kẻ Ðơ (Cầm Ða), Kẻ Trôi (Lôi Xá), Kẻ Mọc (Nhân Mục), Kẻ Thốn (Thuấn Nội), Kẻ Thày (Lật Sài), Kẻ So (Sơn Lộ), Kẻ Bún (Phúng Thượng), Kẻ Mía (Cam Giá) ở tỉnh Hà Tây, Kẻ Xuôi (Thụy Lôi) ở tỉnh Hưng Yên, Kẻ Sặt (Tráng Liệt) ở tỉnh Hải Hưng. (ĐDA)


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)