“Chùa giếng”




Nhà văn Tô Hoài có lần kể đã nhờ kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện chỉ ra mà biết thưởng thức cái giếng trời (“thiên tỉnh”) ở chùa Tây Phương. Ðại khái là một không gian huyền ảo giữa các tòa kiến trúc, với ánh sáng từ trời xanh cao đổ xuống, từ bốn phía lọt qua các khe cửa và lọc qua mành sáo đổ vào, với hơi mát dịu của nước mưa trong bể, với mùi thơm thoảng của hoa sói hoa mộc...

Lên chùa, đã thấy dễ chịu. Nếu lại có giếng để đứng “ngâm” một lúc thì bao nhiêu bụi bặm đang bay mù mịt trong lòng hẳn sẽ lắng cả xuống đáy.

*

Hà Nội nhiều chùa. Vãn các ngôi chùa đông đảo khách thập phương là một cái thú, rồi đi thăm những nơi thờ Phật vắng vẻ cũng là một cái thú.

Chùa vắng không nhất thiết xa. Từ bờ Hồ Gươm, có thể dễ dàng cuốc bộ đến một cái “Bà Ðanh tự”.

Ðang ở ngoài đường xe máy xe con ngược xuôi rối rít, ồn ào, rẽ một cái vào cổng chùa, đi dăm bước, đã nhẹ cả mắt lẫn tai. Nếu không phải mồng một, ngày rằm, thì thường không gặp người. Chỉ có cây lớn dưới đất, cây nhỏ trong chậu, và lá và hoa, và thoang thoảng hương của hoa và hương của hương...

Một mình ngoài sân, vườn chùa như thế hồi lâu, có lúc bỗng nhìn lên cao, bốn phía. Bụt ơi, sắp kín hết rồi. Quanh chùa nhà tầng sừng sững, cao hơn ngọn cây cao nhất, giăng liền vách quây gọn chốn thiền môn bé tí teo, thế ra nãy giờ mình dạo chơi đáy giếng!

*

Trên đầu trời xanh thẳm. Gần chân, bên cánh cửa gỗ nâu có con chó mực nằm ngủ say sưa không biết từ đời... vua nào.

“Hương thời gian thanh thanh...”(1)

Ai muốn ngửi, dừng chân ghé lại nơi cái giếng thời gian sâu sâu này.



Thu Tứ
Thăm chùa C.T. năm 2007
Viết năm 2007 hay 2008

















_________
(1) Trong bài thơ “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ.