Sau Điện Biên Phủ, ta liên tiếp thắng nhiều trận nữa, trong đó to nhất là trận phục kích binh đoàn cơ động 100 gần An Khê ở Tây Nguyên. Tổn thất tổng cộng của địch rất nặng nề. Ta đã giải phóng hầu hết Liên khu Năm và toàn thể phía nam đồng bằng Bắc bộ!

Những nhát búa chót đang đập xuống quan tài sự nghiệp xâm lược của đế quốc Pháp ở Đông Dương. Nhưng một đế quốc khác ghê gớm hơn nhiều đã bắt đầu ráo riết xây dựng sự nghiệp xâm lược của nó. Ta biết thừa và cũng hết sức ráo riết chuẩn bị để sẽ “đi tới” cho tới ngày toàn thắng.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Ta về xuôi, Mỹ bắt đầu…”



Trong Đông Xuân này (…) Chúng ta đã giải phóng thêm nhiều vùng đất rộng lớn có tính quan trọng về chiến lược. Trên toàn bộ khu Tây Bắc, lần đầu không còn bóng quân xâm lược. Căn cứ địa của kháng chiến đã được mở rộng, bao gồm tất cả miền rừng núi Bắc bộ (…) nối liền với khu giải phóng của nước bạn ở Thượng Lào. Trên miền Bắc, lúc này quân địch coi như chỉ còn đóng ở đồng bằng Bắc bộ.

Ở Liên khu Năm, vùng tự do của ta mà địch rắp tâm đánh chiếm nay lại được mở rộng hơn nhiều. Một địa bàn quan trọng ở phía bắc Tây Nguyên chiến lược đã được giải phóng. Thế uy hiếp của địch ở sau lưng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã bị phá tan. Vùng tự do của ta đi từ bờ biển đến biên giới Việt – Lào, nối liền với khu giải phóng của nước bạn ở Hạ Lào, tạo nên một sự uy hiếp mới với quân địch ở phía nam Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm giới cầm quyền Pháp choáng váng, nhưng lực lượng quân địch nhìn chung vẫn còn mạnh (…) Nước Pháp tuy lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn, nhưng chưa phải đã hết khả năng tăng viện cho chiến trường Đông Dương. Và Mỹ chắc chắn sẽ không để Pháp phải một mình đối phó với tình thế.

Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ khó thành công nếu ta không tiếp tục tạo được một áp lực quân sự ngày càng mạnh trên các chiến trường. Theo kế hoạch cũ, sau khi chiến thắng ở Điện Biên Phủ, ta sẽ đưa một bộ phận lực lượng sang Thượng Lào (…) (Nhưng do thấy) số quân Pháp ở đồng bằng Bắc bộ đang rải ra trên một bình diện quá rộng, ta có khả năng thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch trên chiến trường chính, giải phóng một số tỉnh ở đồng bằng tạo nên một biến chuyển mới trong cục diện chiến tranh, lãnh đạo ta bỏ ý định khuếch trương thắng lợi ở Thượng Lào để đưa quân về giải phóng đồng bằng Bắc bộ.

Các đại đoàn tham dự chiến dịch được lệnh chuyển gấp về xuôi để phát triển thắng lợi. Đại đoàn 308 về Thái Nguyên và Bắc Giang. Đại đoàn 312 về Vĩnh Yên và Phúc Yên. Đại đoàn 304 đưa trung đoàn 9 về Nam Định và Ninh Bình, trung đoàn 57 về Sơn Tây và Hà Đông (còn một trung đoàn vẫn đang ở bên Lào). Riêng đại đoàn 316 nhận nhiệm vụ thu dọn chiến trường, đưa tù binh về trại giam, sau đó để lại Điện Biên Phủ một trung đoàn, toàn bộ lực lượng còn lại chuyển về Thanh Hóa.

*

Ngày 14 và ngày 15 tháng 5 năm 1954, Hội đồng Quốc phòng Pháp họp, quyết định cử Tổng tham mưu trưởng Ê-ly cầm đầu một phái đoàn thanh tra đặc biệt sang Đông Dương nghiên cứu tình hình.

Mỹ tiếp tục can thiệp vào Đông Dương. Ngày 15 tháng 5, Pháp chính thức chấp thuận cho Mỹ đưa cố vấn quân sự vào các đơn vị quân ngụy, và thay thế Pháp làm nhiệm vụ huấn luyện quân ngụy (…) Mỹ ráo riết giúp quân ngụy, thành lập các sư đoàn nhẹ và các đơn vị binh chủng. Tính đến cuối tháng 5 năm 1954, trong số 249.000 quân ngụy đã có tới 200.000 quân chính quy.

Ngày 3 tháng 6 năm 1954, chính phủ Pháp chỉ định Ê-ly làm cao ủy kiêm tổng chỉ huy tại Đông Dương. Đây là lần thứ hai hai nhiệm vụ này được tập trung vào tay một người.

Ngày 4 tháng 6, chính phủ Pháp chính thức trao quyền độc lập cho ngụy quyền Bảo Đại. Ít ngày sau đó, trước áp lực của Mỹ, Pháp buộc Bảo Đại gạt Bửu Lộc khỏi ghế thủ tướng và thay thế bằng Ngô Đình Diệm, một lá bài đã được CIA chuẩn bị từ năm 1950. Cũng vào thời gian này, phái đoàn quân sự Mỹ do Lên-x-đên (Lansdale) cầm đầu tới Sài Gòn.

Đã có những dấu hiệu rõ rệt Pháp bắt đầu chuyển giao dần quyền lực ở Việt Nam cho Mỹ qua ngụy quyền Sài Gòn.

*

(…) Từ trung tuần tháng 5 năm 1954, lực lượng vũ trang ta đã đẩy mạnh sức ép chung quanh đồng bằng Bắc bộ. Trung đoàn 95 thuộc Đại đoàn 325 làm lực lượng dự bị của Bộ ở Nghệ An, được điều gấp ra Hà Nam. Trung đoàn 64 của 320 tiếp tục đứng chân ở Thái Bình. Hai trung đoàn khác của 320 là 48 và 52 vẫn hoạt động ở Nam Định và Hà Nam.

Ngày 11 tháng 5, trung đoàn 48 tập kích Thượng Tố (nam Phủ Lý 2 ki-lô-mét) tiêu diệt gần 400 quân địch. Trung đoàn 95 tiêu hao nặng binh đoàn cơ động số 4 ở Phủ Lý. Ngày 18, trung đoàn 52 đánh vị trí Thức Hóa (Giao Thủy, Nam Định), bốn đại đội địch ra hàng. Huyện Giao Thủy được hoàn toàn giải phóng. Cùng ngày, bên tả ngạn sông Hồng, trung đoàn 64 phục kích trên đường 39 ở Thái Bình, diệt hai đại đội, đánh quân viện đến giải vây cho Triều Dương, tiêu diệt 700 tên. Ta giải phóng nam Hưng Yên.

Đầu tháng sáu, phần lớn các đại đoàn của ta từ Điện Biên Phủ về, đã có mặt ở những vị trí quy định (…)

Trung đoàn 102 và trung đoàn 36 của 308 tiến vào Bắc Ninh, Bắc Giang. Trung đoàn 9, trung đoàn 57 của 304 xâm nhập địch hậu Nam Định, Ninh Bình, Sơn Tây và Hà Đông (…) Ngày 3 tháng 6, ta phục kích ở Triều Dương (Nam Định) diệt và bắt sống 500 tên. Cùng ngày, trung đoàn 48 và trung đoàn 52 phối hợp đánh Đông Biên (Nam Định) tiêu diệt tiểu đoàn khinh quân ngụy 702 và bốn đại đội địa phương quân (…) Trung đoàn 9 bức rút nhiều đồn bốt ở địch hậu Nam Định, Ninh Bình, và bức hàng hai vị trí Chùa Cao, Phúc Nhạc. Trung đoàn 36 đánh vị trí công sự mới Cầu Lồ ở Bắc Giang (…)

Từ khi nhậm chức đầu tháng 6, Ê-ly vẫn rất e ngại một “Điện Biên Phủ” mới sẽ lại xuất hiện. Có hai nơi khiến Ê-ly và Xa-lăng (phụ tá) đặc biệt quan tâm. Ở miền Trung, từ đầu tháng 4 năm 1954, quân Pháp đã xây dựng một tập đoàn cứ điểm ở An Khê, vị trí rất quan trọng nằm trên đường 19 nối liền cao nguyên với bờ biển. Đơn vị đồn trú tại đây là binh đoàn cơ động 100 (GM 100), gồm một trung đoàn mới từ Triều Tiên về (2 tiểu đoàn) và một tiểu đoàn Bắc Phi. Đường 19 đã bị lực lượng vũ trang Liên khu Năm cắt đứt hoàn toán, quân đồn trú chỉ còn trông đợi tiếp tế bằng đường không. Tuyến phòng thủ phía nam đồng bằng Bắc bộ cũng là một nơi đáng lo ngại. Tuyến phòng thủ này vốn từ trước vẫn thường xuyên bị hai Đại đoản 320 và 304 đe dọa. Ngày 12 tháng 6 năm 1954, Ê-ly quyết định rút quân khỏi An Khê ở Tây Nguyên, và toàn bộ phòng tuyến ở phía nam đồng bằng Bắc bộ.

Ngày 19 tháng 6 năm 1954 (…) chỉ huy binh đoàn cơ động 100 nhận được lệnh rút (…) Cuộc hành binh được chuẩn bị khá chu đáo (…) Hai binh đoàn cơ động xuất phát từ Plây Ku sẽ xuống đón GM 100 hành quân cơ giới từ An Khê lên. Hợp điểm của hai cánh quân này là đèo Măng Giang, cách An Khê 22 ki-lô-mét. Ngày 24 tháng 6, GM 100 rời An Khê được 15 ki-lô-mét thì rơi vào trận địa phục kích của lực lượng vũ trang Liên khu Năm. Hầu hết binh đoàn, trong đó có viên quan năm và cơ quan chỉ huy, cùng với 250 xe cơ giới và toàn bộ lực lượng pháo binh bị tiêu diệt (…)

Cuối tháng 6 năm 1954, Bộ Tổng tham mưu phát hiện địch có triệu chứng rút bỏ phía nam đồng bằng Bắc bộ. Bộ chỉ thị cho các đơn vị chủ lực và liên khu hành động theo phương châm: “Tích cực (…) linh hoạt, nhưng phải bảo đảm thắng lợi (…) không ham ăn to, không ham đánh điểm (…)”.

Bên tả ngạn sông Hồng, ngày 30 tháng 6, trung đoàn 64 hoạt động trên đường 10 (Thái Bình) phục kích tiêu diệt một tiểu đoàn quân ngụy, thu hai khẩu pháo 105 ly. Địch hoang mang, bỏ Cầu Bo rút chạy.

Ngày 1 tháng 7, trung đoàn 64 tiếp quản thị xã Thái Bình.

Tại hữu ngạn, ngày 30 tháng 6, địch rút khỏi Phát Diệm và (thị xã) Ninh Bình.

Trung đoàn 52 truy kích bắt 700 tên, thu 5 khẩu pháo (có một khẩu 105). Cùng ngày, địch ở Bùi Chu rút chạy. Trung đoàn 52 truy kích tới Nam Định. Địch ở đây cũng vội vã rút chạy.

Bộ đội ta tiếp quản thành phố Nam Định ngày 1 tháng 7 năm 1954.

Ngày 3 tháng 7, địch rút khỏi thị xã Phủ Lý.

Tại Sơn Tây, trung đoàn 57 đánh địch trên các đường 11, 21A và 21B, giải phóng phần lớn tỉnh Sơn Tây. Ngày 7 tháng 7, trung đoàn 57 phục kích binh đoàn cơ động số 8 đi giải vây cho Trình Viễn (Hà Đông), diệt 400 tên.

Đại đoàn 320 dồn toàn bộ lực lượng sang Thái Bình, chủ trương bao vây thị xã Hưng Yên, tiêu diệt địch ở các thị trấn Phụ Dực, Ninh Giang. Đại đoàn 308 cũng chuyển vào hoạt động trên đường 13.

Suốt tám năm kháng chiến, ta chưa có ý định giải phóng một thành phố hay một thị xã ở đồng bằng. Chỉ trong vài ngày, ta đã giải phóng một thành phố, ba thị xã và một số thị trấn. Một năm trước, ta chỉ mong duy trì và mở rộng một số căn cứ ở vùng nông thôn địch hậu đồng bằng. Bây giờ cả một vùng đồng bằng rộng lớn đã về tay ta.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1106-1112. Nhan đề phần trích tạm đặt.)