Xây bằng tre gỗ lá làm sao bền, nên cái nhà Ðông Sơn chỉ còn lại mấy cây cột sàn. Nhà thì mất rồi, nhưng hình ảnh của nhà thì còn nhiều, đủ để chứng minh sự tồn tại của một nền văn hóa cổ độc đáo. (TT)



“Người Ðông Sơn ở thế nào”

Chử Văn Tần




>Các di tích cư trú của người Ðông Sơn (...) hầu hết (...) được phân bố trên các dải đất cao dọc hai bên những con sông hoặc quanh đầm hồ, cũng như các cồn cát cao ven biển, đậm đặc hơn thường là ở ngã ba những con sông nơi hội tụ của nguồn thức ăn thủy sản và đầu mối giao thông (...) Qui mô của mỗi khu di tích thường khoảng vài ba héc-ta, trong đó cư trú vài ba chục gia đình với số dân khoảng vài trăm người.

Chúng ta chưa có điều kiện đào trọn vẹn một khu cư trú, mặt khác do điều kiện khí hậu nóng ẩm nước ta (...) (và) đặc điểm kiến trúc sử dụng chủ yếu các vật liệu bằng chất hữu cơ (...) việc xây dựng lại một xóm làng cổ với những ngôi nhà cụ thể hiện còn nhiều khó khăn. Những tư liệu ít ỏi hiện nay cho thấy có hai loại (...) nhà, đều có mặt bằng hình chữ nhật, (một loại) diện tích trên dưới 10 mét vuông (...) (một loại) diện tích (...) khoảng chừng 70 - 80 mét vuông (...) ta hình dung (...) ngôi nhà ở của mỗi (...) gia đình và (...) ngôi nhà lớn dùng để sinh hoạt của cộng đồng. Vết tích những đoạn gỗ có vết đục đẽo thấy trong khu di tích Ðông Sơn, cùng hình khắc ngôi nhà trên trống đồng Ðông Sơn cho hay nhà sàn là loại nhà phổ biến (...)

Ngôi nhà sàn mái lợp tranh cong vút hình dáng con thuyền nổi lên như một kiến trúc độc đáo của văn hóa Ðông Sơn, mà lưu ảnh của nó người ta còn nhận ra ở các ngôi đình người Việt và nhà ở của nhiều tộc người hiện nay cư trú trên dải đất Việt Nam và trong khu vực Ðông Nam Á.


(Chử Văn Tần, “Những đặc trưng cơ bản của văn minh Việt Nam thời khai sinh”, đăng trong đặc san
Khảo cổ học số 2-1984, in trong Văn hóa Ðông Sơn - văn minh Việt cổ, nxb. Khoa Học Xã Hội, 2003)