“Hữu Thỉnh - Thơ yêu nước yêu quê”




Có biết bao nhiêu là thơ hay về người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam! Rất nhiều bài được làm bởi những người trực tiếp chỉ huy họ. Trong số cán bộ làm thơ về chiến sĩ, nổi bật nhất là Chính Hữu và Hữu Thỉnh. Có thể xem Hữu Thỉnh như “Chính Hữu thời đánh Mỹ”.

Thời nào thì đại đa số chiến sĩ Việt Nam cũng ra đi từ nông thôn. Mà Hữu Thỉnh thì hoàn toàn là một đứa con của nông thôn, nên thơ ông nói lên được sâu sắc tâm tình của người chiến sĩ điển hình. Đã bao lần đông đảo trai quê đi cứu nước, quá đến lúc từ chính những cánh đồng lũy tre cất lên một cái “tiếng” đích đáng về họ!

Vì sao lần này lại xảy ra việc nông dân hóa chiến sĩ? Bởi sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lãnh đạo nhân dân đánh cho giặc Pháp đại bại, phải rút khỏi nước ta, thì ở Miền Nam dưới sự bảo trợ của siêu cường Mỹ một thiểu số ngang nhiên dựng lên một “nước”, chia hai Tổ quốc! Thế là làm giặc. Giặc thì phải đánh. Miền Nam nổi dậy, Miền Bắc chi viện Miền Nam đánh ngụy, đánh cả Mỹ và chư hầu khi chúng kéo vào cứu ngụy. Phải trái là hết sức rõ ràng, nên trong hàng hàng lớp lớp thanh niên ngày đêm xẻ dọc Trường Sơn đã không có chút nghĩ ngợi phân vân nào hết về ý nghĩa của việc mình làm, mà chỉ có vô cùng tha thiết một niềm nhớ quê. Người nông dân xa làng mạc ruộng đồng, nỗi ấy nói sao cho xiết! Chiến sĩ ở tiền tuyến mà đau đáu nhớ hậu phương, như thế có hại cho tinh thần chiến đấu chăng? Không hề, bởi chiến sĩ biết người ở hậu phương đặt hy vọng ở mình và đang nỗ lực tối đa để giúp mình chiến đấu mau thắng lợi. Họ nhận thức chỉ có một con đường về quê duy nhất, là “Đường tới Thành phố”! Về công việc của người chiến sĩ, Hữu Thỉnh nhận xét bất ngờ rằng một số đức tính ra đời nơi đồng ruộng đã tạo ưu thế ở chiến trường. Quả thực, tuy về chi tiết hoàn toàn dị biệt, đánh giặc cũng chẳng qua một “vụ”. Chính nhờ tinh thần lao động hết sức tích cực tự rèn luyện nên qua vô số mùa trồng lúa, người nông dân Việt Nam mới “cày cấy” được có kết quả tốt đẹp cái “vụ” đặc biệt này.

Nhưng trên đường ra trận, Hữu Thỉnh không phải chỉ thơ về chiến sĩ, mà còn thơ lên nỗi nhớ quê yêu quê của chính mình. Quê dĩ nhiên là một nguồn cảm xúc quan trọng trong thơ Việt Nam. Vừa đi dưới lá, có khi “trong mây”, Hữu Thỉnh vừa diễn cái cảm quê tinh tế cách riêng của ông thành vần, góp vào với những vần quê của Nguyễn Khuyến, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Phùng Cung, Trần Đăng Khoa…

Sau ngày đất nước thống nhất Hữu Thỉnh chuyển sang công tác văn nghệ, nhưng vẫn luôn chú trọng tiếp xúc với chiến sĩ, nhất là những người nơi đầu sóng ngọn gió. Thời gian tình hình biên giới phía bắc căng thẳng, có lần ông lên tận Mèo Vạc thăm bộ đội…

Sau đây là một số thi phẩm Hữu Thỉnh có nội dung yêu nước yêu quê. Riêng Đường tới thành phố thì do quá dài, xin sẽ dẫn vào dịp khác.

Sức bền của đất (1)

“Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ / Mẹ ở nhà đã cất áo bông / Mẹ có ra bờ sông / Qua bến đò tiễn con dạo trước / Đường xuống bến có mười sáu bậc / Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu... / Trận địa của con nối tới bến sông / Có cái khát của nhiều trận đánh / Có niềm vui trước mỗi cơn mưa / Khum bàn tay vốc đom đóm bay ra / Kỷ niệm lập lòe những đêm bám chốt / Kẻ thù trước mặt / AR-15 xả đạn liên hồi / Cối cá nhân kêu dóng một / Pháo tầm xa cố tình thay quy luật / B-52 hay nhè trước mỗi bữa ăn / Cây cối thưa dần / Màu ngụy trang cuối cùng là màu của đất / Và mẹ là người chúng con thương nhớ nhất / Đất nước ngày có giặc / Mẹ vẫn đỏ miếng trầu / Ấm một vùng tin cậy phía sau”. Hoàn cảnh có thể bị lạnh xác bất cứ lúc nào dễ làm cho trở nên lạnh lòng. Nhưng người chiến sĩ Việt Nam điển hình luôn thấy lòng ấm bởi được sưởi bằng một nguồn nhiệt vô cùng bền bỉ trong “vùng tin cậy phía sau”. Quân thù “AR-15”, cối, pháo, bom, rải chất độc xuống mãi mà không thấy kết quả mong muốn, chắc chắn kinh ngạc nhưng không thể ngờ cái đang động viên chiến sĩ ta ngụy trang màu đất tiếp tục chiến đấu chỉ là “đỏ miếng trầu”.

Sức bền của đất (2)

“Sóng đánh cao trên mặt nước Sa Thầy / Pháo giặc hầm hầm Đắc Siêng, Đắc Mót / Đường Mười Tám như dây bị đứt / Rơi rụng hai bên những ung nhọt quân thù / Chúng con ở đây hai mươi tám ngày qua / Vừa im lặng vừa ồn ào trên chốt / Phơi chiếc khăn sương sớm mai rửa mặt / Ngủ nhát gừng giữa hai đợt tấn công / Tay thêm chai mỗi bận moi hầm / Ném cho nhau những khẩu phần khô khốc / (...) / Mây trôi trước mặt Đắc Bờ Si / Ai đốt rẫy cỏ thơm như mía nướng / Đất chiến hào như một người hay chuyện / Ta chưa một lần được thư thả đất ơi / Ta chưa một lần nói được nên lời / Lòng của ta với mẹ! / Xanh xao nước trời mùa khô rất trẻ / Hầm hập quanh người đất đổ mồ hôi / Đưa mắt cho nhau trò chuyện không lời / Đồng đội của ta / Người giữ AK, người ghìm B-41 / Đồng đội hay cười qua hàm răng cắn chặt / Nụ cười mát lành như mây trắng bay qua”. Chốt là nơi người đóng kẻ muốn nhổ. Nó lúc thì “pháo hầm hầm” inh tai, lúc lại lặng lẽ rình mò để rồi cũng làm inh tai, ta đành chỉ chợp mắt “nhát gừng”. Ngủ không yên, ăn chỉ có “những khẩu phần khô khốc”, nhưng “chúng con (vẫn cứ) ở đây hai mươi tám ngày qua”, liên tiếp đánh lui mười sáu đợt tiến công của giặc. Ở trên chốt, những lúc được yên mà không ngủ, chiến sĩ có thể ngắm “mây trôi trước mặt”, ngửi mùi cỏ cháy “thơm như mía nướng” (do “ai đốt rẫy”), và nhất là nghe “đất chiến hào” kể chuyện. Nghe đất, rồi tâm sự với đất. Tất nhiên trao đổi thầm thôi, bởi ngay giữa anh em, cũng chỉ có “đưa mắt cho nhau”. “Trò chuyện không lời” với nhau không biết những gì mà bất kể “quanh người đất đổ mồ hôi”, có chiến sĩ “hay cười qua hàm răng cắn chặt”. Nhờ nở được những “nụ cười mát lành như mây trắng bay qua” như thế, “ta” sẽ tồn tại nơi đây dù “mùa khô (hãy còn) rất trẻ”.

Sức bền của đất (3)

“Ta đi từ đầu sông Lô đến cuối sông Thương / Từ thung lũng Sa Thầy ra sông Trường trắng cát / Đất vẫn đất của dân ca và mía mật / Gió thổi rừng lồ ô xao xuyến biết bao nhiêu / Vẫn chiếc cối xay cười ra hạt trắng tinh / Vẫn cây chuối cuối vườn hay ngẫm nghĩ / Con dao băm bèo, cái xa cuốn chỉ / Phấp phới buồm nâu chiều mỏng tang / Đất bận quanh năm điệp khúc mùa màng / Chị búi tóc cao hơn, chịu thương chịu khó / Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ / Quá nửa những cánh đồng dành cho đứa con xa / Sức lực nào từ mạch đất ông cha / Chuyền đến tận chiến hào hăm hở thế / Ánh sáng nào từ mênh mông lòng mẹ / Soi cho ta qua khe ngắm đầu ruồi / Ta lớn lên kịp đến chiến trường này / Để đối địch với quân thù đang quẫy cựa / Này đồng đội, này nhân dân, bè bạn nữa / Mẹ ở nhà cứ yên tâm về con”. Sông Lô, sông Thương ở ngoài Bắc, thung lũng Sa Thầy với sông Trường ở miền Trung, “ta” đi tới đâu cũng thấy “đất của dân ca”. “Gió thổi rừng lồ ô” làm nhớ tre làng, rồi tre làm nhớ “biết bao nhiêu” cái khác. Nơi từ đó ra đi xa tít tắp rồi, nhưng người chiến sĩ biết chị và mẹ mình đang làm nhiều ăn ít, ngày đêm hướng về mình. Cái biết ấy là nguồn “sức lực” vô hình mà vô tận. Con sẽ không làm thất vọng đâu, “Mẹ ở nhà cứ yên tâm”.

Sức bền của đất (4)

“Kẻ thù làm cho ta thương nhớ nhiều hơn, sôi sục gấp trăm lần / Con gái con trai nhớ nhau qua bãi bom tọa độ / (…) / Ta hoãn cưới một năm rổi lại hai năm / Đi đánh giặc chân trời in màu thiếp / Có miếng cao nai không sao gửi được / Mẹ ta đã ngoài sáu mươi / Nguyên nỗi nhớ thương này / Đủ nuôi lớn cho ta thành dũng sĩ / Xin cảm ơn những khu rừng thiêng / Tán lá rợp cho ta trầm tĩnh lại / Chông tẩm thuốc sau nhà, đá mài dao dưới suối / Con đường mòn nung đỏ dưới ngàn cây / Một cọng rau gợi nhớ về xuôi / Củ chuối chát ghi mối thù canh cánh / Đêm bên suối sao trời rơi óng ánh / Nhắc ta hoài biển đang vỡ dưới kia / Con đường tấy lên như một lời thề / Đất gọi ta, làng gọi ta, nóng bỏng / Vịn vào cây ven đường nhẵn bóng / Ngỡ như đồng đội đỡ ta lên”. Thương mẹ nhớ “em” quá. Càng thương nhớ càng phải tiếp tục đi như “dũng sĩ” cho tới khi trên khắp quê hương, chân trời chỉ hồng vào lúc bình minh... Bước dưới “tán lá rợp” của “những khu rừng thiêng”, lòng người chiến sĩ “trầm tĩnh lại”, nhưng cùng lúc lại “nóng bỏng” lên vì nghe tiếng “đất gọi”, “làng gọi”. Chân chồn lắm rồi nhưng vẫn bước được vì tay vịn vào quyết tâm của bao nhiêu đồng đội đã qua đây!

Sức bền của đất (5)

“(...) / Gió trẻ trung rung động những khu rừng / Chúng con hát trong giọng trầm đại đội / Đắp nắm đất cho người ở lại / Trận đánh hiểm nghèo: tất cả giơ tay! / Quần áo màu rừng, đôi mắt màu mây / Trái tim thả diều về thăm mẹ / Nỗi nhớ người yêu thêm vào đêm chuẩn bị / Lại những rừng châm, lại những đồi lau... / Chiến dịch mở ra thời vụ bắt đầu / Mang cái rét giêng hai đi bám giặc / (…) / Qua những cánh đồng đang sủi tăm phù sa / Ta chao chân trên những mảnh bờ / Lặng lẽ nhận sức bền của đất / Đạp cứ điểm / Lần theo từng dấu dép / Ta nhận ra màu bùn qua những cánh đồng chiêm” (Tây Nguyên, Tết Ất Mão 1975). Làm nông dân với làm chiến sĩ khác hẳn nhau, cái gì cũng phải học từ đầu… Không phải đâu. Người trai quê chỉ cần học dùng vũ khí và học chiến thuật, chứ cái tinh thần cái ý tứ cơ bản cần thiết để có thể hoàn thành nghĩa vụ tốt đẹp thì “mẹ dạy (…) tự bao giờ” rồi. Có những “điều” được dạy đã lâu mà chưa thấm thía, nay nhờ “xa mẹ (mà) chúng con (mới) vỡ nhẽ”. Ngộ nghĩnh, chẳng những được dịp thấm kỹ cái khôn ngoan mà dân tộc đã đúc kết qua bao nhiêu đời trồng lúa, những con cháu đi đánh giặc thế kỷ 20 còn thấy là có thể vận dụng “ngôn ngữ của ông bà” vào rất nhiều tình huống mới, hoàn toàn không liên hệ gì với nghề cày cấy! “Chiến dịch mở ra thời vụ bắt đầu”. Tất nhiên đó là đông xuân, mùa khô, mùa trồng lúa chiêm, mùa đánh giặc khi đất nước có giặc. “Những cánh đồng (…) sủi tăm phù sa” đã cho những người mặc màu đất không biết bao nhiêu mùa gặt hái vui vẻ, bây giờ tới lượt núi non Trường Sơn đang đợi cho những người tạm mặc màu rừng một mùa chiến công thật tưng bừng!

Đi trong mây

“Đi trong mây anh thấy ấm em à / Tiếng suối giục nghe khi mờ khi tỏ / Những tâm sự lúc thường nghe chẳng rõ / Đi trong mây tí tách sáng dần ra / Đi trong mây anh nghe tiếng chim / Hồn hậu quá như bàn tay em ấy / Đi trong mây tiếng bom nghe nhỏ lại / Để nhường cho tiếng gậy trập trùng vang / Những bước chân khua rộn cả không gian / Qua dốc đá vịn vai nhau mà bước / Núi tốt bụng đang ngồi xanh phía trước / Đợi đoàn anh vượt nốt đám mây này”. Chế Lan Viên có đôi câu thơ: “Ký ức thường hóa suối / Nửa đêm nghe rì rầm”. Nhờ bị đêm bịt mắt, mới nghe được tiếng suối ký ức. Nhờ “đi trong mây”, cũng bị bịt mắt, nên “những tâm sự lúc thường nghe chẳng rõ” mới “tí tách sáng dần ra”. Chuyện lòng rõ lên, còn chính “anh” thì lại khuất hẳn đi đối với những mắt rình rập trên cao. “Núi tốt bụng…”. Núi đang đợi lấy rừng che cho đấy. Ra khỏi trắng, có ngay xanh để chui vào, tha hồ ngơ ngác nhé cú vọ ơi!

Mùa xuân đi đón

“Bắt gặp đám cỏ non / Lòng thơ như trẻ con / Muốn gọi đàn bê đến / Bứt cỏ đưa nó ăn / Một thoáng vã hành quân / Hai chân phồng dộp cả / Quấn khăn vẫn còn đau / Nhiều lúc “đi bằng đầu” / Đến đây, kỳ lạ chưa / Không ai ra lệnh hết / Tất cả đều tụt dép / Ướm nhẹ lên cỏ mềm / Được màu xanh tắm gội / Lòng rân rân cả lên / Chúng tôi vui tính lắm / Những chuyện nhỏ không đâu / Cũng ồn ào bàn tán / Mà trước cỏ bây giờ / Chỉ nhìn nhau im lặng / (…) / Mùa xuân hẳn bắt đầu / Trên quê mình lất phất / Mấp máy lúa chiêm lên / Cỏ đội bờ thả sức / Ở đây nghe rõ nhất / Bao lời quê nhắn nhe / Chiến trường đang gọi đi / Súng hành quân mải miết / Mùa xuân cho cỏ biếc / Đi đón ta dọc đường”. Chỉ một đám cỏ non mà xôn xao đến lặng người! Qua đôi mắt, rồi qua bàn chân “ướm nhẹ lên cỏ mềm”, “mùa xuân (…) quê mình” bỗng hiện ra trong lòng những người đang ở rất xa quê. “Được màu xanh tắm gội / Lòng (chúng tôi) rân rân cả lên”, còn tai thì “nghe rõ (…) bao lời quê nhắn nhe”… Quê không nhắn quay về, mà nhủ “súng hành quân mải miết” cho chóng gặp “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”!(1)

Chuyến đò đêm giáp ranh

“Tiếng bìm bịp bập bềnh trong đêm nước lên / Cỏ lác cỏ năn cứa vào chân ram ráp / Ếch nhái nghiến răng sao mà sốt ruột / Chớp nhì nhằng lô-cốt méo bên sông / Bến đò chìm trong đêm mênh mông / Con đò vớt lên phù sa đong một nửa / Người lái đò trẻ hay già? Chúng tôi chẳng rõ / Chỉ nghe “Các anh lên” rồi vội vã quay đi / Gió thổi dài ẩm ướt về khuya / Con sóng nói nhịp chèo cũng nói / Tiếng thì nghe mà mặt người chẳng thấy / Đêm căng như tờ giấy chia đều sang hai trang / Người lái đò cố giấu đi hình dáng thật của mình / Ý nghĩ chúng tôi sẫm dần thành kỷ niệm / Cánh lính trẻ lại tha hồ được dịp / tưởng tượng bằng cái vốn mang theo / Tất cả bắt đầu bằng nhịp chèo cắt nước / Đồng chí quê mạn ngược / quả quyết người lái đò có vạt áo chàm tươi / Các đồng chí dưới xuôi / ngỡ gặp lại mẹ già đon đả / Đêm giáp ranh ngặt chuyện trò tâm sự / Chúng tôi bơi trong thương nhớ của riêng mình / Bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau / Tiếng nước vỗ tan ra rồi chập lại / Đêm chỉ thực bằng âm thanh chừng ấy / Tất cả là ru, tất cả là mơ / Con đò rướn cao. Sực đã tới bờ / Chúng tôi bước lên. Cát buổi chiều còn ấm / Đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm / ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da / Đêm qua sông không nhìn rõ con đò / và người lái; dồn bao nhiêu câu hỏi / Chúng tôi đi còn tần ngần ngoái lại / Chỉ thấy vầng trăng cuối tháng mới quăng lên / Chúng tôi đi với một niềm tin / Vầng trăng ấy chở chúng tôi cập bến” (Đắc Tô 21-3-1975). Trong ba mươi năm, không biết là bao nhiêu chuyến đò dân chở quân trên khắp quê hương suốt từ Cao Bằng xuống tận Cà Mau… Điển hình, đó là những chuyến đò đêm, người được chở không thấy rõ mặt người chở. Lê Vĩnh Hòa có lần kể chuyện một cô gái dùng ghe máy chở bộ đội qua sông rộng giữa sóng to gió lớn: “Đêm tối không trông rõ hình dáng, mặt mày, chỉ thấy một khuôn mặt tròn, một mái tóc kẹp dài bỏ xỏa xuống lưng áo bà ba trắng” (“Tình cá nước”). Vậy là thấy nhiều, chứ trong chuyến vượt sông mà Hữu Thỉnh kể đây thì người phụ nữ lái đò coi như vô hình. Vì sau câu mời lên đò, không ai nói gì nữa để giữ bí mật, “đêm giáp ranh” cơ hồ “chỉ thực bằng âm thanh” của “tiếng bìm bịp bập bềnh” và tiếng nước vỗ dào dạt. Bị hai thứ âm thanh ấy “ru”, những chiến sĩ đang hành quân hết sức khẩn trương trong một lúc tưởng “tất cả là mơ”, người người lặng “bơi trong thương nhớ của riêng mình”... Nhưng dĩ nhiên tất cả đều rất thực và chuyến đò vầng trăng đêm nay đang chở “chúng tôi”, sau bao nhiêu năm “đi với một niềm tin”, tiến thẳng tới cái bến cuối cùng.

Bầu trời trên giàn mướp

“thu ơi thu ta biết nói thế nào / sương mỏng thế ai mà bình tĩnh được / hứa hẹn bao nhiêu bầu trời trên giàn mướp / lúc hoa vàng thu mới chập chờn thu / ngỡ như không phải vất vả chi nhiều / sau tiếng sấm thế là trời mới mẻ / quả đã buông thủng thẳng xuống bờ ao / ta cứ tưởng đất sinh sôi thật dễ / trời thu xanh và hoa mướp thu vàng / thưa mẹ / những năm bom nơi con không thể có / bến phà con đã qua, rừng già con đã ở / gặp vạt lúa nương con cũng viết thư về / nên không dám / dù một giây xao nhãng / bầu trời này từng dẫn dắt con đi”. Tại sao “sương mỏng thế” lại gây xôn xao? Chắc vì đó là một tín hiệu báo thu đã về, tuy còn “chập chờn”. Được cái, cái sương rất mong manh ấy không vội trôi đi đâu mất, mà “chùng chình qua ngõ” (xem bài “Sang thu”), ta được tha hồ ngắm nó để tiếp tục... mất bình tĩnh, chỉ biết kêu “thu ơi thu” mà không “biết nói thế nào”! Tất nhiên ngoài “bầu trời trên giàn mướp”, quê hương Việt Nam còn vô số bầu trời khác. Cùng một Quê mà có biết bao nhiêu là quê! Trong “những năm bom” vô cùng ác liệt ấy, biết bao nhiêu “con” đã qua những bến phà đỏ lửa, đã nằm trong rừng già thâm u mà không “một giây xao nhãng / bầu trời (...) từng dẫn dắt (mình) đi”...

Chiều sông Thương

“đi suốt cả ngày thu / vẫn chưa về tới ngõ / dùng dằng hoa quan họ / nở tím bên sông Thương / nước vẫn nước đôi dòng / chiều vẫn chiều lưỡi hái / những gì sông muốn nói / cánh buồm đang hát lên / đám mây trên Việt Yên / rủ bóng về Bố Hạ / lúa cúi mình giấu quả / ruộng bời con gió xanh / nước màu đang chảy ngoan / giữa lòng mương máng nổi / mạ đã thò lá mới / trên lớp bùn sếnh sang / cho sắc mặt mùa màng / đất quê mình thịnh vượng / những gì ta gửi gắm / sắp vàng hoe bốn bên / hạt phù sa rất quen / sao mà như cổ tích / mấy cô coi máy nước / mắt dài như dao cau / ôi con sông màu nâu / ôi con sông màu biếc / dâng cho mùa sắp gặt / bồi cho mùa phôi phai / nắng thu đang trải đầy / đã trăng non múi bưởi / bên cầu con nghé đợi / cả chiều thu sang sông”. Thu, nhất là chiều thu, thường làm bâng khuâng. Thế mà bài thơ này rõ ràng diễn một lòng hân hoan gần tới mức bồng bột!... Sực nhớ bài “Chiều thu quê hương” của Huy Cận và bài “Chiều thu” của Nguyễn Bính sáng tác không lâu sau khi kháng chiến chống Pháp thành công. Cả hai cũng là thu vui. Thu khoảng ấy làm sao mà vui? Thì liên tiếp bao nhiêu thu khói lửa tơi bời, bây giờ giặc đã cút, quê hương thanh bình, vui chứ sao. “Chiều sông Thương” sáng tác năm nào, trước hay sau khi đất nước thống nhất? Nếu sau, thì giống như hai bài vừa nói. Còn nếu trước, thì tác giả đã mơ vui thanh bình như Văn Cao mơ vui chiến thắng khi viết “Tiến về Hà Nội” năm 1950.

Những tiếng chim xuân

“Những con chim tu rúc / Về kêu bên mé đồi / Mùa xuân trong cỏ chỉ / Kéo mầm trong nắng soi / Có cái gì thật êm / Phả vào trong trời đất / Như là ta nhớ mình / Cả mùa đông cách biệt / Những mầm cây biết được / Chuyển dần sang tháng giêng / Gió vô tình bắt gặp / Vội mang lên với rừng / Thế là chỉ tu rúc / Về kêu bên mé đồi / Và mưa bay như thể / Ngỡ mình đang có đôi”. Mười mấy thế kỷ trước bên Tàu, Lý Bạch một hôm tỉnh giấc “ngủ rượu”, đã chú ý: “Xuân phong ngữ lưu oanh”.(2) Hồi tiền chiến, Xuân Diệu ra thăm vườn, nghe “ánh ỏi tiếng chim kêu”, cũng trầm trồ: “Sao buổi đầu xuân êm ái thế!”.(3) Tiếng một loài sinh vật, mà như thể là chính tiếng của cả một mùa! Chim tu rúc kêu không biết có “ánh ỏi” không, nhưng cũng “phả vào trong trời đất” “cái gì thật êm”. Chỉ cần tu rúc “về kêu bên mé đồi”, là “cỏ chỉ kéo mầm”, là cả rừng đều biết sắp tới tháng giêng, là đến cả mưa bay cũng trở nên phơi phới như vô số “đôi” đang ngây ngất tình đầu!

Sang thu

“Bỗng nhận ra hương ổi / phả vào trong gió se / sương chùng chình qua ngõ / hình như thu đã về / sông được lúc dềnh dàng / chim bắt đầu vội vã / có đám mây mùa hạ / vắt nửa mình sang thu / vẫn còn bao nhiêu nắng / đã vơi dần cơn mưa / sấm cũng bớt bất ngờ / trên hàng cây đứng tuổi”. Thu nhiều thơ lắm, nhất là khi đang “tới” hay “về”. Hương ổi, gió se, sương chùng chình, sông dềnh dàng, chim vội vã, mây hai mùa, nắng vẫn còn, mưa đã vơi, sấm thi thoảng chịu báo trước, hàng cây “tóc” ngày nào xanh um giờ bắt đầu xơ xác, ồ, cái cảm chớm thu của một người nó tinh tế và kỹ càng sao!

Phan Thiết có anh tôi

“Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ / Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ / Đất và trời Phan Thiết có anh tôi / (…) / Anh ở đây mà em mãi đi tìm / Em hy vọng để lấy đà vượt dốc / Tân Cảnh / Sa Thầy / Đắk Pét / Đắk Tô / Em đã qua những cơn sốt anh qua / Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp / Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết / Em một mình đứng khóc ở sau xe / Cánh rừng còn kia (…) / Vài bước nữa thì tới đường số Một / Vài bước nữa / Thế mà / Không thể khác / Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi / Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì / Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng / Anh chưa biết đã tan cơn báo động / Chưa biết tin nhà không nhận ra em / Không nằm trong nghĩa trang / Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ / (…)” (1981). Trong ba mươi năm đã có không biết bao nhiêu đoàn quân Nam tiến. Trong những đoàn đi sau có thể có em, con, cháu của chiến sĩ đoàn đi trước. Đây là một người em lên đường sau khi nghe tin xấu nhất về anh mình. “Em đã qua (…) / Em đã gặp (…)”, vừa đi “em” vừa hỏi thăm về nơi “anh” nằm xuống. Sự tình cờ khiến đường hành quân đi qua rất gần địa điểm xảy ra trận bom tọa độ ấy. Đây rồi, trời ơi: “Cánh rừng còn kia (…)”, nhưng “Anh không (…) dù chỉ là ngọn cỏ / (…) vuông đất nhỏ”. Trong suốt nhiều năm, người chiến sĩ đi sau đau đớn mãi về một nấm mồ không có cho anh mình, nhưng khi sáng tác bài thơ này thì cảm xúc rút cuộc đã thăng hoa. Người không giữ riêng chút đất nào đã hóa thành chính đất trời nơi một vùng quê hương. Người đã ngã xuống bây giờ “ngày ngày (…) vẫn đứng”… “Anh” như thế không còn chỉ là “anh tôi” nữa, mà trở nên người liệt sĩ vô danh tiêu biểu. Nhớ thơ Chính Hữu: “Ôi tên anh không bao giờ mất! / Tôi thấy tên anh / Trong màu cỏ mùa xuân đã mọc / (…) / Anh đứng dậy, như ngày xưa đứng gác” (bài “Vô danh”). Rồi nhớ thơ Nguyễn Đình Thi: “Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất / Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về…” (bài “Đất nước”). Ngoại nhân đến đất nước ta chỉ thấy và nghe hình và tiếng của hiện tại, nhưng chính ta thì phải thấy nghe được cả hình tiếng của “những buổi ngày xưa” nữa thì mới đáng là ta!

Thư mùa đông

“Thư viết cho em nhoè nét mực / Phên thưa sương muối cứ bay vào / Núi rét đêm qua chừng mất ngủ / Sáng ra thêm bạc một nhành lau / Ở đây tuyết trắng bên chăn mỏng / Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ / Mực đóng thành băng trong ruột bút / Hơ hoài than đỏ chảy thành thư / Chắn gió cây run trong rễ tím / Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm / Có hôm đồng đội đi công tác / Nhớ đấy, nhưng mà... thêm lớp chăn / Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản / Ca bát khua cho đỡ bất thường / Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng / Anh bòn không kiếm đủ rau ăn... / Gạo thường lên sớm, thư thời chậm / Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm / Bao năm không thấy màu con gái / Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em... / Mây đến thường rủ anh mơ mộng / Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn / Ước gì có chút hương bồ kết / Cho đá mềm đi núi ấm lên” (Mèo Vạc 3-1982). “Sáng ra thêm bạc…”… Người mà như núi thì qua chả mấy mùa đông đầu sẽ trắng như bông! Ơ mà núi ở đây trùng trùng, sao “rét” đến thế nhỉ, chắc do không trao đổi được với nhau. Người thì tuy rất xa người nhưng nhờ thư xuống thư lên nên tóc tai chẳng đến nỗi nào, tệ nhất cũng chỉ tai thi thoảng nghe nhầm vó ngựa thành “tiếng guốc em”… Năm ấy hình như Hữu Thỉnh đã xuất ngũ, chuyển sang công tác văn nghệ. Vậy đây là nhà thơ đi thăm chiến sĩ, rồi nhập luôn vào vai chiến sĩ mà làm thơ. Còn việc nào tự nhiên hơn cho ông! Đã xẻ dọc Trường Sơn, giờ lên nằm trong những hầm xây bên vách đá sừng sững của biên cương phía bắc để nếm thứ mùi khác của núi non Tổ quốc, trải nghiệm thế này là hơi khó bì.



Thu Tứ
Viết tháng 1-2019
















___________
(1) Tên ca khúc của Xuân Hồng.
(2) Nghĩa là chim oanh bay chuyền học nói trong gió xuân, trong bài “Xuân nhật túy khởi ngôn chí”.
(3) Bài “Nụ cười xuân”.