Bình Nguyên Lộc, “Tượng Quận ở đâu”




Nhà Tần diệt (...) Ðông Âu, Mân Việt và Tây Âu, rồi chia các quốc gia đó thành quận, huyện. Ở Ðông Âu và Mân Việt thì rõ ràng, còn ở Tây Âu thì rối nùi (tr. 222)

Sử Tàu chép rằng họ (nhà Tần) chia nước Tây Âu thành ba quận: Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận (...) Nam Hải là tỉnh Quảng Ðông ngày nay, Quế Lâm là tỉnh Quảng Tây ngày nay (tr. 223)

Chính trí thức Tàu những đời Ðường, Tống, Minh, Thanh cũng chẳng biết Tượng Quận ở đâu, chỉ biết rằng nó là phần đất thứ ba của nước Tây Âu (...) Vì không biết nên họ gán ghép liều (...) Cứ sách này chép lại sách khác (...) truyền cho tới ngày nay (…) Cố Hy Phùng cho rằng Tượng Quận là Nhật Nam (...) Như vậy là (...) mâu thuẫn lớn quá (...) (Nếu) nhà Tần có chiếm Giao Chỉ, Cửu Chân (...) thì hai nơi đó biến đi đâu mà không có mặt trong cuộc phân chia thành quận, huyện? Bằng như không có chiếm thì làm thế nào nhà Tần lại chiếm được Nhật Nam ở dưới xa, để đặt thành Tượng Quận? (…) Chu Khứ Phi viết rằng: Tượng Quận là Giao Chỉ (…) Hẳn họ Chu thấy các sử trước lầm một cách quá lộ liễu nên dời Tượng Quận lên trên (tr. 224-225)

Có đến hai Tượng Quận. Tượng Quận thứ nhứt do nhà Tần đặt ra, Tượng Quận thứ nhì là Tượng Quận đời Hán (...) đã được các cổ thư Trung Hoa cho biết đích xác vị trí. Nhà Hán đã tách làm đôi Tượng Quận đời Tần, phía dưới, vùng giáp ranh Giao Chỉ, đặt tên là quận Thương Ngô, phía trên, giữ tên cũ là Tượng Quận. Nhưng cái Tượng Quận đời Hán nầy thì vài mươi năm sau bị nhập vào Quí Châu và Quảng Tây, tức bị bỏ luôn. Ai muốn biết rõ cổ thư nào đã cho biết đích xác như vậy, xin xem bộ tạp chí Lục đồng biệt lục xuất bản tại Tứ Xuyên, bộ 1946 (tr. 228)

Xét ra thì lý do lầm lẫn (...) bắt nguồn ở hai nghĩa khác nhau của danh xưng Giao Chỉ. Lộ Bác Ðức diệt nước Nam Việt của Triệu Ðà rồi thì gộp tất cả các thuộc địa mới ở vùng đó lại và gọi chung tất cả các nơi là Giao Chỉ. Tượng Quận quả thật ở trong cái Giao Chỉ đó. Nhưng đến đời Tam Quốc thì Tàu tách Giao Chỉ ra làm hai, phần trên lấy tên là Quảng Châu, phần dưới là Giao Châu. Trong Giao Châu có Giao Chỉ (Bắc Việt), Cửu Chân và Nhật Nam. Danh xưng Giao Chỉ I thọ không tới hai trăm năm, còn danh xưng Giao Chỉ II thọ quá lâu đời, nên (đa số chỉ) biết có Giao Chỉ II (tr. 228-229)


(Bình Nguyên Lộc,
Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971)