Nhìn từ xa:

“Cơn mưa thép đã tạnh. Cánh đồng phẳng lặng trang điểm những chiếc dù màu sắc rất tươi, như nở đầy hoa. Xa xa, trên đỉnh núi ở biên giới Việt - Lào những đám mây trắng nhẹ êm đềm kéo nhau đi. Cảm giác đầu tiên của tôi, quang cảnh sao thật thanh bình!”

Nhìn gần hơn:

“Chiến trường (…) khốc liệt và hùng vĩ (…) dãy đồi phía đông (…) không còn ngọn cỏ, giống như những tổ mối khổng lồ, lỗ chỗ những hố bom hố pháo, lởm chởm những ụ súng (…) từ chân những quả đồi ra đến bờ sông Nậm Rốm (…) chỗ nào cũng chỉ thấy chiến hào, ụ súng và dây thép gai. Đất bị xới lộn khắp nơi, đỏ như bị nung…”

Vào hẳn chiến trường, lên điểm cao then chốt:

“Từ đỉnh đồi A1, có thể nhìn rõ toàn bộ hình thái của tập đoàn cứ điểm và trận địa chiến hào của ta. Một công trình lao động khổng lồ bày ra trước mắt. Cơ quan tham mưu ước tính bộ đội ta đã đào khoảng hai trăm ki-lô-mét giao thông hào. Đây chính là cái vòng lửa ghê gớm đã thiêu đốt con nhím Điện Biên Phủ”.

Giá trong đoàn hôm ấy đã có vài nhiếp ảnh gia…

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đi thăm tàn tích”



Hai ngày sau khi cuộc chiến đấu kết thúc, tôi từ Mường Phăng tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ (…)

Dọc đường, tôi dừng xe, vào thăm một vị trí pháo. Điều kiện chiến đấu, ăn ở của các đồng chí pháo binh khá tươm tất. Bom đạn địch suốt thời gian qua không làm suy suyển những căn hầm này. Địch đã phải điên đầu vì sự an toàn tuyệt đối của những trận địa pháo ta. Anh em bộ binh hay gọi đùa hầm của pháo binh là “hầm chữ Thọ” (…)

Xe dừng trước vị trí cửa ngõ: Him Lam (…) Ba quả đồi đỏ lòm đứng chụm vào nhau ngay bên phải đường 41 (…) Nhiều hố đại bác lỗ chỗ trên khắp mặt ruộng chung quanh (…) Tôi đi trên con đường nằm giữa rừng dây thép gai bát ngát, xem xét vị trí. Địch đã chọn được một địa thế rất lợi cho việc phòng ngự. Tiêu diệt được cứ điểm này chứng tỏ bộ đội ta đã trưởng thành rất nhiều.

Đồng chí chỉ huy ở đây đưa tôi vào xem một ụ súng trong đó địch đã đặt một khẩu liên thanh có kính ngắm sử dụng tia hồng ngoại để phát hiện bộ đội ta ban đêm. Tôi nhìn qua lỗ châu mai, thấy hỏa điểm này khá nguy hiểm vì nó kiểm soát một khu vực rất rộng (…)

Đi khỏi Him Lam, trước mắt tôi, đột ngột hiện ra một cánh đồng. Mường Thanh đây rồi! Cánh đồng rộng hơn nhiều so với khi tôi đứng ngắm nó từ đỉnh núi Mường Phăng. Nó chạy dài tít tắp đến chân dãy núi phía nam. Cơn mưa thép đã tạnh. Cánh đồng phẳng lặng trang điểm những chiếc dù màu sắc rất tươi, như nở đầy hoa. Xa xa, trên đỉnh núi ở biên giới Việt - Lào những đám mây trắng nhẹ êm đềm kéo nhau đi. Cảm giác đầu tiên của tôi, quang cảnh sao thật thanh bình! (…)

Tôi đã có mặt ở thị trấn Đông Khê, thị xã Hòa Bình sau khi giải phóng, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy chiến trường với những nét khốc liệt và hùng vĩ như ở đây.

Bên trái là dãy đồi phía đông, thành lũy của tập đoàn cứ điểm, không còn ngọn cỏ, giống như những tổ mối khổng lồ, lỗ chỗ những hố bom hố pháo, lởm chởm những ụ súng. Bên phải đường 41, từ chân những quả đồi ra đến bờ sông Nậm Rốm, nằm trên một cánh đồng hẹp, là những vị trí địch dày đặc. Chỗ nào cũng chỉ thấy chiến hào, ụ súng và dây thép gai. Đất bị xới lộn khắp nơi, đỏ như bị nung. Rải rác còn những xác chết chưa kịp chôn đen đặc ruồi (…)

Điện Biên Phủ là sự nối tiếp của Bạch Đằng, Đống Đa trong thời đại mới (…)

Ngay đầu đường tôi đi vào, hai bên đường 41, là đồi E và đồi D, nơi sau khi quân ta chiếm được tôi đã chỉ thị phải đưa ngay sơn pháo lên để uy hiếp quân địch ở Mường Thanh.

Tôi nhìn lên đỉnh đồi C1 đỏ trụi, thử tìm cái “Cột Cờ”, nơi trung đoàn 98 của Vũ Lăng đã giành giật suốt một tháng ròng với những đơn vị quân dù trong những trận đánh sinh tử, hầu như ngày nào cũng được nhắc tới trong báo cáo chiến sự. Không còn thấy chút dấu vết nào.

Đã đến chiếc cầu sắt bắc ngang sông Nậm Rốm, nối liền khu đông với trung tâm Mường Thanh. Chiếc cầu mới xuất hiện sau ngày quân địch nhảy dù (…) Dưới chân cầu, dòng sông Nậm Rốm đục ngầu, cây cối đổ ngổn ngang và phủ đầy dây thép gai. Đầu cầu, những chiếc lô-cốt há miệng châu mai đen ngòm. Địch đã cố gắng bảo vệ cái cầu này cho tới buổi chiều, cách đây hai hôm, các chiến sĩ ta đã băng qua, và sau đó, bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm cùng với quân lính từ khu trung tâm đã lũ lượt kéo ra, qua đây với những lá cờ trắng.

Một anh dân công còn trẻ đứng đợi bên kia cầu. Anh chìa tay ra và nói:

- Đề nghị anh, cho em bắt tay một cái!

Tôi vui vẻ siết tay anh, và biết anh quê ở Thanh Hóa, một tỉnh đã cung cấp nhiều nhất về người, cũng như lương thực phục vụ chiến dịch. Tôi rẽ vào nói chuyện với một số bà con dân công, có cả đồng bào miền xuôi và đồng bào ở địa phương, đang ngồi bên đường. Trước chiến thắng vẻ vang của dân tộc, mỗi người có góp phần của mình đều cảm thấy tự hào. Riêng trong chiến dịch này, nếu thiếu tấm lòng thương yêu rộng lớn của nhân dân, chẳng quản gian lao, không sợ hiểm nghèo, chăm lo từng viên đạn, hạt gạo, thì bộ đội ở nơi tiền tuyến xa xôi này không thể nào chiến thắng quân giặc (…)

Đồng chí Cao Văn Khánh, tư lệnh phó Đại đoàn 308, người phụ trách tiếp quản Mường Thanh, đưa tôi vào xem sở chỉ huy của Đờ Cát. Nó khá rộng, nằm không sâu dưới mặt đất, được bảo vệ bên trên bằng một vòm những thanh sắt uốn cong và rất nhiều bao tải cát. Những đường hào phủ ghi sắt nối liền hầm chỉ huy với những hầm nhỏ hơn của các cơ quan ở chung quanh. Nó nằm khá lộ liễu giữa cánh đồng (…) Trong hầm, giấy tờ vẫn ngổn ngang. Có cả một bức thư của vợ Đờ Cát. Tôi nhắc anh Khánh cho thu giữ những giấy tờ của địch, chúng sẽ có giá trị lâu dài.

Anh Khánh cho biết khu vực thương binh của địch dưới lòng đất thật là kinh khủng. Hơn một ngàn binh lính và sĩ quan bị thương nặng bị lèn chặc ních trong những căn hầm đầy bùn nhão hôi thối, lúc nhúc ròi bọ. Thương binh địch rên xiết, kêu khóc, đòi cứu chữa, đòi ăn, đòi uống (…) Tôi nói điều ngay tới một đội điều trị kết hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa thương binh (…) Sau đó đội điều trị 3 đã được điều tới (…) Những chị em dân công được chọn làm hộ lý, tuy lòng sôi sục căm thù quân địch, sau khi được giải thích kỹ chính sách của Đảng đã cùng các chiến sĩ quân y của ta di chuyển thương binh địch lên mặt đất và cứu chữa cho chúng. Ít ngày sau, được phép của ta, máy bay Pháp hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh để chở đi những thương binh nặng. Từ chiến dịch Biên Giới, đây là lần thứ ba ta cho quân Pháp làm việc này. Một người lính da đen trước khi rời Mường Thanh đã ứa nước mắt nói với một bác sĩ ta: “Thưa ông, từ khi tôi có trí khôn, ngoài mẹ tôi ra, bây giờ tôi mới biết đến sự dịu dàng và lòng yêu thương”.

Để có vôi bột tẩy uế chiến trường, quân y ta đã tìm trong dân công những người biết dùng đá nung vôi và đưa họ tới công tác ở một lò vôi hỏng cách Mường Thanh khoảng 60 ki-lô-mét (…)

Phải chờ đợi hồi lâu mới có người dẫn lên xem A1, “chiếc chìa khóa” của Điện Biên Phủ. Anh em đã mất nhiều công dọn một lối đi an toàn giữa những bãi mìn.

Tôi đứng nhìn đường hào sâu chạy từ chân đồi lên đỉnh. Đây chính là con đường tiếp viện kín đáo đã làm cho trung đoàn 102 của Hùng Sinh ôm hận. Đường chiến hào của 174 (…) đâm thẳng vào “Cây Đa Cụt”, như vết chém của thanh kiếm khổng lồ cắt rời A1 ra khỏi khu trung tâm nằm dưới cánh đồng. Trước ngày nổ súng đánh A1 lần cuối, Bộ chỉ huy chiến dịch đã theo dõi từng đêm bước tiến đầy gian khổ của đường hào này.

Trên đỉnh đồi là chiếc xe tăng, nòng pháo đã gục xuống. Mỗi tấc đất đều mang dấu vết của cuộc chiến đấu quyết liệt. Dưới chân đồi toàn một thứ đất đỏ nát vụn như cám, trộn đầy những mảnh gang, những đầu đạn đồng lớn, nhỏ, những đoạn dây thép gai.

Một đồng chí cán bộ chỉ cho tôi cái hầm ngầm nằm náu kín dưới ụ đất cao. Cách đó một quãng, khối thuốc nổ một tấn đã để lại trên mặt đồi một hố hình phễu khá sâu.

Tôi vào xem hầm ngầm. Nó là một khối gạch đá và xi-măng kiên cố được bồi đất dày bên trên, với những hào sâu chạy về phía sau. Khi ta tiến công thì địch rút vào đây, và gọi pháo bắn bên trên để ngăn chặn. Đường hầm ta đào để đưa thuốc nổ vào dài 47 mét, nhưng cách hầm ngầm địch hơn 30 mét, nói lên việc xác định vị trí mục tiêu của ta đã thiếu chính xác. Tuy nhiên, về sau ta biết khối bộc phá nghìn cân đã tiêu diệt gần hết một đại đội phòng ngự của địch và tạo ra một cửa mở ở phía đông nam nơi mũi chủ công của ta đánh vào tung thâm.

Từ đỉnh đồi A1, có thể nhìn rõ toàn bộ hình thái của tập đoàn cứ điểm và trận địa chiến hào của ta. Một công trình lao động khổng lồ bày ra trước mắt. Cơ quan tham mưu ước tính bộ đội ta đã đào khoảng hai trăm ki-lô-mét giao thông hào. Đây chính là cái vòng lửa ghê gớm đã thiêu đốt con nhím Điện Biên Phủ. Tôi chợt nghĩ tới một nhiệm vụ của bộ đội, là phải trả lại cánh đồng không còn dây thép gai và mìn cho đồng bào làm mùa, trước khi tiếp tục đi đánh giặc trên những chiến trường khác.

Sau đó, tôi đi thăm sân bay, thăm đồi Độc Lập. Từ đồi Độc Lập trở về, đi Hồng Cúm. Trên đường, ghé qua bản Long Nhai, nơi bom địch đã tàn sát một lúc mấy trăm đồng bào ta bị chúng tập trung ở đây. Xe không thể đi tiếp đến Hồng Cúm vì đường hào trục vẫn còn cắt ngang.

Đêm hôm đó, tôi ở lại Điện Biên Phủ trong sở chỉ huy của Đờ Cát, nơi đã trở thành trụ sở của ban tiếp quản.

Niềm vui chiến thắng đã lắng. Bao nhiêu đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, đồi C1, C2…! Những người hầu hết còn ở lứa tuổi đôi mươi. Sự hy sinh của các anh không uổng phí. Các anh đã cho quân xâm lược một bài học nhớ đời.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 1096-1101. Nhan đề phần trích tạm đặt.)