Hiển nhiên dân tộc Việt Nam đại thắng, tuy chưa toàn thắng. Về các nước hay thế lực có liên hệ tới cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp của ta:

- Khối cộng sản ghi được một bàn thắng rất quan trọng của một quốc gia thành viên là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. VNDCCH là nước Việt Nam như tổ tiên ta đã mở, kéo dài từ mỏm Lũng Cú đến mũi Cà Mau.

- Khối tư bản do siêu cường Mỹ cầm đầu sắp lập được ở Đông Nam Á một cái nước giả làm tiền đồn trong cuộc tranh giành thế giới với khối cộng sản. “Việt Nam Cộng hòa” là một phần lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị một thiểu số dựa vào thế lực ngoại bang mà cát cứ.

- Pháp mất trọn quyền thống trị ở Đông Dương và cũng sẽ không có một chút thế lực nào trên đất nước ta nữa, vì cái ngụy quyền sắp ra đời ở phía nam vĩ tuyến 17 hoàn toàn nằm trong tay Mỹ.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hiệp định Giơ-ne-vơ…”



Đầu tháng 7 năm 1954, đồng chí Chu Ân Lai từ Giơ-ne-vơ trở về Trung Quốc, đề nghị gặp Bác ở Liễu Châu, thuộc tỉnh Quảng Tây, không xa biên giới nước ta. Bộ Chính trị cử tôi cùng đi với Bác (…)

Buổi làm việc đầu tiên, theo ý của Bác, tôi dùng bản đồ trình bày tình hình quân sự lúc này. Ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam hầu như toàn màu đỏ, màu (…) giải phóng. Quân Pháp chỉ còn giữ được hai khu vực: trên miền Bắc, Hà Nội và một số tỉnh chung quanh, vùng ven biển từ Hải Phòng tới Móng Cái; ở miền Trung, một số thành phố, thị xã ven biển từ nam Quảng Bình qua Huế, Đà Nẵng tới Hội An. Tại Nam bộ, những khu căn cứ của ta được củng cố và mở rộng.

Hai buổi tiếp theo, đồng chí Chu Ân Lai trình bày về diễn biến tại Hội nghị Giơ-ne-vơ (…) nói tình hình quốc tế hiện nay yêu cầu (…) việc phân chia ranh giới tạm thời (…) (ta nên chấp nhận trong khi chờ đợi) một cuộc tổng tuyển cử (…) Cuối cùng, đồng chí nói trước đây Pháp khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng do ta đấu tranh kiên quyết, nay Pháp, Mỹ, Anh đều đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17.

Bác và chúng tôi đều ngỡ ngàng. Phải chăm chú tìm trên bản đồ mới thấy dòng sông Bến Hải nhỏ bé ở phía bắc tỉnh Quảng Trị.

Bác nói: với (…) thực tế chiến trường hiện nay, ta đề ra vĩ tuyến 13 (bắc Phú Yên) là hợp lý, vĩ tuyến 17 không thể chấp nhận được, ít nhất cũng phải là vĩ tuyến 16 (phần lớn thành phố Đà Nẵng nằm phía trên vĩ tuyến này) (…)

Trước lúc đoàn ta ra về, đồng chí Chu nói với Bác: “Tôi sẽ bàn với đồng chí Mô-lô-tốp hết sức cố gắng thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch (…) vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17, mong Hồ Chủ tịch chú ý vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tranh thủ cho được hòa bình và những điều kiện để hòa bình thống nhất Việt Nam” (…)

Từ cuộc họp trở về, Bác suy nghĩ rất nhiều (…) nói với Bộ Chính trị (…) Các bạn Liên Xô và Trung Quốc đều ngại chiến tranh Đông Dương kéo dài, muốn ta đạt được một thỏa thuận với Pháp (…) (Về tình hình quân sự, tuy ta đang thắng thế) nhưng với sự giúp đỡ của Mỹ, địch vẫn có nhiều khả năng không những bù đắp những tổn thất mà còn tăng cường thêm lực lượng. Ta cũng cần có một thời gian (…) để củng cố những thành quả của cách mạng và kháng chiến, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Nhưng vĩ tuyến 17 đối với ta là khó chấp nhận (…)

Toàn bộ quân đội viễn chinh Pháp ở miền Bắc đã dồn về tập trung dọc trục đường số 5 Hà Nội – Hải Phòng. Cô-nhi tổ chức lại lực lượng (…) chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công của các đại đoàn chủ lực ta. Chúng chỉ còn nhằm bảo vệ con đường dài 100 ki-lô-mét chạy từ Hà Nội ra cảng Hải Phòng (…) Những đơn vị ngụy binh đụng phải quân kháng chiến là tan vỡ. Nhiều lính ngụy tự động bỏ ngũ. Bộ chỉ huy Pháp phải dồn quân ngụy vào vòng trong. Những đơn vị quân viễn chinh rệu rã sau cuộc chiến đấu Đông Xuân vừa lo bảo vệ mình, vừa lo canh chừng ngụy binh tháo chạy.

Tại Tây Nguyên, quân địch ở Plây Ku rục rịch rút chạy. Quân địch ở Bình Trị Thiên rất hoang mang. Mũi thọc sâu từ Hạ Lào tới Viên Sai, Stung Treng (Campuchia), đã bắt liên lạc được với Nam bộ. Anh Phạm Hùng nhắn: lương thực đã sẵn sàng. Anh Trần Văn Trà báo cáo đã chuẩn bị xong khu vực tập kết cho bộ đội chủ lực Nam tiến. Tại Nam bộ, quân địch bỏ nhiều đồn bốt lui về các thành thị (…)

Ngày 15 tháng 7, Trung ương họp hội nghị lần thứ 6 dưới sự chủ tọa của Bác. Hội nghị nhận định: “ (…) Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính (…)”

Ngày 20 tháng 7 năm 1954 (ở Giơ-ne-vơ) (…) Phía ta chấp nhận vĩ tuyến 17. Phía Pháp chấp nhận thời hạn tiến hành tổng tuyển cử thống nhất hai miền Bắc, Nam Việt Nam là hai năm. Một năm sau ngày ký hiệp định, bắt đầu hiệp thương giữa hai miền về tổng tuyển cử (…)

Hội nghị thông qua Tuyên bố chung về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương:

1. Xác nhận những văn bản hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ở Lào, ở Campuchia và về tổ chức kiểm soát quốc tế.

2. Khẳng định sự hài lòng của các bên tham gia hội nghị về việc chấm dứt chiến sự ở các nước Đông Dương.

3. Xác nhận những lời tuyên bố của chính phủ Vương quốc Campuchia và chính phủ Vương quốc Lào về việc tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức trong năm 1955 ở hai nước này.

4. Cấm việc đem quân đội và nhân viên quân sự nước ngoài vào các nước Đông Dương.

5. Cấm việc đặt căn cứ quân sự nước ngoài ở Đông Dương, và việc các nước Đông Dương tham gia các liên minh quân sự với nước ngoài.

6. Quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam.

7. Khẳng định các bên tham gia hội nghị thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, việc hiệp thương giữa hai miền sẽ bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1955 và việc tổng tuyển cử sẽ tiến hành trong tháng 7 năm 1956.

8. Cam kết tôn trọng quyền tự do lựa chọn nơi sinh sống của nhân dân trong mỗi nước.

9. Cam kết không có hành động trả thù đối với những người thuộc phía đối phương thời kỳ chiến tranh.

10. Quy định việc quân đội Pháp rút khỏi các nước Đông Dương.

11. Pháp cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

12. Quy định những nguyên tắc trong quan hệ giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia: tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, không can thiệp vào nội bộ của nhau.

13. Quy định những biện pháp cần thiết để bảm đảm việc tôn trọng hiệp định.

Đoàn Mỹ không ký vào hiệp định, chỉ ra một bản tuyên bố ghi nhận, và hứa sẽ không gây trở ngại cho việc thi hành hiệp định. Bộ trưởng ngoại giao của ngụy quyền Bảo Đại tuyên bố không thể công nhận sự hợp thức của hiệp định. Chúng ta thấy rõ Mỹ và ngụy quyền là một, chắc chắn sẽ phá hiệp định.

Hiệp định Giơ-ne-vơ (…) chấm dứt sự thống trị của Pháp (…) buộc quân xâm lược phải ra đi, Pháp phải công nhận trên văn bản độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương (…) chấp nhận về nguyên tắc một cuộc tổng tuyển cử là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh lâu dài của ta (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1113-1118. Nhan đề phần trích tạm đặt. In đỏ đậm là do người trích.)